(GD&TĐ) - Ngày 9/11, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu với các cán bộ, giáo viên tiêu biểu trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật của Hà Nội năm 2013. Đây cũng là dịp để chúc mừng các thầy cô đang công tác trong lĩnh vực này nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 4.000 trẻ em khuyết tật trong số 7.000 trẻ em khuyết tật được đến trường và các lớp học tình thương để học văn hóa, để hòa nhập. Việc các em được đi học và hòa nhập với cộng đồng đã làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình cũng như cho xã hội.
Trong sự nghiệp trồng người đặc thù này, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã là những tấm gương sáng, xứng đáng nhận được những lời ngợi ca tốt đẹp nhất. Những thầy cô giáo được chọn trong buổi giao lưu là 70 nhà giáo của 29 quận huyện, các trường và trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật trong thành phố đã có thành tích xuất sắc trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật.
Người đặc biệt nhất trong số những giáo viên được khen thưởng lần này là "bà giáo" Hồ Hương Nam. Hiện nay, dù đã bước qua tuổi 80, nhưng bà Hồ Hương Nam vẫn đều đặn đến lớp dạy cho các em khuyết tật mà không nhận bất kỳ khoản thù lao nào. Với bà, hàng ngày được đứng trên bục giảng để dạy chữ cho học sinh đặc biệt là một niềm hạnh phúc lớn lao. Ở đó có niềm vui, niềm tự hào của người thầy khi thấy các học sinh khuyết tật của mình ngày một tiến bộ, thay đổi.
Hiện nay, công tác giáo dục trẻ khuyết tật đang dần đi vào nền nếp. Các địa phương cố gắng thực hiện công tác này trong điều kiện khó khăn thiếu thốn về mọi mặt và thu được những thành công bước đầu. Trẻ em khuyết tật có cơ hội được bình đẳng và được tạo điều kiện học tập, vui chơi, được bảo vệ, được chia sẻ và phát triển phù hợp với khả năng.
Trong những năm qua, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội đã tập hợp và thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia, đóng góp hỗ trợ cho hàng ngàn trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố. Hội đã tặng quà, trao học bổng, tạo cơ hội cho các em học sinh khuyết tật được học văn hóa, học nghề, vượt qua những khó khăn để hòa nhập với cộng đồng.
Lan Anh