Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Nhiều cơ hội xét tuyển bổ sung cho thí sinh

GD&TĐ - Sau khi các trường đại học công bố điểm và danh sách thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ đợt 1, nhiều thí sinh đã nhanh chóng quyết định nộp hồ sơ nhập học vào trường theo sở thích và nguyện vọng, tuy nhiên, cũng còn nhiều thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 này. 

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Nhiều cơ hội xét tuyển bổ sung cho thí sinh

Để tuyển bổ sung đợt 2, ngay sau thời điểm công bố điểm trúng tuyển đợt 1, các trường đại học đều đã công bố chỉ tiêu và điểm ngưỡng xét tuyển cho nguyện vọng 2. Trong số này chủ yếu là các đại học địa phương, trường ngoài công lập.

Khối Y - Dược điểm trúng tuyển giảm, nhưng vẫn cao

Chiều 17/8, Ban Tuyển sinh Quân sự Bộ Quốc phòng công bố điểm chuẩn 18 trường quân đội. Một số trường có điểm chuẩn giảm, trong đó giảm nhiều nhất là Học viện Quân y từ 26,25 năm 2015 xuống còn 21,25 với thí sinh nam miền Nam xét tuyển khối A. Thống kê điểm chuẩn các trường năm nay cho thấy, nhiều trường tốp trên có xu hướng giảm, đặc biệt là khối Y - Dược.

Hầu hết ngành Y đa khoa - ngành học giữ vị trí số 1 trong danh sách có điểm đầu vào cao nhất khối Y - Dược đều giảm từ 0,5 đến 1,25 điểm tùy trường. Điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội năm 2016 này là 27 điểm (giảm 0,75 so với 2015), ngành Răng Hàm Mặt lấy 26,75 (giảm 0,25).

Tương tự, điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa của Đại học Y Dược TPHCM là 26,75 (giảm 1,25 so với năm 2015). Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng ghi nhận điểm trúng tuyển giảm cho tất cả ngành, ngành Y Đa khoa giảm từ 24 điểm năm 2015 xuống còn 22,8 điểm năm nay.

Cũng như vậy, điểm trúng tuyển ngành Bác sĩ đa khoa của Đại học Y Dược Thái Bình giảm từ 26 điểm năm ngoái xuống còn 25,5 năm nay. Ngành Dược của trường này cũng giảm 1,25 điểm, từ 25,5 xuống còn 24,25. Các ngành Y học cổ truyền, Điều dưỡng và Y tế công cộng và ngành Y Đa khoa của các trường đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên), Đại học Y khoa Vinh, Đại học Y dược Hải Phòng, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đều giảm.

Điểm trúng tuyển ngành Y Đa khoa của Đại học Y Dược Huế là 26, cao nhất trong tất cả ngành và giảm 0,5 điểm so với năm ngoái. Theo lý giải của nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc các trường trong khối Y – Dược năm nay có điểm trúng tuyển giảm nhẹ so với năm 2015 là do đề thi được phân hóa tốt, điểm tuyệt đối của thí sinh không nhiều, nên xu hướng giảm nhẹ là tất yếu.

Nhưng cho dù có giảm thì điểm trúng tuyển các ngành học này cũng vẫn cao hơn mặt bằng chung, điều này phản ánh sức hút của ngành nghề cũng như uy tín của các nhà trường.

Như vậy, đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 đã khép lại. Những thí sinh đã trúng tuyển trong đợt 1 này cần phải nộp giấy báo kết quả thi trong thời hạn quy định (hạn cuối là hết ngày 19/8) để khẳng định nhập học. Còn với những thí sinh có điểm khá cao nhưng do chưa tính toán chính xác nên lỡ hẹn ở đợt 1 và sẽ đăng ký xét tuyển ở đợt 2 này, các bạn sẽ còn nhiều cơ hội trúng tuyển trong các đợt bổ sung.

Cùng một ngành học nhưng các trường khác nhau có điểm chuẩn vào ngành cũng khác nhau, có thể thay bằng Đại học Y Hà Nội là Đại học Y Thái Bình, hoặc chuyển đổi ngành ở trong cùng một trường với điểm chuẩn thấp hơn. Thế nên tùy theo kết quả thi của mình, thí sinh cần tính toán kỹ và nộp đăng ký xét tuyển vào trường/ngành có điểm chuẩn phù hợp ở các đợt bổ sung này để khả năng trúng tuyển nhiều hơn.

Nhiều trường xét tuyển bổ sung

Trong số các trường sư phạm, Đại học Sư phạm Hưng Yên đã thông báo điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1, theo đó trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung với khoảng 1.200 chỉ tiêu hệ đại học của 13 ngành đào tạo khác nhau (chiếm khoảng hơn 40% tổng chỉ tiêu của trường).

Được biết mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2 của trường này đưa ra là 15 điểm đối với thí sinh xét bằng điểm thi THPT quốc gia 2016 và 18 điểm đối với thí sinh xét bằng học bạ. Ngoài số chỉ tiêu đại học chính quy cho 13 ngành đã thông báo, Trường Đại học Sư phạm Hưng Yên cũng tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu hệ cao đẳng cho 9 ngành đào tạo và 420 chỉ tiêu hệ dự bị đại học.

Trường Đại học Lâm nghiệp thông báo tuyển đợt 2 với tổng số chỉ tiêu tuyển bổ sung lên tới hơn 1.700 chỉ tiêu. Trong đó, bao gồm 250 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo bằng tiếng Anh, hơn 1.200 chỉ tiêu của 28 ngành đào tạo bằng tiếng Việt. Đại học Lâm nghiệp cũng tuyển bổ sung 238 chỉ tiêu theo hình thức xét tuyển bằng học bạ cho 20 ngành khác nhau.

Theo đại diện trường này, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2 của trường bằng với mức điểm chuẩn của đợt 1 là 15 điểm bằng mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT, riêng 2 ngành có môn thi năng khiếu nhân hệ số 2, điểm nhận hồ sơ là 17 điểm. Với mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển được đưa ra như vậy, thí sinh cần lưu ý, đây là ngưỡng điểm xét tuyển chứ không phải là điểm trúng tuyển, và điểm chuẩn sẽ được xét từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu.

Trường Đại học Vinh cũng đã công bố mức điểm nhận hồ sơ và chỉ tiêu xét tuyển bổ sung nguyện vọng 1 đại học chính quy với tổng chỉ tiêu xét tuyển bổ sung cho 4 nhóm ngành là 1.850 chỉ tiêu. Lý giải về việc tuyển bổ sung với số lượng lớn chỉ tiêu như vậy, GS.TS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Đại học Vinh là trường có uy tín về chất lượng đào tạo ở khu vực Bắc Trung Bộ được xã hội ghi nhận.

Ở đợt xét tuyển đầu tiên, chúng tôi chủ trương không cố lấy hết chỉ tiêu bằng mọi cách vì như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Đợt bổ sung này, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung vào trường được đưa ra là 15 điểm, bằng mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý đây là mức ngưỡng điểm xét tuyển còn điểm trúng tuyển sẽ được tính toán dựa trên kết quả thi và số lượng thí sinh đăng ký.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ 2016 về cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ với thành công lớn của nhóm trường tốp đầu và một số trường tốp giữa. Số ít các trường tốp giữa có tuyển bổ sung nguyện vọng 2 là do không muốn hạ điểm chuẩn xuống mức quá thấp nên sẽ xét tuyển tiếp ở nguyện vọng sau hy vọng lấy được những thí sinh có điểm cao nhưng do tính toán chưa chuẩn nên trượt ở nguyện vọng đầu.

Số còn lại đông nhất là những trường đại học địa phương, trường ngoài công lập gặp khó khăn về nguồn tuyển. Nhận định chung của các chuyên gia là đợt 2 xét tuyển ĐH, CĐ này cũng sẽ bình lặng như đợt 1 vì tính cạnh tranh đã giảm nhiều trong thí sinh, giờ chỉ là với các trường với nhau, tuy nhiên, người học lại vẫn là yếu tố quyết định vì chọn học trường nào là ở thí sinh chứ không phải các nhà trường.

 Theo quy định của Bộ GD&ĐT các trường sẽ xét tuyển đợt 2 bắt đầu từ 21/8 - 31/8/2016, sau khi các thí sinh đã hoàn tất việc nộp Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia vào các trường mình trúng tuyển. Theo quy chế tuyển sinh, mỗi thí sinh xét tuyển đợt 2 sẽ được đăng ký 3 trường và mỗi trường 2 nguyện vọng.

Cách đăng ký xét tuyển giống như xét tuyển đợt 1 và thí sinh cũng không được quyền rút hồ sơ hay thay đổi nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh cần lưu ý kết thúc đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ nhiều trường đại học lớn đã tuyển đủ chỉ tiêu nên sẽ không tuyển đợt 2. Do đó, thí sinh cần theo dõi trên website các trường để biết cụ thể số lượng chỉ tiêu, điểm nhận hồ sơ cũng như các ngành tuyển bổ sung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ