Tuyển sinh đầu cấp tại Đà Nẵng: Áp lực dồn về khu đô thị mới

GD&TĐ - “Điểm nóng” tuyển sinh đầu cấp của TP Đà Nẵng có sự dịch chuyển từ các trường ở trung tâm sang trường học ở khu đô thị mới.

Trường Tiểu học Phù Đổng đón học sinh khối lớp Một tựu trường. Ảnh: NTCC
Trường Tiểu học Phù Đổng đón học sinh khối lớp Một tựu trường. Ảnh: NTCC

Sử dụng phòng bộ môn làm phòng học

Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hòa Khánh, Đà Nẵng) dự kiến năm học 2025 - 2026 phải sử dụng 3 phòng bộ môn và phòng hội đồng để làm phòng học. Năm học tới, nhà trường tuyển sinh 14 lớp 6, tăng 4 lớp so với năm học trước. Đây là số liệu được khảo sát từ cả 3 nguồn: Kết quả điều tra phổ cập, danh sách học sinh tốt nghiệp tiểu học trên địa bàn tuyển sinh của trường và số liệu về tình trạng cư trú do công an cung cấp.

Ông Bùi Duy Quốc - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: “Những năm trước, trường chỉ sử dụng kết quả điều tra phổ cập. Năm nay, đơn vị chủ động trong xây dựng phương án tuyển sinh. Để đủ phòng học, nhà trường tạm thời chuyển đổi chức năng của 3 phòng bộ môn để làm phòng học. Các thiết bị, dụng cụ thực hành buộc phải đóng thùng và để rải rác tại phòng còn trống như thư viện, phòng Đội, văn phòng...”.

Hai trường THCS thuộc phường Hòa Khánh gồm THCS Lương Thế Vinh, THCS Ngô Thì Nhậm và Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (Liên Chiểu) đều trong tình trạng quá tải số lớp do học sinh đầu cấp học tăng hơn nhiều so với số học sinh lớp 9 ra trường.

Theo ông Huỳnh Duy Linh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, dựa trên số liệu thống kê, dự kiến nhà trường tuyển mới 14 lớp 6 cho năm học 2025 - 2026 và trên thực tế, số học sinh nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh đủ bố trí cho 13 lớp, giảm 1 lớp. Với những em chưa nhập học, nhà trường đã liên lạc nắm thông tin nhằm kết thúc công tác tuyển sinh trước ngày 1/7. Theo đó, một số em chuyển về quê theo bố mẹ hoặc không còn cư trú trên địa bàn.

Trước đó, tháng 6/2025, Phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu (cũ) trong xây dựng phương án tuyển sinh đã chủ trương điều tiết học sinh lớp 6 tuyển mới theo hướng liên cư, liên địa để đảm bảo đủ chỗ học. Học sinh của phường Hòa Khánh Bắc và Hòa Khánh Nam được điều chuyển sang các trường THCS lân cận như Lê Anh Xuân, Đàm Quang Trung, Lương Thế Vinh...

tuyen-sinh-dau-cap-tai-da-nang-1.jpg
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đón học sinh lớp 6 trong Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC

Tiếp nhận học sinh trái tuyến để duy trì quy mô

Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (An Khê, Đà Nẵng) tuyển sinh 13 lớp với 520 học sinh, tăng 3 lớp so với năm học trước. Thế nhưng, số liệu tổng điều tra số học sinh lên lớp 6 của phường là 625 em. Vì thế, quận Thanh Khê (cũ) cho phép học sinh ở tổ 72 đến 90 có thể nộp hồ sơ học ở Trường THCS Phan Đình Phùng hoặc học tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu.

Với một số trường tiểu học nằm trong diện “hẹp” nguồn tuyển do trên địa bàn phường có 2 - 3 trường cùng bậc học như Lê Lai, Phan Thanh (Hải Châu, Đà Nẵng), có thể xây dựng phương án tuyển sinh học sinh ở các khu vực lân cận có nhu cầu vào học tại trường. Những trường hợp diện “tuyển mở rộng” của Trường Tiểu học Phan Thanh được tuyển vào THCS Trưng Vương sau khi hoàn thành chương trình tiểu học. Tương tự, học sinh diện tuyển mở rộng vào Trường Tiểu học Lê Lai, lên lớp 6 được tuyển vào Trường THCS Nguyễn Huệ.

Trong khi đó, các trường ở khu đô thị mới như Tiểu học Lê Đình Chinh (Hòa Cường) hay Tiểu học Trần Đại Nghĩa (Hòa Xuân) đều “vỡ trận” khi tuyển sinh đầu cấp do số học sinh nhập học tăng hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao. Số học sinh lớp 1 làm thủ tục đăng ký nhập học của Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa đã vượt quá 600 em. Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, dù chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 chỉ có 322 học sinh nhưng đến ngày 7/7, số học sinh ra lớp lên đến 444 em, vượt khoảng 3 lớp so với dự kiến.

Để đủ phòng học và bố trí giáo viên đứng lớp, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh dự kiến sắp xếp lại biên chế sĩ số của khối lớp 2 năm học 2025 - 2026. Theo đó, có một lớp 2 được chia tách để gộp vào 2 lớp khác.

“Để tránh cho học sinh cảm giác bị xáo trộn quá lớn trong những ngày đầu tựu trường, chúng tôi không chia nhỏ học sinh về các lớp mà chia theo tổ, 2 tổ được biên chế vào một lớp mới. Các lớp này sẽ đẩy sĩ số học sinh lên tối đa là 40 em/lớp. Những lớp 2 còn lại sẽ dành vài chỉ tiêu để tiếp nhận học sinh chuyển từ Quảng Nam (cũ) theo bố mẹ chuyển công tác ra Đà Nẵng”, Hiệu trưởng Huỳnh Thị Thu Nguyệt thông tin đồng thời cho hay: Nhà trường đề nghị được hợp đồng thêm 1 giáo viên để đảm bảo tổ chức hoạt động dạy - học trong năm học tới.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (Trà Linh, Đà Nẵng), nhà trường kéo dài thời gian tuyển sinh trong cả tháng 6 và 7. Có nhiều trường hợp tuyển sinh từ 1/7, cha mẹ học sinh cập nhật nơi sinh theo tên gọi của xã mới nên khi nhập lên hệ thống không trùng khớp. Ngoài ra, vì xã mới sau sáp nhập có 2 trường tiểu học, 2 trường nhiều cấp học nên phụ huynh có sự lựa chọn chứ không chấp nhận theo cụm tuyển sinh như trước đây.

Chia sẻ của Hiệu trưởng Võ Đăng Chín, có trường hợp, nhà trường buộc phải trao đổi với cả trường học đúng tuyến tuyển sinh và UBND xã mới để giải quyết, tránh bị xáo trộn trong xây dựng kế hoạch nhà trường do liên quan đến công tác tổ chức bán trú sau này.

Trường Tiểu học Phù Đổng (Hải Châu, Đà Nẵng) trước đây luôn trong tình trạng “vỡ trận” khi tuyển sinh đầu cấp nhưng vài năm gần đây, sĩ số học sinh tuyển mới lớp 1 chưa đến 35 em/lớp. Riêng biên chế học sinh của 2 lớp tiếng Pháp tăng cường chưa đến 25 em/lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ