Tuy nhiên, tòa nhà này hiện không do thành phố quản lý mà thuộc sở hữu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Năm ngoái, UBND TPHCM có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và VNR rằng TP muốn tiếp nhận công trình số 136 đường Hàm Nghi để bảo tồn, kết hợp bố trí chức năng phù hợp quy hoạch. Theo đó, tòa nhà nằm trong khu trung tâm lịch sử của thành phố, bên cạnh nhà ga metro ngầm Bến Thành, là điểm nhấn kiến trúc. Thành phố sẽ bảo tồn và sử dụng làm nơi lưu giữ, trưng bày các kỷ vật của ngành đường sắt nói chung, đường sắt đô thị nói riêng.
Mới đây, VNR có văn bản phúc đáp nêu nhiều lý do không thể chuyển giao tòa nhà 136 đường Hàm Nghi cho UBND TPHCM. Cụ thể, tòa nhà sở hỏa xa Sài Gòn đang là văn phòng làm việc của các đơn vị trực thuộc VNR. Nếu chuyển giao cho thành phố sẽ gây khó khăn về trụ sở làm việc cho các đơn vị, ảnh hưởng tới công tác điều hành và quản lý, khai thác, kinh doanh, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, đồng thời phá vỡ kế hoạch đầu tư phát triển của tổng công ty. Do đó, VNR kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải được sử dụng trụ sở nói trên và đến nay số phận tòa nhà này chưa được định đoạt.
Trước đây, có thời điểm tòa nhà trụ sở hỏa xa Sài Gòn được ngành đường sắt đưa vào dự định xây dựng thành cao ốc văn phòng. Rồi tiếp sau đó, công trình này đưa vào nghị quyết phiên họp thường kỳ của VNR, có nội dung về việc thực hiện dự án 136 Hàm Nghi… Điều đáng nói, đây là công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa của TPHCM cùng với Nhà thờ Đức Bà, trụ sở Ủy ban thành phố... và đang được lập hồ sơ xếp hạng di tích theo khoản 14, điều 1 Luật Di sản văn hóa.
Thông tin về nơi tồn trữ ký ức của Sài Gòn - TPHCM đang đứng trước nguy cơ vượt tầm kiểm soát của chính quyền thành phố gây sự chú ý của người dân và các chuyên gia trong lĩnh vựa bảo tồn di sản.
Nhiều người lấy làm tiếc nếu TPHCM không gìn giữ và bảo tồn được di tích trụ sở hỏa xa Sài Gòn. Một chuyên gia trong lĩnh vực di sản cho rằng thành phố nên bảo tồn trụ sở hỏa xa mà thời Pháp gọi là "Bureau du chemin de fer" của Công ty Hỏa xa Đông Dương mạng phía Nam (Chemin de fer de l’Indochine, CFI, réseau du sud). Một tòa nhà mà không người dân Sài Gòn nào khi đi qua bùng binh chợ Bến Thành lại không biết đến. Ngoài giá trị di sản kiến trúc và lịch sử, tòa nhà còn là biểu tượng minh chứng cho một thời đại hoàng kim của sự phát triển của ngành vận tải hỏa xa ở Việt Nam và Đông Dương.
Đôi khi chúng ta thấy cái lợi trước mắt mà không lường những hiểm họa dài lâu. Xu thế phát triển chung cùng tốc độ đô thị hóa diễn ra một cách mạnh mẽ đã dần khiến một số công trình lịch sử biến mất. Điều mà nhiều người lo lắng là đến một lúc nào đó những ký ức về lịch sử phát triển Sài Gòn - TPHCM sẽ biến khỏi tâm trí của cư dân nơi đây. Con người sẽ phát triển và đi về đâu khi không biết nguồn cội của chính nơi mình đang sinh sống, cống hiến. Như lời của TS Nguyễn Đức Hiệp (Bộ Môi trường và Di sản Australia) khi nói về vấn đề này: "Giá trị của thành phố không phải là nhiều tòa nhà cao tầng hiện đại vô hồn mà còn giữ lại các kiến trúc lịch sử văn hóa đặc trưng và chính điều đó thu hút được người ngoài vào thăm viếng, sinh sống và đầu tư".