Tuyên chiến với lá chắn Covid-19

GD&TĐ - Đêm ngày 20/11, Den Haag, thành phố lớn nhất Hà Lan, chìm trong biển lửa do các cuộc biểu tình, phản đối của những người chưa tiêm chủng trước thông báo siết chặt hạn chế Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Những người biểu tình đốt lửa khắp mọi nơi, phá hủy các cửa hàng, cửa hiệu và ném đá, pháo hoa vào lực lượng cảnh sát.

Sự việc kéo dài đến 1 giờ sáng ngày 21/11, khiến 5 sĩ quan cảnh sát bị thương và 19 người bị bắt giữ. Được khơi mào từ Den Haag, các cuộc biểu tình liên quan đến Covid-19 đã đồng loạt diễn ra khắp Hà Lan, ở các thành phố lớn như Amsterdam, Breda và Katwijk.

Biểu tình tại Hà Lan là hình ảnh chung của nhiều quốc gia trên khắp châu Âu trong những ngày gần đây. Chúng xuất phát từ tâm lý bài vắc-xin của một bộ phận đông đảo người dân.

Khi chính phủ tìm cách siết chặt các quy định phòng, chống Covid-19 liên quan đến tiêm chủng, những người này không chấp nhận bản thân bị cô lập, bị cho ra rìa. Biểu tình là phương thức họ thể hiện sự bất mãn với chính phủ và sự ngờ vực trước vắc-xin.

Áo là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số chưa tiêm vắc-xin lớn nhất Tây Âu. Khoảng 1/4 dân số trên 12 tuổi chưa được tiêm chủng. Khi chính phủ áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt với người chưa tiêm chủng, người dân nước này ra sức phản đối. Hàng nghìn người đã tập trung tại thủ đô Vienna vào ngày 20/11 trong khi 35 nghìn người biểu tình tại Quảng trường Anh hùng của thành phố.

Nhiều ngày trước đó, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Áo ở Pháp. Trong khi trên đảo Guadeloupe, Pháp, những kẻ bạo loạn đã phóng hỏa ngoài đường phố, bắn cảnh sát, phá hủy tài sản, cướp phá địa điểm kinh doanh. Điều này khiến giới chức Pháp phải điều động khoảng 50 thành viên trong Lực lượng đặc biệt giúp lập lại trật tự.

Tại Bỉ, cảnh sát ước tính khoảng 35 nghìn người tụ tập biểu tình vào ngày 21/11. Italia và Croatia cũng ghi nhận tình trạng tương tự trong khi Australia, cuộc biểu tình đã bước sang ngày thứ ba liên tiếp.

Dù nghiên cứu khoa học chỉ ra tiêm chủng là cách hiệu quả nhất hiện nay để ngăn lây nhiễm và giảm nguy cơ nhập viện, tử vong do Covid-19. Những người bài xích vắc-xin vẫn không tin vào điều này, bất chấp chính phủ các nước dùng đến những biện pháp mạnh tay như cấm đi du lịch, cấm ngồi ăn tại chỗ trong nhà hàng…

Tâm lý bài vắc-xin đã bám rễ ở nhiều quốc gia ở châu Âu cũng như Mỹ. Các cuộc biểu tình và tâm lý bài vắc-xin đang làm bùng phát làn sóng lây nhiễm mới, đè nặng lên hệ thống y tế các nước và khả năng bước sang trạng thái bình thường mới.

Trong bối cảnh phản ứng dữ dội, các quan chức y tế lo ngại nhiều quốc gia châu Âu phải gồng mình gánh chịu số ca tử vong liên quan đến Covid-19 tăng cao.

TS Hans Henri P. Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết: Châu Âu và Trung Á lại trở thành “tâm chấn” của đại dịch Covid-19. Ông cảnh báo nếu các nước không hành động nhanh chóng, dự đoán đến đầu năm tới, số ca tử vong tại hai khu vực có thể lên đến nửa triệu người.

Ông Kluge cảnh báo: “Châu Âu đang trở lại vị trí tâm điểm của đại dịch Covid-19 như một năm trước đó. Sự khác biệt so với trước kia là chúng ta đã nhận thức cao hơn, có nhiều vũ khí hơn. Châu Âu cần nỗ lực mạnh hơn nữa để giảm thiểu thiệt hại của đại dịch Covid-19”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ