Tương lai của BRICS khi ông Trump trở lại Nhà trắng

GD&TĐ - Sự trở lại Nhà Trắng của ôngTrump sẽ không cản trở BRICS phát triển, theo chủ tịch Jose Juan Sanches của công ty phân tích Brazil CMA Group.

Ông Donald Trump.
Ông Donald Trump.

Ông Sanches cho rằng, sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump tháng 1/2025 sẽ không cản trở sự phát triển của BRICS. Các nước thành viên của nhóm sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế, bất kể chính sách từ chính quyền mới của Mỹ.

"Chúng ta có thể tiếp cận vấn đề này từ 2 góc độ: kinh tế và chính trị. Về mặt kinh tế, sự phát triển của nó phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình thị trường toàn cầu, sẽ không có vấn đề gì", ông Sanches nói khi trả lời câu hỏi về tương lai của BRICS khi ông Trump đắc cử.

Tuy nhiên, nhà phân tích trên thừa nhận rằng dưới thời tổng thống mới, Mỹ có thể cố gắng ngăn chặn sự mở rộng hơn nữa của BRICS, đặc biệt là việc đưa các quốc gia đối tác vào khuôn khổ BRICS cộng.

Trước đó, Bloomberg đưa tin các cố vấn của ông Trump đang tìm cách chống lại xu hướng ngày càng tăng của các quốc gia (gồm các thành viên BRICS) từ chối đồng USD trong thương mại quốc tế.

Mỹ tổ chức bầu cử tổng thống ngày 5/11. Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông Mỹ, ông Trump đã giành được khoảng 300 phiếu đại cử tri, vượt con số 270 cần thiết để giành chiến thắng.

Ông đã tuyên bố mình là tổng thống thứ 47 của Mỹ, trong khi đối thủ đảng Dân chủ của ông, Kamala Harris, đã thừa nhận thất bại và công nhận ông là tổng thống đắc cử.

Nhóm BRICS được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với sự tham gia của Nam Phi năm 2011. Ngày 1/1, Ai Cập, Iran, UAE, Ả Rập Xê Út và Ethiopia đã trở thành thành viên chính thức.

Năm nay, Liên bang Nga làm chủ tịch BRICS với hơn 200 sự kiện được lên lịch. Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của nhóm diễn ra tại Kazan từ 22-24/10.

Hội nghị thượng đỉnh đã dẫn đến việc thông qua Tuyên bố Kazan, trong đó nêu rõ lập trường của hiệp hội về các vấn đề toàn cầu, kêu gọi phát triển hơn nữa nhóm và ủng hộ việc giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực, gồm ở Ukraine và Trung Đông.

Theo TASS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.