Ở trường thích hơn ở nhà
Trường THPT Kim Bình (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) nằm cách thành phố Tuyên Quang 90 km. HS ở đây đa số người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết bình thường nhà trường đã rất chăm lo hỗ trợ HS. Vào những ngày thi, với sự phối hợp của các tổ chức/đoàn thể, công tác chăm lo cho các em còn được quan tâm hơn nữa.
Kỳ thi này nhà trường có 181 HS thi THPTQG, trong đó 120 HS ở lại trường. Do KTX của trường chỉ ở được 80 HS nên các thầy cô liên hệ với nhà dân ở ngoài khu vực cổng trường và lân cận cho 40 HS ở trọ. Không để HS vì khó khăn đường xa, vì lý do thời tiết, khó khăn trong cuộc sống… mà bỏ thi.
Thầy Hoàng Đức Lợi – GV Thể dục và thầy Đoàn Út Bảy – GV môn Sinh học được giao thêm nhiệm vụ quản sinh, chăm lo cho HS từ miếng cơm, giấc ngủ, đôn đốc các em học tập. Có em HS tâm sự: Chúng em sướng lắm, ở lớp thì các thầy cô lo lắng, động viên, về KTX thì có thầy quản sinh nhắc nhở quan tâm. Ở trường còn thích hơn ở nhà.
Hỏi chuyện thầy Lợi và thầy Bảy, hai thầy không nói nhiều về bản thân mà chỉ thương các HS nhà nghèo, hoàn cảnh éo le của khu KTX. Có em về nhà bố mẹ cho mang gạo, mang rau cùng 15.000 đồng lên trường để chi tiêu cho 1… tháng. Thấy HS thiếu thốn, thầy cô lại san sẻ cho các em.
Có HS ham học nhưng bố mẹ bỏ nhau, không màng con cái, thế là cứ bơ vơ lủi thủi trong KTX, thầy cô biết chuyện lại động viên em cố gắng theo học, đi thi có tấm bằng THPT xin việc tự lập cuộc sống… Nhà trường đùm bọc HS, thầy cô có rau, có thịt đều không quên những “đứa con” KTX của mình.
Cô Nguyễn Thj May và nam sinh Hoàng Văn Dũng |
“Con biết ơn cô giáo”
Tranh thủ giờ trưa được nghỉ sau buổi làm công tác coi thi tại điểm trường THPT Kim Bình, cô Nguyễn Thị May ra khu KTX để xem HS ăn uống nghỉ ngơi ra sao, có làm được bài thi buổi sáng hay không. Nhìn đám HS ăn rào rào như tằm ăn rỗi, cô vui lắm. Đặc biệt khi thấy nụ cười của nam sinh Hoàng Văn Dũng với các bạn, cô thấy dâng trào cảm giác hạnh phúc của một người mẹ.
Hoàng Văn Dũng là học sinh dân tộc Tày – học lớp 12 C4. Bố Dũng mất năm em 15 tuổi, học lớp 10. Mẹ em đi bước nữa. Dũng ở với ông bà ngoại hiện đã già. Cô May nhớ lại lần đầu gặp Dũng khi nhận công tác chủ nhiệm lớp 12, em nhút nhát, ít nói, khi đến lớp thì thiếu ăn đến mức xanh xao, mệt mỏi. Cô May đã tìm hiểu hoàn cảnh riêng của Dũng và thấy vô cùng bất ngờ về nghị lực của cậu học trò.
Thì ra ngoài giờ lên lớp, Dũng còn đi đào cây thuốc nam thuê để lấy tiền ăn học. Biết chuyện, cô May đã trao đổi với bác dâu của Dũng để đưa em về ở nhà bác, đồng thời đề nghị nhà trường quan tâm, hỗ trợ cho em. Kêu gọi các nguồn tài trợ, xã hội hóa, Trường THPT Kim Bình đã hỗ trợ cho Dũng ½ học phí. Bản thân Dũng vẫn hàng ngày đi đào cây thuốc nam thuê, tự mình đóng ½ học phí còn lại.
Không kêu ca, phàn nàn cuộc sống khó khăn vất vả, Dũng dần dần tìm được niềm vui trong cuộc sống. Trước Dũng không hòa hợp được với các bạn, đến lớp là xách cặp ra ngồi một góc. Nhưng giờ khác rồi. Ôn thi ở nhà không hiệu quả, Dũng dọn lên ở KTX với các bạn để ôn thi, đi thi cùng nhau!
Hỏi Dũng về dự định tương lai, em chia sẻ: “Em cố gắng thi, có bằng THPT rồi xin đi làm công nhân. Để đến được trường thi hôm nay, em biết ơn cô May và nhà trường nhiều lắm!”