Trận địa ác liệt chìm sâu dưới lòng hồ Kẻ Gỗ
Năm 1965, các tuyến đường trọng điểm ở Hà Tĩnh ngày đêm bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt. Mục tiêu là cắt đứt chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Trước tình hình đó, ta chủ trương giành thế chủ động trong vận tải bằng cách mở thêm các tuyến đường song song.
Cuối năm 1966, ta quyết định mở đường 22 với chiều dài 65km từ Ngã ba Thình Thình nay thuộc xã Nam Điền, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đi vòng qua vùng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên), chạy qua nhiều xã thuộc huyện Kỳ Anh rồi kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Theo tài liệu do ông Đào Văn Tinh - nguyên Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Hà Tĩnh cung cấp, để mở tuyến đường này, 4 đội Thanh niên xung phong (TNXP) được huy động với hơn 6 nghìn người tham gia. Đến cuối năm 1971, đầu năm 1972, tuyến đường đã hoàn thành.
Trong quá trình mở đường 22, hàng chục ha đất bằng phẳng nằm ở khu vực hạ lưu khe LiBi đã được chúng ta chọn làm sân bay dã chiến và đặt theo tên con khe.
Ngày 30/9/1972, 92 công nhân kiến trúc, 36 công nhân xí nghiệp gạch Cẩm Thành do ông Đinh Trương Đôn - Giám đốc Xí nghiệp vôi Đò Điệm làm C trưởng (Đại đội trưởng) - được điều động vào công trường 723 ở xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) để xây dựng sân bay dã chiến LiBi. Đây là sân bay gắn với tuyến đường đường 22 đã đi qua và cũng là sân bay gần nhất để miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đầu năm 1973, sân bay cơ bản hoàn thành, nhưng bị đế quốc Mỹ phát hiện. Địch dùng máy bay B52 đánh phá ác liệt, vì vậy chưa có chuyến bay nào kịp cất cánh tại sân bay này.
Ông Phan Khắc Quỳnh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Mỹ (thời kỳ 1965 – 1975) cho biết: “Trong đó trận ném bom vào ngày 2/9/1968 trên tuyến đường 22 khiến gần 60 TNXP và bộ đội hy sinh, hàng chục người bị thương.
Trận ném bom vào rạng sáng ngày 7/1/1973 tại sân bay LiBi khiến hàng chục người hy sinh, rất nhiều người bị thương. Đây được xem là trận tập kích cuối cùng của quân Mỹ ở miền Bắc, bởi chỉ ít ngày sau đó Hiệp định Paris được kí kết và chiến trường chỉ còn lại ở miền Nam.”
Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hồ Kẻ Gỗ để phục vụ cho công tác thủy nông của các huyện phía hạ du. Công trình hoàn thành như một kỳ tích cho nền nông nghiệp của địa phương này thời bấy giờ.
Tất cả mọi chứng tích chiến tranh trên đoạn đường 25km từ đầu đường 22 (khu vực Đá Bạc) đến sân bay LiBi nay đã chìm sâu dưới lòng Hồ Kẻ Gỗ. Những chứng tích của trận địa năm nào nay vẫn còn hiện rõ mỗi mùa nước cạn.
Miếu thờ liệt sĩ trong hồ Kẻ Gỗ. |
Trăn trở của người ở lại
Ông Nguyễn Phi Công là Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Ông Công kể về ký ức ám ảnh kinh hoàng sáng 7/1/1973: “Khoảng 2 giờ sáng, bầu trời đêm cách ngôi làng Đội 3 (xã Cẩm Mỹ) chừng hơn 10km rực sáng, hàng chục chiếc máy bay địch chao lượn, gầm rú, trút trận “mưa bom” kéo dài cả tiếng đồng hồ.
Lực lượng chức năng đã huy động người vào tìm kiếm, đưa hàng chục thi thể về nghĩa trang Đá Bạc chôn cất. Người bị thương được đưa vào Trạm xá Thạch Hà nhiều vô kể”.
Năm 2010, đoàn cán bộ công tác tại Sở Giao thông TP Hồ Chí Minh đi tham quan hồ Kẻ Gỗ. Họ nghe ông Công kể về lịch sử các trận đánh ở đây và trăn trở của đồng đội, nhân dân và thân nhân của các liệt sĩ. Đoàn công tác trên đã lập tức quyên góp 24 triệu đồng mong muốn ông Công và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ lập một miếu thờ nhỏ để thờ cúng những hồn thiêng nằm lại giữa đại ngàn.
Những ý kiến trên được ông Công và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đề xuất lên chính quyền địa phương. UBND huyện Cẩm Xuyên đã cùng vào cuộc quyên góp xây dựng được khu thờ trị giá hơn 130 triệu đồng.
Sau khi xây xong, có nhiều ý kiến cho rằng phải làm rõ thờ ai, câu chuyện lịch sử của những người được thờ tự. Ghi nhận những ý kiến trên, hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Phi Công mò mẫm đi tìm thông tin liệt sỹ hy sinh trên tuyến đường 22 và trận đánh sân bay LiBi từ con số “0” tròn trĩnh.
Đến nay, sau những năm tháng dài lặng lẽ kiếm tìm và kết nối, gặp gỡ nhiều nhân chứng, ông tạm thời có được danh sách 28 thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 22 và 32 liệt sĩ hy sinh tại sân bay LiBi trong trận tập kích của địch ngày 7/1/1973.
Xây dựng khu tưởng niệm xứng tầm vóc
Những năm gần đây, nhiều đoàn khách cũng đã tìm về khu thờ Liệt sĩ trong hồ Kẻ Gỗ để được thắp nén tâm hương. Nhưng khu thờ chưa phải là một công trình để ghi dấu cho những chiến công đã hóa thành bất tử.
Ông Nguyễn Viết Ninh, Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết, mong muốn của Ban quản lý, người dân nơi đây cũng như thân nhân các liệt sĩ là một ngày nào đó có điều kiện xây lại khu thờ trang nghiêm hơn, xứng tầm lịch sử cũng như tính chất bi tráng của trận địa đặc biệt này. Thời gian qua, Ban quản lý kêu gọi các nguồn lực để triển khai xây dựng Khu tưởng niệm và Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên) và được UBND tỉnh Hà Tĩnh thống nhất chủ trương.
Ngày 18/7/2022, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ tổ chức Lễ khởi công xây dựng Khu tưởng niệm và Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ trước sự chứng kiến của đồng đội, thân nhân của nhiều liệt sĩ trên tuyến đường 22 và sân bay LiBi. Nhiều đại diện chính quyền địa phương, nhà tài trợ và đông đảo người dân rất xúc động khi tham dự.
Công trình do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ làm chủ đầu tư, phối hợp với các đơn vị vận động kinh phí xây dựng công trình với tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng, được huy động từ nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự kiến vào thời điểm kỷ niệm 50 năm trận chiến LiBi (7/1/1973 – 7/1/2023), chủ đầu tư sẽ hoàn thành đền thờ chính và cuối năm 2023 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình.
Tại lễ khởi công, lãnh đạo UBND huyện Cẩm Xuyên đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp, hỗ trợ tối đa cho đơn vị thi công để sớm hoàn thành dự án, đảm bảo an toàn và mỹ quan nhằm góp phần tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh tại mặt trận sân bay dã chiến LiBi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.