Tuyển Nhật Bản khiến làng bóng đá thế giới ngả mũ trong và ngoài sân cỏ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cho dù rất thất vọng vì thua Croatia ở vòng 1/8 World Cup 2022, song đội tuyển Nhật Bản tiếp tục để lại thông điệp và hình ảnh đẹp.

Huấn luyện viên Hajime Moriyasu đến trước khán đài của cổ động viên Nhật Bản và cúi gập người, sau khi đội nhà bị Croatia loại.
Huấn luyện viên Hajime Moriyasu đến trước khán đài của cổ động viên Nhật Bản và cúi gập người, sau khi đội nhà bị Croatia loại.

Những hình ảnh ý nghĩa

Nhật Bản đã khép lại chiến dịch World Cup 2022 với những cơn địa chấn như đánh bại nhà vô địch World Cup 2014 Đức và 2010 Tây Ban Nha.

Thành tích của Nhật Bản nằm ngoài dự đoán của tất cả khi họ đứng đầu bảng được coi là “tử thần”. Thầy trò huấn luyện viên Hajime Moriyasu chỉ chịu dừng bước sau thất bại 1-3 trước Croatia trong loạt đá luân lưu 11m.

Nhật Bản đã tiến rất gần đến thành tích chưa từng có với họ, lọt vào tứ kết World Cup, với bàn mở tỷ số của tiền đạo Daizen Maeda ở phút 43. Tuy nhiên, Nhật Bản đã không thể hiện tốt như kỳ vọng trong hiệp hai, khi họ để cho Croatia gỡ hòa ở phút 55, do công Ivan Perisic.

Và ở loạt đấu súng đầy may rủi, có đến 3 cầu thủ Nhật Bản sút hỏng. Nhưng nên nhớ, Croatia vốn chưa từng thua khi phải đá luân lưu ở World Cup và đang là đương kim á quân thế giới.

Cầu thủ Nhật Bản không kìm nổi nước mắt khi phải dừng bước, dù đây là lần đầu họ vượt qua vòng bảng World Cup hai kỳ liên tiếp.

Thủ môn 39 tuổi Eiji Kawashima không thi đấu nhưng cũng khóc. Thủ quân Yoshida cũng gục xuống khóc trước mặt ba đứa con anh. Trung vệ 34 tuổi chia sẻ: “Tôi tự hào vì những gì đồng đội đã làm được. Cứ bốn năm một lần, chúng tôi lại cố gắng vào nhóm tám đội mạnh nhất World Cup, nhưng vẫn chưa làm được”.

Huấn luyện viên Hajime Moriyasu đến khu vực khán đài dành cho cổ động viên Nhật Bản, rồi cúi gập người một lúc. Đây là hình thức cao nhất biểu thị sự cảm ơn chân thành hoặc xin lỗi sâu sắc trong văn hoá của người Nhật Bản. Mặc dù vậy, Hajime Moriyasu vẫn được đánh giá rất cao với những điều đình nhân sự và chiến thuật trong các trận thắng lịch sử ở vòng bảng.

Hajime Moriyasu cũng trở thành huấn luyện viên châu Á đầu tiên dẫn dắt một đội đứng đầu vòng bảng World Cup.

Hình ảnh phòng thay đồ của đội tuyển Nhật Bản sau trận thua Croatia.

Hình ảnh phòng thay đồ của đội tuyển Nhật Bản sau trận thua Croatia.

Dù vô cùng thất vọng vì bị loại đáng tiếc nhưng đội tuyển Nhật Bản đã để lại hình ảnh đẹp trong phòng thay đồ sân Al Janoub.

Các học trò của huấn luyện viên Hajime Moriyasu đã dọn sạch sẽ phòng thay đồ trước khi rời đi. Chưa kể, đội tuyển Nhật Bản còn gửi thông điệp cảm ơn bằng tiếng Nhật Bản và Ả Rập. Lời cảm ơn ấy được tô điểm nổi bật trên bàn bằng nghệ thuật origami truyền thống của nước này (nghệ thuật gấp giấy).

Trước đó, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đăng video ca ngợi cổ động viên Nhật Bản ở lại dọn rác trên sân Khalifa, Doha sau khi đội nhà đánh bại đội tuyển Đức. Trong các trận đấu của đội nhà, khán giả Nhật còn phát hàng trăm túi rác để những cổ động viên khác dọn dẹp và thu gom bất kỳ rác nào bị bỏ lại.

“Ở lại dọn dẹp sau một trong những chiến thắng lớn nhất của họ tại World Cup. Vô cùng nể phục những cổ động viên Nhật Bản này” - theo FIFA.

Ngoài ra, sau trận đấu khai mạc giữa Qatar và Ecuador hôm 20/11, cổ động viên Nhật cũng ở lại nhặt chai lọ, thức ăn bị bỏ lại trên ghế. Khi được hỏi, tại sao ở lại và dọn dẹp toàn bộ rác trên khán đài, một cổ động viên Nhật Bản cho biết: Chúng tôi là người Nhật. Chúng tôi không vứt rác lại, và chúng tôi tôn trọng nơi này. Cổ động viên Nhật Bản cũng nhặt những lá cờ của Ecuador và Qatar bị bỏ lại và khẳng định các biểu tượng của đất nước nên được tôn trọng.

Đây không phải lần đầu người hâm mộ Nhật Bản nhặt rác ở World Cup. Sau khi đội tuyển Nhật Bản thua Bỉ tại World Cup 2018 ở Nga, cổ động viên Nhật cũng ở lại nhặt rác và dọn sạch tất cả ghế bên trong sân vận động Rostov. Những hành động với tinh thần cao thượng đó càng làm cho thành tích ấn tượng của đội tuyển quốc gia Nhật Bản tại sân chơi thế giới thêm ý nghĩa và nhận được sự tôn trọng rất lớn từ các đối thủ.

Cổ động viên Nhật Bản nhặt rác trên khán đài.

Cổ động viên Nhật Bản nhặt rác trên khán đài.

Giải mã thành công

Nhật Bản hiện là đội bóng số 1 châu Á, một trong những đội tuyển thành công nhất châu lục, với 6 lần liên tiếp gần đây nhất tham dự vòng chung kết World Cup kể từ năm 1998 và 2 kỳ World Cup gần đây “Samurai xanh” đều lọt vào vòng đấu loại trực tiếp. Thế nhưng, trước thập niên 1980, Nhật Bản không phải là nền bóng đá mạnh, cầu thủ và hệ thống thi đấu, cùng các câu lạc bộ vẫn thuộc trình độ nghiệp dư hoặc bán chuyên nghiệp.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản tái gia nhập FIFA vào năm 1950. Trong lần đầu tiên thi đấu vòng loại để giành vé tới World Cup 1954, đội bóng đất đất nước Mặt trời mọc đã mất suất vào tay Hàn Quốc sau hai lượt trận đối đầu. 3 thập kỷ tiếp theo, bóng đá Nhật Bản thất bại trong cuộc đua tranh giành vé dự sân chơi lớn nhất hành tinh. Nguyên nhân được người Nhật xác định là do không có một giải đấu quốc nội chuyên nghiệp.

Trong một kế hoạch mang tính thế kỷ nhằm nhằm chuyên nghiệp hóa bóng đá, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản đã xây dựng hệ thống cầu thủ được cấp phép đặc biệt vào năm 1986, cho phép một số lượng hạn chế các cầu thủ chuyên nghiệp thi đấu ở các giải bán chuyên trong nước.

Sau đó, một giải đấu chuyên nghiệp đã được ra đời vào năm 1993 mang tên J.League và đây chính là bàn đạp quan trọng hàng đầu để bóng đá Nhật Bản vươn tầm, trở thành đội bóng hàng đầu châu Á.

Chỉ 1 năm sau, ở kỳ Asian Cup 1992 tổ chức trên sân nhà, đội tuyển Nhật Bản đã đánh bại Saudi Arabia 1-0 trong trận chung kết và đoạt chức vô địch Asian Cup lần đầu tiên trong lịch sử. Danh hiệu châu lục đầu tiên trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho bóng đá Nhật Bản. Và trong lần đầu tiên thi đấu ở vòng loại World Cup với dàn cầu thủ chuyên nghiệp, Nhật Bản suýt chút nữa giành vé dự World Cup 1994 sau trận hòa 2-2 đáng tiếc trước Iraq, trận cuối cùng của vòng loại.

Với nền tảng vững chắc và ngày càng phát triển là hệ thống giải chuyên nghiệp, đội tuyển Nhật Bản không ngừng tiến bộ. Đến vòng loại World Cup 1998, dù không thể giành vé trực tiếp, Nhật Bản vẫn kịp đoạt tấm vé vớt khi đánh bại Iran qua loạt trận play-off để lần đầu tiên giành quyền tham dự vòng chung kết một kỳ World Cup.

Dù thua cả 3 trận vòng bảng trong lần đầu dự World Cup, song năm 1998 đánh dấu sự trưởng thành của bóng đá Nhật Bản để rồi từ đó đến nay họ chưa bao giờ vắng mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Trong những năm đầu của cuộc đại tái thiết, Nhật Bản từng có chủ trương học theo bóng đá Brazil, vốn mạnh ở sự khéo léo, kỹ thuật và giàu tính cống hiến. Người châu Á vốn có thể hình không được to lớn như châu Âu hoàn toàn phù hợp với lối chơi của Brazil. Zico, Dunga, Jorginho từng có thời gian thi đấu ở Nhật. Huyền thoại Zico còn có 4 năm làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển Nhật Bản. Nhưng khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, Nhật Bản đã theo xu hướng của bóng đá Đức.

Đánh giá về trận đội tuyển Nhật Bản đánh bại Đức, Tom Byer - cựu cầu thủ người Mỹ từng đào tạo trẻ ở Nhật Bản đánh giá đây là thành quả sau nhiều năm phát triển bóng đá của người Nhật.

“Đội tuyển Nhật Bản có những cầu thủ chơi ở Bundesliga, đẳng cấp ngang ngửa với tuyển Đức và chiến thắng xứng đáng. Có chút ngạc nhiên, nhưng theo tôi, đó không phải cú sốc lớn”, Tom Byer chia sẻ.

Trong khi đó, Jay Bothroyd, cựu cầu thủ người Anh từng có nhiều năm chơi bóng ở Nhật Bản nhận xét: Xét cả trận đấu, đội tuyển Nhật Bản chơi tốt và luôn tạo ra nguy hiểm về khung thành đối phương. Thầy trò huấn luyện viên Hajime Moriyasu đã thi đấu với sự tự tin. Họ giữ bóng và luân chuyển nó đến vùng cấm đội tuyển Đức như cách chơi quen thuộc. Đó là lý do họ chiến thắng.

Và sự khác biệt của Nhật Bản so với các đội bóng hàng đầu châu Á khác ở chỗ, phần lớn các trụ cột của “Samurai xanh” hiện tại đều thể hiện năng lực ở môi trường Bundesliga, giải đấu hàng đầu châu Âu. Theo thống kê, 5 tuyển thủ Nhật Bản đá chính trước Đức ở trận khai mạc World Cup 2022 đều đang là trụ cột tại các Bundesliga hay Bundesliga 2, gồm Maya Yoshida (Schalke 04), Daichi Kamada (Eintracht Frankfurt), Wataru Endo (Stuttgart), Ao Tanaka (Fortuna Dusseldorf), Kou Itakura (Monchengladbach).

Hai cầu thủ dự bị vào sân và ghi bàn vào lưới đội tuyển Đức, Ritsu Doan (SC Freiburg) và Takuma Asano (VfL Bochum) cũng đã ghi bàn ở Bundesliga trong hai mùa qua. Việc thường xuyên đối đầu với những Manuel Neuer, Joshua Kimmich, Thomas Muller ở Bundesliga đã mang đến cho Ritsu Doan và Takuma Asano sự tự tin rất lớn. Đặc biệt, trong giai đoạn lượt về mùa giải vừa qua, Takuma Asano ra sân trong chiến thắng sốc 4-2 của Bochum trước Bayern.

Với lực lượng đông đảo đang chơi bóng trong môi trường bóng đá Đức như vậy, người Nhật đương nhiên học hỏi được rất nhiều từ tư duy và phong cách của chính đối thủ có biệt danh Cỗ xe tăng.

Ở chiều ngược lại, sau khi tiền vệ Shinji Kagawa giúp Dortmund giành đến hai chức vô địch Bundesliga dù chỉ được mua về với giá 400.000 euro, các đội bóng ở Đức đã nhận ra tiềm năng của các cầu thủ Nhật Bản. Thế là họ tích cực săn tìm và sẵn sàng trao cơ hội cho các đồng hương của Kagawa.

Terry Westley, Giám đốc kỹ thuật của J-League, thường xuyên được các câu lạc bộ châu Âu hỏi về các tài năng mới nổi ở Nhật Bản. “Tâm lý là số một. Bạn sẽ thích một cầu thủ muốn tự cải thiện bản thân. Tất nhiên là cũng phải có kỹ thuật cơ bản. Nếu một cầu thủ trẻ Nhật Bản được yêu cầu tập luyện đỡ bóng, anh ta sẽ không cảm thấy nhàm chán và thực sự lao vào tập luyện”, Terry Westley phát biểu.

Vào năm 2016, Ban kỹ thuật của giải nhà nghề Nhật Bản đã thực hiện một chuyến đi công phu để tìm hiểu thực tế ở các học viện trên khắp châu Âu, và xem xét những gì họ có thể làm. Người Nhật cảm thấy rằng công tác huấn luyện của họ quá đơn điệu và cần tập trung vào những công việc cụ thể hơn để phát triển các cầu thủ. Đồng thời, họ được xem xét Kế hoạch phát triển cầu thủ ưu tú của Premier League đã thay đổi bóng đá Anh như thế nào, các câu lạc bộ lớn có thêm thời gian và nguồn lực để phát triển những cầu thủ trẻ tốt nhất của họ.

Trên đất Qatar, may mắn đã không đứng về phía thầy trò huấn luyện viên Hajime Moriyasu nhưng họ có thể tự hào rời giải đấu sau những màn trình diễn ấn tượng và đầy cảm xúc. Bóng đá Nhật Bản đang trình làng lứa thế hệ mới đầy năng động và hiện đại, xứng đáng là một trong những bất ngờ thú vị nhất của World Cup 2022.

J-League có một đề án mang tên “Tầm nhìn bóng đá 2030” nhằm tạo nên một nền bóng đá đẳng cấp thế giới. Theo truyền thống, không phải lúc nào các câu lạc bộ Nhật Bản cũng quan tâm đến việc trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ tài năng, hoặc xuất khẩu những cầu thủ giỏi nhất họ có.

Chỉ vài năm gần đây, bóng đá Nhật Bản mới bắt đầu quan tâm đến việc tạo điều kiện cho các tài năng trẻ đi tu nghiệp ở châu Âu, trong kế hoạch nâng cấp giải quốc nội và đội tuyển quốc gia. Ngoài ra, Nhật Bản cũng mong muốn, các cầu thủ sang châu Âu chơi bóng với niềm hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trở về, mang theo kinh nghiệm cho bóng đá đất nước Mặt trời mọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một góc bản Nàng 1, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Trăn trở Mường Lý

GD&TĐ - Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy.