Tuyên bố của ông Netanyahu gây hoài nghi

GD&TĐ - Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hezbollah làm dấy lên hy vọng về động thái tương tự ở Gaza.

Hamas tuyên bố đã tịch thu và loại khỏi vòng chiến đấu 14 xe tăng chủ lực Merkava 4 của Israel.
Hamas tuyên bố đã tịch thu và loại khỏi vòng chiến đấu 14 xe tăng chủ lực Merkava 4 của Israel.

Ngày 27 tháng 11, Israel và Hezbollah bắt đầu thực hiện lệnh ngừng bắn 60 ngày do Mỹ - Pháp làm trung gian. Thỏa thuận làm dấy lên hy vọng kết thúc cuộc xung đột đã khiến Lebanon chịu thiệt hại đáng kể về cả hạ tầng lẫn con người.

Giới chức Mỹ cho biết họ đặt mục tiêu dùng lệnh ngừng bắn Israel - Hezbollah "làm xúc tác để thúc đẩy một thỏa thuận tương tự ở Gaza".

Cùng với đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 28 tháng 11 cũng tuyên bố ông "sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza lúc nào cũng được". Mặc dù vậy, giới phân tích hoài nghi về triển vọng ngừng bắn ở Gaza.

Bởi bản thân ông Netanyahu cũng nhấn mạnh Israel kiên quyết "không chấp nhận chấm dứt hoàn toàn chiến tranh", trong khi đây là nội dung cốt lõi mà Hamas muốn đạt được với Tel Aviv.

Anadolu dẫn lời Sami al-Arian, học giả người Palestine: "Israel không muốn một lệnh ngừng bắn ở Gaza, ít nhất là trong thời gian này".

Cơ quan y tế Gaza hôm 28 tháng 11 cho biết giao tranh đã làm hơn 44.300 người chết, gần 105.000 người bị thương, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Trong số 251 con tin, 117 người đã được trả tự do hoặc giải cứu, 71 người được xác định đã thiệt mạng.

Suốt 14 tháng giao tranh, Israel đã tìm cách thực hiện hai mục tiêu là xóa sổ Hamas và giải cứu toàn bộ con tin. Theo học giả al-Arian, Israel sẽ không muốn ngừng bắn ở Gaza khi chưa đạt được ít nhất một trong hai mục tiêu này.

Hai quốc gia là Qatar, Ai Cập suốt nhiều tháng qua đã nỗ lực hòa giải Hamas và Israel, với niềm tin ngừng bắn ở Gaza sẽ giúp kết thúc giao tranh giữa Tel Aviv với Hezbollah, nhưng các vòng đàm phán đều thất bại.

Ofer Shelah, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS), Đại học Tel Aviv nói, giờ đây, họ kỳ vọng điều ngược lại. Nhưng hai mặt trận này tách rời nhau đồng nghĩa "không còn sức ép thực sự nào với Israel trong vấn đề Gaza", khiến triển vọng hòa bình trở nên xa vời hơn.

Nếu chấp thuận lệnh ngừng bắn ở Gaza còn gây ra nguy cơ về chính trị có thể đe dọa liên minh cầm quyền của ông Netanyahu. Một số người phe diều hâu trong chính phủ Israel đã lên án thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah và muốn Israel tiếp quản Gaza.

Ông Netanyahu cũng đang đối mặt nguy cơ bị điều tra trong nước vì không ngăn chặn vụ được vụ tập kích của Hamas. Nếu chấm dứt cuộc chiến ở Gaza, vị thế chính trị của ông sẽ bị tác động đáng kể.

"Tôi nghĩ ông Netanyahu sẽ tiếp tục cuộc chiến vì lợi ích chính trị của mình", học giả Shelah cho biết.

Một số bộ trưởng trong nội các Israel cũng tuyên bố mục tiêu chiến dịch của họ ở Gaza khác rất nhiều so với ở Lebanon.

"Gaza sẽ không bao giờ có thể là mối đe dọa với Israel nữa. Chúng tôi sẽ đạt thắng lợi mang tính quyết định đó. Lebanon là câu chuyện khác", Bộ trưởng Nông nghiệp Israel Avi Dichter, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo nội địa Shin Bet, nói.

Vị bộ trưởng này khẳng định: "Chiến dịch ở Gaza có đang bắt đầu kết thúc không? Chắc chắn không. Chúng tôi còn nhiều việc phải làm".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ