Tuyển sinh 2019: Không chỉ sư phạm mới có "điểm sàn"

Tuyển sinh 2019: Không chỉ sư phạm mới có "điểm sàn"

Kiểm soát đầu vào ngành y, sư phạm

Chia sẻ về những điểm mới của dự thảo, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết: Nhìn chung, quy chế tuyển sinh 2019 được giữ ổn định như hai năm trước; chỉ có một số nội dung nhỏ được điều chỉnh để phù hợp với Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH mới được ban hành và để điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong năm 2018 để việc tuyển sinh ngày càng chặt chẽ, chất lượng, công bằng, hiệu quả.

Một trong những nội dung được điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh là: Các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ GD&ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào gồm hai nội dung.

Thứ nhất: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường/ngành xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia: Căn cứ vào kết quả của kỳ thi, tương quan chênh lệch giữa các vùng, miền, ngành đào tạo (nếu thấy cần thiết) và đề xuất của Hội đồng tư vấn... Bộ GD&ĐT sẽ quyết định sau khi có kết quả thi THPT quốc gia

Thứ 2: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường/ngành xét tuyển từ kết quả học tập THPT (xét điểm học bạ): tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT, có học lực lớp 12 xếp loại giỏi đối với các ngành: Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt; tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT, có học lực lớp 12 xếp loại khá đối với các ngành còn lại.

"Như vậy, trong thời gian qua, một số ý kiến cho rằng phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi/khá mới được đăng ký xét tuyển vào các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề là chưa hiểu đúng nội dung dự kiến sửa đổi Quy chế tuyển sinh. Nếu các em chưa xếp loại giỏi/khá, các em có thể đăng ký xét tuyển vào các ngành này theo hình thức xét điểm thi THPT quốc gia. Hàng năm, các trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu để xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia" - TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay.

Ông Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) - cho rằng việc đặt điểm sàn cho ngành sư phạm và y dược là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để không lọt người yếu kém vào ngành. Tuy nhiên, ông San cũng bày bỏ băn khoăn từ thực tế năm 2018, nhiều trường sư phạm khó khăn trong tuyển sinh khi áp dụng "điểm sàn" khá cao; từ đó đề nghị muốn thu hút người giỏi vào hai ngành đào tạo trực tiếp với con người thì cần thêm các chính sách về đầu ra, như việc làm, lương bổng, chứ không chỉ là siết chặt đầu vào.

Ôn tập thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa
Ôn tập thi THPT quốc gia.           Ảnh minh họa
Một số ý kiến cho rằng phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi/khá mới được đăng ký xét tuyển vào các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề là chưa hiểu đúng nội dung dự kiến sửa đổi Quy chế tuyển sinh. Nếu các em chưa xếp loại giỏi/khá, các em có thể đăng ký xét tuyển vào các ngành này theo hình thức xét điểm thi THPT quốc gia. Hàng năm, các trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu để xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia"  
TS Nguyễn Thị Kim Phụng 

Kỳ vọng hạn chế tiêu cực, khắc phục thí sinh ảo

Ngoài thay đổi liên quan đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, TS Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho biết, còn một số nội dung dự kiến sửa đổi khác để quy chế rõ và chặt chẽ hơn, cụ thể như sau:

Các cơ sở giáo dục ĐH xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia phải thực hiện quy trình xét tuyển do Quy chế tuyển sinh quy định để đảm bảo việc các trường cùng thống nhất sử dụng cơ sở dữ liệu điểm thi, không để ảnh hưởng đến các trường khác và các thí sinh liên quan.

Thí sinh xác nhận nhập học phải bằng cách nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi, tránh tình trạng một số thí sinh/trường sử dụng các bản sao để xác nhận nhập học nhiều trường, chiếm nhiều chỗ xác nhận nhập học nhưng thực tế chỉ có thể học tại một trường, làm ảnh hưởng đến quyền trúng tuyển, nhập học của các thí sinh khác

Chuẩn xác lại cách tính điểm ưu tiên trong một số trường hợp đặc biệt để dự phòng, nếu phát sinh thì có đủ căn cứ pháp lý để giải quyết...

NGƯT.PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - nhận định: Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy vừa được công bố với những điểm đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Theo đó, sau khi công bố kết quả phúc khảo bài thi, nếu có sự thay đổi về kết quả, thì hội đồng thi sẽ có thông báo mới về điểm thi, thu lại kết quả ban đầu của thí sinh. Điều này giúp đảm bảo thí sinh có một kết quả thống nhất sau khi phúc khảo, đồng thời tạo ra dữ liệu thông tin chính xác hơn để phục vụ tốt hơn cho thí sinh đăng ký xét tuyển.

Dự thảo quy chế sửa đổi còn có ý nghĩa tích cực trong việc góp phần phân luồng học sinh, nhất là đối với công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, khi học sinh hệ trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên nếu có bằng trung cấp nghề, chứng chỉ nghề sẽ được cộng điểm ưu tiên (cộng 2 điểm nếu loại xuất sắc, 1,5 điểm nếu loại khá, trung bình khá, 1 điểm với loại trung bình).

Đồng thời, dự thảo quy chế sửa đổi “quy định rõ các trường phải tiếp nhận, lưu bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh và thí sinh đã nhập học thì không được tham gia đăng ký xét tuyển ở các trường, đợt khác”, một mặt đòi hỏi thí sinh phải thật sự cân nhắc và “thật sự trách nhiệm” với sự lựa chọn đăng ký xét tuyển của mình, mặt khác sẽ góp phần hạn chế số lượng thí sinh ảo và giúp các trường (và hệ thống các trường) triển khai công tác xét tuyển năm 2019 thuận lợi và hiệu quả hơn.

"Tôi cho rằng việc sửa đổi quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy đã kịp thời khắc phục được những bất cập được nhận diện qua kỳ thi và tuyển sinh năm vừa qua, đồng thời là một bước hoàn thiện các quy chế hướng đến ổn định và đáp ứng yêu cầu đổi mới" - PGS Nguyễn Văn Đệ nhận định.

Ông Nguyễn Vinh San thì tâm đắc với việc mã hóa dữ liệu thi và sự tham gia nhiều hơn của cán bộ các trường ĐH và cho rằng, điều này sẽ giúp hạn chế tối đa những tiêu cực trong thi cử. "Năm nay, chắc chắn vấn đề gian lận thi cử sẽ được khắc phục" - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tin tưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.