Tuyển sinh đại học năm 2024: Có nên chạy theo ngành 'hot'?

GD&TĐ - “Có nên đăng ký theo ngành hot?” là câu hỏi có tần suất xuất hiện nhiều nhất trước mùa tuyển sinh đại học năm 2024.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM đợt 1 năm 2024. Ảnh minh họa: ITN
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM đợt 1 năm 2024. Ảnh minh họa: ITN

Đây cũng là nội dung được thí sinh và phụ huynh đặc biệt quan tâm tại các chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm nay.

Biến mình thành người “hot”

Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương), ngành “hot” hay không phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Trong quá trình học, nếu biết tích lũy kiến thức, kỹ năng và phát triển năng lực, thì không khó để sinh viên có được công việc tốt, mức lương tương xứng. Do đó, thay vì chạy theo ngành “hot” hãy biến mình trở thành người “hot”.

Đừng nên chỉ chăm chăm chọn ngành “hot” mà hãy tìm ngành phù hợp với năng lực, mong muốn của mình, TS Lê Đình Nam - Phó Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp (Đại học Bách khoa Hà Nội) tư vấn. Khi học ngành phù hợp và yêu thích, sinh viên sẽ hứng thú, học tốt và dễ thành công hơn.

Chọn ngành “hot”, chưa chắc cơ hội việc làm đã tốt nếu người học không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, các bạn học ngành không “hot” nhưng tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp với nhà tuyển dụng, khi đó cơ hội việc làm cao, sẽ thành công và hạnh phúc trong nghề nghiệp của mình.

Cho rằng, nếu muốn học một ngành để tồn tại thì thí sinh nên chọn ngành “hot”, ngành xã hội đang cần, tuy nhiên GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyến nghị, nếu muốn có công việc theo nguyện vọng, đam mê, sáng tạo, các em nên chọn ngành yêu thích và có năng lực đáp ứng.

Ngành xã hội cần thì trong thời điểm ngắn, thí sinh học xong có thể dễ tìm việc làm. Song, nếu thực sự theo đuổi ngành yêu thích thì đam mê sẽ là động lực kích thích để các em phát triển, tiến lên trên đường dài.

Đừng vội chạy theo ngành “hot” là khuyến cáo của PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội). Theo đó, các em cần xem xét nhiều yếu tố như: Năng lực, sở trường của mình có phù hợp? Có đủ điểm xét tuyển và gia đình có khả năng tài chính để theo học?

Quan trọng nhất là xác định năng lực bản thân, sau đó chọn ngành phù hợp, vì ngành “hot” hôm nay chưa chắc đã là ngành “hot” trong 5 năm sau. Ngoài ra, xem xét cơ hội phát triển của ngành đó ở thị trường như thế nào.

Phụ huynh và học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG

Phụ huynh và học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG

Nên chọn cách tiếp cận liên ngành

Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, trên thị trường có nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng không phải bất kỳ ngành “hot” nào cũng có cơ hội phát triển hoặc tốt hơn các ngành khác. Nếu chọn ngành tạm gọi là khó, hóc búa hơn, ít người theo đuổi, nhưng các em đam mê, có năng lực; khi đó sẽ là chuyên gia trong lĩnh vực này và cơ hội phát triển luôn rộng mở.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh khuyên thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường học.

Khi chọn ngành, trước hết các em nên chọn ngành yêu thích. Bởi nếu thích, dù sau này có gặp khó khăn, vẫn có đam mê để theo đuổi. Còn nếu chọn ngành mình không thích, chỉ một chút thử thách có thể dẫn đến nản lòng, không học được.

Thí sinh cũng nên lựa chọn môi trường học phù hợp, bao gồm cả kiến thức chuyên môn và phát triển kỹ năng sống. Kiến thức quan trọng, nhưng chưa phải yếu tố quyết định. Hiện, nhiều doanh nghiệp yêu cầu nhiều yếu tố, bao gồm: Giao tiếp, kỹ năng mềm... Do đó, nếu học trong môi trường phù hợp, các em sẽ được trải nghiệm, rèn giũa, giúp hình thành và phát triển các năng lực.

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024, có phụ huynh đặt câu hỏi, nên cho con học ngành rộng hay hẹp vì sợ ngành rộng khi ra trường quá mông lung trong khi ngành hẹp khó ứng biến trong cơ hội nghề nghiệp? PGS.TS Vũ Thị Hiền khuyên thí sinh và phụ huynh hãy là người “tiêu dùng thông minh”.

Phụ huynh có thể xem chương trình đào tạo của các trường. Dù là ngành rộng hay hẹp, thì hai năm đầu, các trường đều hướng tới đào tạo nền tảng kiến thức vững vàng cho sinh viên trong lĩnh vực được học. Trong quá trình học, chương trình phải đủ sự linh hoạt, giúp sinh viên lựa chọn các chuyên môn sâu mà mình yêu thích hoặc có khả năng ứng phó nếu nhu cầu thị trường lao động thay đổi.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chất lượng đội ngũ giảng viên, môi trường học tập. “Các em không nên học một ngành duy nhất. Thay vào đó, chọn cách tiếp cận liên ngành. Học kinh tế nhưng các em có thể học thêm luật, khoa học dữ liệu…”, PGS Vũ Thị Hiền trao đổi và khuyến nghị, thí sinh không nên quan niệm, học một ngành nghĩa là bị bó buộc với ngành đó. Thực tế, luôn có sự linh động.

Trong quá trình đào tạo, cơ sở giáo dục đại học đều kết hợp nhiều các tố khác nhau, từ nhiều lĩnh vực để trang bị cho sinh viên nền tảng rộng và phương pháp tự học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận. Để tìm được công việc có thể nuôi sống bản thân và cống hiến cho xã hội, trong quá trình học, các em nên học thêm kiến thức công nghệ, kỹ năng mềm liên quan đến lĩnh vực mình đang theo đuổi…

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, việc học không chỉ dừng lại 4 năm đại học, với tấm bằng cử nhân, mà là học tập suốt đời. Học đại học chỉ là bước đầu tiên trang bị cho sinh viên nền tảng quan trọng và phương pháp để đi con đường dài hơi là phát triển nghề nghiệp, bản thân. Học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề. Vì thế, các em không chỉ dừng lại ở đại học mà phải tiến xa hơn nữa vì sự phát triển của chính mình.

“Tôi từng học Trường ĐH Ngoại thương nhưng giờ làm quản lý Nhà nước về giáo dục đại học. Vậy có trái ngành trái nghề không?”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy viện dẫn từ thực tế bản thân và khẳng định: Không trái ngành, vì đó là sự tích lũy nhiều kiến thức trong thời gian học tập ở nhà trường cũng như quá trình làm việc về lĩnh vực giáo dục đại học. “Cho đến bây giờ, tôi vẫn tiếp tục học và cập nhật…”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

PGS.TS Vũ Thị Hiền khuyên thí sinh, chọn ngành, nghề liên quan đến tương lai nên cho mình nhiều cơ hội và tạo ra năng lực cốt lõi. Nghĩa là, các em không nên chỉ học một ngành duy nhất mà học cách tiếp cận liên ngành. Do vậy, ngành “VIP” hay “hot” phụ thuộc vào chúng ta. Nếu giỏi trong một lĩnh vực nào đó, thì việc làm và thu nhập theo khái niệm “VIP”, “hot” là không khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.