Nghèo vẫn phải xây tượng đài
Huyện Phước Sơn hiện vẫn còn 25,61% số hộ nghèo, có tên trong danh sách 56 huyện nghèo nhất nước. Trong đó, đồng bào Bhnong chiếm số lượng lớn dân số địa phương, đời sống còn nhiều thiếu thốn. Dù nghèo nhưng huyện này vẫn bỏ ra 14 tỷ để xây dựng tượng đài. Sau lễ khởi công vào năm 2017, công trình tượng đài chiến thắng Khâm Đức dự kiến đến tháng 8/2020 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến thời điểm này công trình vẫn dở dang với nhiều vết nứt vỡ trên bề mặt các hạng mục đã làm xong.
Trong một động thái khi dư luận đang xôn xao về sự lãng phí xây tượng đài chiến thắng Khâm Đức, vị Phó Chủ tịch HĐND huyện Phước Sơn nói với báo chí rằng, địa phương xây dựng tượng đài 14 tỷ xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân và được người dân đồng ý.
Lãnh đạo huyện Phước Sơn cũng cho biết, do thiếu kinh phí và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành. Dự án này gồm tượng đài, công viên hồ Mùa Thu, khu bảo tồn văn hóa người Bhnong… được xây dựng trên diện tích 1ha.
Đánh giá về việc tỉnh nghèo xây tượng đài lớn, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ - người có nhiều tượng đài về chiến tranh nhất Việt Nam, đã có ý rằng, tượng đài càng to, càng lộ sự yếu kém của cán bộ và lộ chính tay nghề ngây ngô, non nớt của tác giả tượng đài.
Theo ông Quỳ, về giá trị lịch sử cũng như văn hóa, mỹ thuật hay tâm linh thì có những tượng nhỏ nhưng giá trị gấp nhiều lần những tượng hoành tráng. Vô cùng sai lầm khi cứ nghĩ làm tượng đài là phải to, hoành tráng vĩ đại. Và, đáng tiếc là tư duy sai lầm ấy lại rất phổ biến đối với nhiều cán bộ; thậm chí là sai lầm cả trong quan điểm sáng tác của tác giả tượng đài.
“Có lãnh đạo tỉnh nọ bay ra Hà Nội gặp tôi để xin tư vấn về việc xây dựng tượng đài. Sau khi xem ảnh chụp một khu đất quá rộng lớn, tôi khuyên chỉ nên làm tượng đài nhỏ, tiết kiệm và giải thích không phải cứ to là đẹp. Tuy nhiên, vị lãnh đạo tỏ ra không vui, đáp rằng “các tỉnh làm hoành tráng, tỉnh tôi cũng phải làm to, nhiệm kỳ của tôi không để lại dấu ấn gì sâu đậm thì phải để lại tượng đài”, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ cho biết.
“Con gà tức nhau tiếng gáy”, hay phải để lại dấu ấn gì sâu đậm đã nảy sinh nhiều “phong trào” tiêu cực. Sau cuộc đua xây dựng sân golf, bến cảng lại đến cuộc đua mới xây dựng tượng đài, phù điêu và các công trình văn hóa tâm linh. Các tượng đài, phù điêu xây dựng sau bao giờ cũng “hoành tráng” hơn tượng đài trước. Quá trình lập dự án xây dựng, chính quyền các địa phương không tính hết được giá trị và chất lượng thẩm mỹ, lịch sử, giáo dục cũng như sự hài hòa cảnh quan thiên nhiên.
Nên giáo dục bằng lòng nhân ái và tiết kiệm
Tư duy nhiệm kỳ, hiểu biết hạn chế nên nhiều tỉnh thành xuất hiện các tượng đài to lớn, nghìn tỷ. Trong khi đó theo ông Quỳ, đa số cán bộ không hiểu khái niệm tượng đài là gì? “Thế giới dùng khái niệm rất thông dụng là “monument” – tức đài kỉ niệm. Các đài kỉ niệm trên thế giới rất khác với nước ta. Nó không nhất thiết phải có một cái “tượng” và một cái “đài” to lớn như đa số tượng đài ở nước ta.
Ông Quỳ chỉ ra một nghịch lý rất rõ là, trong khi Việt Nam có rất ít các nhà điêu khắc hiểu biết, có tay nghề cao thì lại có hàng nghìn tượng đài to lớn. Thực tế chỉ ra rằng, nhiều tượng đài không có tác động tích cực như mong muốn của lãnh đạo địa phương, không thu hút được sự quan tâm của người dân. Thậm chí gây tác động xấu về thẩm mỹ hoặc chất lượng yếu kém.
Lãnh đạo huyện Phước Sơn giải thích, việc xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức nhằm mục đích lưu giữ lịch sử địa phương, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và giúp địa phương phát triển du lịch. Nguồn kinh phí lấy từ ngân sách tiết kiệm của địa phương chứ không lấy từ nguồn ngân sách hỗ trợ đồng bào nghèo theo Nghị quyết 30a.
Bàn về việc “xây tượng đài để lưu giữ lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng”, NGND – AHLĐ Nguyễn Đức Thìn – tác giả của phong trào “Nghìn việc tốt”, cho biết, điều cần thiết để giáo dục truyền thống lịch sử là dạy cho thế hệ trẻ sự hiểu biết, yêu thương bằng những việc làm cụ thể, tiết kiệm.
“Việc huyện nghèo Phước Sơn dám chi 14 tỷ để xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức rõ ràng là rất lãng phí. Tượng đài chưa hẳn đã thể hiện được sự linh thiêng và lòng biết ơn. Cách giáo dục truyền thống cách mạng là làm sao cho con người tỏa sáng lòng nhân ái, đừng khinh bỏ nhau, cố giúp người nghèo khổ. Tôi cảm nhận, một đất nước quá nhiều tượng đài sẽ làm con người ta khô cứng về mặt tâm hồn, trong khi người cho xây dựng tượng đài chưa hẳn đã hiểu về lòng biết ơn”, NGND – AHLĐ Nguyễn Đức Thìn cho biết.
Địa phương còn nghèo, chưa đủ kinh phí để dựng tượng đài thì có nhất thiết phải xẻ đồi, xây tượng đài đến 14 tỷ đồng? Trong khi cái đói, cái nghèo vẫn bủa vây không ít hộ dân Phước Sơn. Số tiền từ ngân sách tiết kiệm ấy nếu dùng để chăm lo đời sống, giúp người dân thoát đói, thoát nghèo thì thiết thực và ý nghĩa hơn. Việc xây dựng tượng đài hãy đợi khi toàn bộ các hộ dân thoát nghèo, ra khỏi danh sách 56 huyện nghèo phải nương nhờ chương trình vốn 30a.
Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi có 75% là người dân tộc Bhnong. Huyện cũng nằm trong nhóm là 1 trong 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh của cả nước đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30a ngày 27/12/2008 của Chính phủ.