Tuổi 80 minh mẫn, vui vẻ

GD&TĐ - Mẹ tôi thế hệ 3X, đã gần 80 nhưng lúc nào cũng thư thái, nhẹ nhàng, ứng xử anh em, lối xóm, con cháu vẫn như ngày nào chúng tôi còn thơ bé.

Tuổi 80 minh mẫn, vui vẻ
Nhà tôi luôn đông khách ở quê lên chơi. Lúc thì đi khám chữa bệnh. Lúc thì đưa con cái lên nhập học. Có khi đơn giản là trạm dừng chân giữa nhịp đường về quê. Hay là phần thưởng cho các con, cháu chăm ngoan, học giỏi được về thủ đô mấy ngày. Từ lúc còn nghèo khó, chật vật đến giờ, lúc nào mẹ cũng đón anh em, con cháu vồn vã, hồn hậu.
Các câu chuyện của mẹ vừa có những hoài niệm xưa cũ, vừa có những lời khuyên chí tình, vừa có những câu chuyện thời sự nóng rực, khiến cho nhiều đứa trẻ choáng vì bà có trí nhớ phi thường. Không bao giờ mẹ xưng hô lẫn vai, làm bà, làm bác, làm “rì” (phát âm vùng biển quê mẹ), làm cô, làm chị, làm em, nhuyễn và ngọt. Nếu nghe mẹ và dì út nói chuyện với nhau cứ ngỡ hai bà thuở con gái, xưng hô chị em và cười rúc rích suốt ngày.
Hơn năm nay mẹ mới thôi đi chợ nhưng mỗi lần chị dâu đi chợ về, mẹ vẫn chạy ra đón, nhìn ngó từng loại rau, từng miếng thịt, từng mớ tôm, biết giá lên xuống bao nhiêu, biết cái gì hơn, cái gì kém mọi ngày... Phương châm đi chợ của mẹ là cái gì ngon nhất thì mua. Mẹ thường đi chợ sớm, đảo hết một vòng rồi mới quay lại mua “hàng tuyển”. Khi sơ chế, không bao giờ mẹ tiếc rau già, lá úa, tôm ươn, thịt vướng sợi lông... Mẹ dạy chúng tôi, ăn ít một chút mà ngon hơn là ăn nhiều nhưng cái già, cái úa, cái dai, cái ươn...
Mẹ có cách chơi với trẻ con thoải mái, trẻ trung khiến đứa nào cũng mê. Nghe con, cháu kể chuyện, mẹ luôn đưa ra những bình luận hài hước, hóm hỉnh. Có lần, cháu mẹ mới học lớp 10, kể về một bạn trai hơi phấn khích, bà bắt thóp “Đã nhận được tin nhắn tỏ tình của chàng chửa?”, làm cho cả nhà phải cười phá lên. Thấy các con luôn áp lực việc chọn trường, chọn lớp, bắt các cháu đi học thêm nhiều, mẹ bảo: “Tuổi thơ phải được chơi, phải được chạy nhảy. Các con sắp xếp thời gian mỗi tuần đưa các cháu đi chơi vùng quê, công viên 1-2 lần, khám phá cuộc sống xung quanh hơn là mắng mỏ bọn trẻ không học. Tin mẹ đi, cứ khoẻ, cứ vui thì học sẽ vào”.

shutterstock_125469017_korean-family.jpg

Thấy bọn trẻ thích uống nước đóng chai, mẹ tổ chức dạy pha chế cho lũ trẻ con cả khu. Nhìn bà cụ 80 lắc cà phê, ép nước quả nhoay nhoáy, bọn trẻ rất thích và tẩy chay nước sẵn dần. Chúng đặc biệt thích món cà phê trứng của bà. Kem trứng dẻo quẹo, cà phê thơm lừng, đặc xoắn, lưu giữ mãi hương vị ngọt thơm nơi đầu lưỡi và vòm họng.
Mẹ vẫn giữ thói quen viết thư cho các con cháu mỗi dịp đặc biệt. Chữ mẹ đẹp, mềm mại, giờ viết bằng bút chì hơi mờ hơn một chút nhưng vẫn rắn rỏi, rõ nét. Những bức thư của mẹ luôn tràn đầy yêu thương, âu yếm, cứ như các con cháu mẹ bé bỏng mãi mãi. Đặc biệt, mỗi bức thư đều nhắc lại một kỷ niệm nào đó giữa bà với con, cháu, khiến cho vài dòng của bà luôn khiến cho con, cháu xúc động. Nó như một dấu lặng yên bình giữa những bộn bề cuộc sống luôn căng như dây đàn xung quanh chúng tôi.
Mẹ chỉ có 3 cái áo dài nhưng mỗi lần mặc mẹ lại dùng khăn quàng và cài áo, vòng cổ khác nhau nên lúc nào chúng tôi cũng thấy mới mẻ. Bọn tôi cũng quen với việc thấy có kiểu quàng khăn, thắt khăn nào đẹp lại đem về khoe bà, khoe mẹ, để bà học theo. Mẹ như phù thuỷ với khăn vậy. Có lần đi lễ chua, trời nắng, mẹ lấy khăn thắt giữ tóc như 1 cái băng đô hoa rực rỡ trên đầu, chả khác gì một Cô Ba Sì Gòn chính hiệu.
Chúng tôi luôn học theo cuộc sống dung dị, hồn hậu, trân trọng từng khoảnh khắc cuộc đời của mẹ. Có lẽ vậy mà mẹ luôn minh mẫn, vui vẻ, chưa bao giờ có ý nghĩ ỷ lại vào con, cháu.
Theo Phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ