Ngành học của thời 4.0
Theo thống kê từ thông tin tuyển sinh được các trường đưa ra, hiện có 6 nhóm ngành nghề được các trường công bố đào tạo và cũng được thí sinh quan tâm. Các ngành nghề này hầu hết đều bám vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhóm 1 có các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhóm 2 là các ngành liên quan đến công nghệ tự động hóa. Nhóm 3 là kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D. Nhóm 4 gồm các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh. Nhóm 5 là các ngành quản trị, dịch vụ quản trị tài chính - đầu tư, logistics, du lịch, dinh dưỡng. Còn nhóm 6 thuộc các ngành kiến trúc, nghệ thuật, xã hội, nhân văn mang tính sáng tạo cao.
Mới đây, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, công bố mở mới bốn ngành học là Robot và trí tuệ nhân tạo, Quản lý hạ tầng kỹ thuật xây dựng, Vật liệu dệt may và Kinh doanh quốc tế. Đặc biệt trong đó ngành học Robot và trí tuệ nhân tạo được nhiều học sinh quan tâm.
Theo đại diện nhà trường, ngành mới này nhằm đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành Robot và trí tuệ nhân tạo mới chỉ tuyển 20 chỉ tiêu, dành cho những học sinh giỏi, có kết quả thi THPT quốc gia đạt 24 điểm trở lên ở khối A, A1 và nhà trường cũng ưu tiên xét tuyển cho đối tượng là học sinh các trường chuyên. Tất nhiên, theo học ngành này sinh viên sẽ được nhiều ưu đãi như miễn học phí hoàn toàn.
Năm 2019, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội tuyển sinh trong cả nước với 29 ngành/chương trình đào tạo. Là trường đại học đầu tiên trong khối ASEAN tham gia kiểm định chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) và chính thức được công nhận đạt chuẩn chất lượng AUN-QA.
Với 5 nguồn tuyển sinh hệ đại học chính quy năm nay, trong đó có 3 nguồn tuyển sinh là chứng chỉ quốc tế. Bao gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và dự bị đại học; theo kết quả thi THPT quốc gia 2019; theo kết quả thi A-Level; theo kết quả thi chuẩn hóa SAT; có chứng chỉ IELTS 5.5 trở lên hoặc tương đương.
Đối với các chương trình đào tạo tài năng, chuẩn quốc tế, chất lượng cao, thí sinh được xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia hoặc các nguồn tuyển khác theo yêu cầu riêng của từng chương trình.
Hãy là thí sinh thông thái
Nhân lực đáp ứng thời 4.0 được nhiều trường ưu tiên đặt ra trong năm nay khi mở các ngành đào tạo. Với những yêu cầu về kỹ năng, thuần thục công nghệ thông tin và ngoại ngữ, bảo đảm việc đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân sau tốt nghiệp đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp là những tiêu chí được đặt ra.
Tất nhiên theo học để đạt được những yêu cầu đó, đòi hỏi người học phải có năng lực đủ đáp ứng việc thu nhận lượng kiến thức không phải quá lớn, nhưng lại hết sức khắt khe vì đòi hỏi chất lượng.
Bù lại cơ hội việc làm và mức lương khá sẽ tạo sự hấp dẫn cho những ngành học mới lạ này. Tuy nhiên, các chuyên gia tuyển sinh cũng cân nhắc thí sinh phải thực sự có lực học đủ để tiếp nhận kiến thức và cũng phải sẵn sàng đối mặt với những thách thức của công nghệ và công việc thời 4.0.
PGS.TS Lê Văn Thanh – chuyên gia tuyển sinh đến từ Viện Đại học Mở Hà Nội, đưa ra lời khuyên: “Các bạn đừng nhìn sự hấp dẫn, mới lạ, mà sớm đưa ra quyết định lựa chọn ngành nghề cho mình.
Những ngành học mới lạ đúng là có sức hấp dẫn nhưng hãy bình tĩnh để xem có phù hợp với năng lực và sở trường của mình không. Đừng ngộ nhận ngành mới, tên hay và hấp dẫn thì khả năng tìm được việc làm tốt hơn vì thực tế học ra trường và có việc làm hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Đó là thái độ học tập và năng lực tư duy, tinh thần làm việc và tính nhạy bén thời cuộc của mỗi cá nhân. Thế nên các bạn cần tuyệt đối tránh chạy theo thị hiếu để chọn ngành”.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng cho rằng, hiện tại và tương lai rất cần nguồn nhân lực cho nhóm công nghệ kỹ thuật, đặc biệt là khối cơ khí có kết hợp công nghệ thông tin. Tuy nhiên, mở ngành là một chuyện, quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo, mà điều này phụ thuộc không chỉ ở người học, mà còn ở chính các nhà trường.
Thêm một vấn đề đặt ra nữa đối với các nhà trường phổ thông là công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thời gian qua đã hiệu quả hơn. Nhưng những thông tin ngành nghề đến từ các trường đại học nhiều khi chỉ mang tính một chiều, các thầy cô giáo cũng cần cùng học sinh tham khảo thêm thông tin từ Internet, người thân và bạn bè để hiểu rõ hơn về một ngành nghề nào đó, như vậy sẽ giúp giải đáp được đầy đủ, chính xác nhiều thắc mắc và tư vấn tốt hơn cho học sinh.