Mục tiêu phục vụ cộng đồng
Theo GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội: Năm 2022 sẽ tăng cường sử dụng kết quả bài thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) để làm cơ sở tuyển sinh đầu vào. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo sẽ chủ động bổ sung thêm các phương thức xét tuyển phù hợp khác để tuyển sinh thích ứng theo ngành đặc thù. Nhiều ngành đào tạo của ĐHQG Hà Nội có thể sử dụng kết quả bài thi ĐGNL lên đến 40% so với các phương thức xét tuyển khác.
Nếu càng có nhiều trường Đại học tham gia sử dụng kết quả kỳ thi thì tính cộng hưởng càng cao, hiệu ứng xã hội càng cao, các trường càng tuyển được nhiều thí sinh có năng lực phù hợp tốt nhất với yêu cầu của từng trường, từng chương trình đào tạo. Giám đốc Lê Quân khẳng định, việc tổ chức kỳ thi là một hoạt động phi lợi nhuận, với mục tiêu phục vụ cộng đồng.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, hướng tiếp cận của ĐHQG Hà Nội trong mùa tuyển sinh năm 2022 này là để cho thí sinh có nhiều lựa chọn mà không buộc thí sinh phải điền thứ tự ưu tiên kiểu NV1, NV2, NV3,… Khi các trường yêu cầu xác nhận nhập học, thí sinh mới cần phải đưa ra quyết định là điều hết sức thuận lợi cho thí sinh. Thêm nữa, đây chỉ là một trong nhiều phương pháp xét tuyển để thí sinh có thêm lựa chọn, không buộc thí sinh chỉ được chọn phương thức này hoặc phương thức kia.
Hướng tới sứ mệnh phục vụ cộng đồng là một trong những mục tiêu cao nhất của kỳ thi đánh giá năng lực. Đó là việc sẵn sàng cùng phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước tổ chức kỳ thi, chia sẻ dữ liệu của kỳ thi và đặc biệt là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi như tổ chức thi nhiều đợt, giảm 50% và miễn phí cho đối tượng hoàn cảnh khó khăn tham dự kỳ thi. Có thể nói ĐHQG Hà Nội đã nhận gánh trách nhiệm của một đại học lớn trong việc giảm áp lực thi cho thí sinh và xã hội trong mùa tuyển sinh với những áp lực lớn của Covid-19 trong năm 2022 này.
Đồng hành cùng thí sinh
Được biết đến thời điểm này, ĐHQG Hà Nội đang gấp rút hoàn thành việc triển khai xây dựng phần mềm xét tuyển chung cho khối trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Theo đó phần mềm được triển khai, ĐHQG Hà Nội sẽ mở cổng thông tin để thí sinh đăng nhập, đăng ký xét tuyển đại học dựa trên kết quả thi. Với phần phần mềm này, các trường ĐH trên toàn quốc đều có thể sử dụng kết quả thi hoặc phối hợp tổ chức thi để làm phương án tuyển sinh.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương: ĐHQG Hà Nội đã hết sức chủ động trong việc tổ chức kỳ thi, tiếp cận linh hoạt, dựa trên thông lệ quốc tế để đưa các cơ sở giáo dục đảm bảo sự chuyển mình đúng hướng, tạo niềm tin cho xã hội. Việc sử dụng kết quả thi này này quyền tự chủ tuyển sinh của các nhà trường.
Đến nay, Trường ĐH Ngoại thương khẳng định sẽ lấy kết quả thi này để xét tuyển sinh. Việc thí sinh có thêm nhiều lựa chọn cách thức đăng ký xét tuyển sinh, các trường cùng chia sẻ cơ sở dữ liệu, cùng nhau đạt mục tiêu chất lượng và khách quan của kỳ thi là điều hết sức ý nghĩa.
Thầy Nguyễn Tuấn Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Theo như thông báo của ĐHQG Hà Nội, bài thi được thiết kế để đánh giá 3 nhóm năng lực chính của học sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông gồm: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; Tự khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội)… là đủ để đánh giá năng lực người học một cách toàn diện.
NGƯT Trần Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định chia sẻ: Năm 2022, theo kế hoạch các đợt thi được thực hiện nhiều đợt từ tháng 2 đến tháng 8 tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh Đây thực sự là giải pháp mang tính đột phá, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh, hướng đến mục tiêu về chất lượng, quy trình, kết quả, sự tương đồng, cân bằng độ khó/dễ theo khoa học đo lường – khảo thí hiện đại mà các nền giáo dục lớn thực hiện.
Bài thi ĐGNL sẽ có tính phân loại cao, đánh giá năng lực học sinh theo 3 nhóm năng lực của chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; hướng tới tương quan thuận với kết quả thi tốt nghiệp nhưng có độ khó, tính phân loại cao hơn. Sẵn sàng sử dụng phục vụ tuyển sinh đại học và xét tuyển nhiều đợt.
ĐHQG Hà Nội sẽ chia sẻ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và mục đích tuyển sinh của từng đơn vị. Để đảm bảo tất cả thí sinh có nhu cầu dự thi đều có thể tham gia, ĐHQGHN sẽ hỗ trợ 50% kinh phí cho thí sinh dự thi. Thí sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo, thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn được miễn lệ phí dự thi.