Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh và nhiều nhà quản lý giáo dục cũng như các nhà trường và phụ huynh, thí sinh, những bổ sung sửa đổi đã hướng đến một kỳ thi công bằng, chính xác và thuận lợi hơn cho thí sinh - điều cần thiết của một kỳ thi.
Đảm bảo sự công bằng
Nhận định về việc này, PGS.TS Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho rằng: Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 này được các trường thực hiện chủ yếu theo 2 phương thức là xét tuyển thí sinh đã dự Kỳ thi THPT quốc gia có kết quả đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định hoặc xét tuyển từ kết quả học tập THPT với những tiêu chí riêng đảm bảo chất lượng của từng trường. Hoặc có thể xét tuyển bằng sự kết hợp của cả 2 phương thức trên.
Tôn trọng quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường, chỉ có điều Bộ GD&ĐT yêu cầu nếu các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành thì phải xác định và công bố chỉ tiêu cho từng phương thức. Đây là những yêu cầu được coi là hết sức cơ bản, là công bằng, khách quan nhằm bảo đảm quyền lợi cho thí sinh! (PGS Khánh nhấn mạnh).
Một thay đổi được các chuyên gia tuyển sinh cho rằng rất nên làm đó là việc siết chặt chế độ ưu tiên, tránh trường hợp thay đổi hộ khẩu để được cộng điểm xét tuyển. Theo đó, Bộ GD&ĐT quyết định thay đổi quy định về đối tượng 01: Thí sinh ở khu vực 1 phải là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại Khu vực 1.Thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Nếu trong 3 năm học THPT (hoặc thời gian học trung cấp) có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.
Được biết, nếu năm 2015 Quy định chung là căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước., trường tổ chức nhận và trả hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh theo nguyện vọng.
Nhưng năm 2016 này, Bộ yêu cầu các trường tổ chức xét tuyển đối với những thí sinh đăng ký sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia phải công bố phương thức tiếp nhận đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển. Thí sinh có thể nộp đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển trực tuyến hoặc qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh. Trường có thể quy định thêm phương thức tiếp nhận đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển của thí sinh phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng không gây khó khăn, tốn kém cho thí sinh và bức xúc xã hội.
Hướng đến thuận lợi cho thí sinh
Nhiều nhà trường và phụ huynh hết sức đồng tình với nội dung Quy chế mới yêu cầu các trường sau khi cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia; kết thúc mỗi đợt xét tuyển, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển đồng thời báo cáo về Bộ GD&ĐT.
Như vậy sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, đồng thời giúp thí sinh phụ huynh có thể dễ dàng theo dõi và biết kết quả thi sớm. Đặc biệt là tránh được nếu chỉ một nơi cung cấp thông tin về điểm sẽ dẫn đến quá tải đường truyền, gây những xáo động không đáng có.
Tuyển sinh theo nhóm trường cũng là một trong nhiều nội dung nhận được sự hưởng ứng của các trường. Theo đó, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh theo nhóm trường. Các trường ĐH, CĐ, trường thành viên của Đại học Quốc gia, đại học vùng nếu tổ chức xét tuyển theo nhóm trường, mỗi nhóm cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh.
Tính đến thời điểm này, đã có 10 trường đại học lớn ở phía Bắc chính thức thành lập nhóm tuyển sinh trong năm 2016 này. Đó là các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Thủy lợi, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Ngoại thương và Đại học Công nghiệp Hà Nội. PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã rất tán đồng với nội dung này và cho biết: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng một số trường khác đã nhất trí cơ bản nguyên tắc của đề án, sẽ sớm gửi đề án này để Bộ GD&ĐT thông qua.
Khẳng định thí sinh sẽ thuận lợi hơn khi tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh theo nhóm, PGS.TS Trần Đắc Sử - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải, phân tích: Thí sinh có thể sử dụng số ngành tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 ngành trong đợt I và 6 ngành trong các đợt xét tuyển bổ sung) để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm và sắp xếp các ngành đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên. (Ví dụ trong đợt I, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 ngành hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 ngành vào 1 trường và 2 ngành còn lại đăng ký vào 2 trường).
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng đồng quan điểm khi cho rằng: Đây là lợi thế mà các bạn có được vì nhóm trường này sẽ xây dựng phần mềm xét tuyển để sàng lọc, lựa chọn thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng từ trên xuống ở tất cả các trường với những nhóm ngành mà thí sinh sẽ không phải vất vả tìm cơ hội trúng tuyển trong nhóm trường này.
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 quy định thí sinh chỉ được đăng ký tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành, không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt. Tuy nhiên, với các trường tuyển theo nhóm trường, thí sinh có thể đăng ký vào nhiều trường trong nhóm.
Thí sinh trúng tuyển phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thi và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi) cho trường có nguyện vọng học trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển. Thời gian đăng ký xét tuyển bắt đầu từ ngày 1/8 đến hết ngày 20/10 đối với hệ đại học và đến hết ngày 15/11 đối với hệ cao đẳng.
Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin trong Phiếu đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong Phiếu đăng ký dự thi và dữ liệu đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.