Túi tiền nông dân Mỹ 'teo tóp' theo hạn hán

GD&TĐ -Hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng tại nhiều khu vực ở Mỹ đang khiến người nông dân nước này buộc phải cắt giảm cây trồng và đàn gia súc, bất chấp việc sẽ bị ảnh hưởng tới túi tiền trong tương lai.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo cuộc khảo sát mới nhất của Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ (AFBF), gần 3/4 nông dân nước này phản ánh hạn hán bất thường năm nay đang ảnh hưởng nặng đến vụ mùa của họ, gây ra nhiều khó khăn hơn so với năm 2021. Có 37% nông dân Mỹ cho biết đang phá bỏ cây trồng vì không thể thu hoạch được do khô hạn, tăng vọt so với mức 24% của năm ngoái.

Đây là hệ quả của việc tháng 7/2022 là tháng nóng lịch sử theo số liệu của Trung tâm Thông tin Môi trường quốc gia Mỹ. Hạn hán gia tăng nhanh chóng tại các vùng đồng bằng miền Trung, Nam và Trung Nam nước này, làm cạn kiệt độ ẩm của lớp đất bề mặt, gây ảnh hưởng đáng kể đến đất đai, đồng cỏ và các loại cây trồng vụ hè.

Uớc tính có gần 60% diện tích đồng bằng ở miền Tây, Nam và Trung Bộ nước Mỹ đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, những ảnh hưởng của đợt hạn hán ở Mỹ này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới, không chỉ với nông dân và chủ trang trại, mà còn cả người tiêu dùng. Nhiều nông dân đã phải bán bớt đàn gia súc mà họ đã dành nhiều năm để nuôi hoặc phá bỏ những cây ăn quả để hạn chế thiệt hại do khô hạn.

Theo khảo sát của AFBF, hạn hán đang tác động tiêu cực tới một loạt bang như Texas, Bắc Dakota đến California, những nơi chiếm gần một nửa giá trị sản xuất nông nghiệp của Mỹ.

Riêng tại California, bang có nhiều cây ăn quả và cây cho hạt, có tới 50% nông dân cho biết phải chặt bỏ cây trồng, dù biết điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu trong tương lai. Tại các khu vực nông nghiệp khác cũng có 33% nông dân Mỹ cho biết họ cũng phải làm tương tự và tỷ lệ này cao gần gấp đôi so với con số năm ngoái.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, nông dân ở tiểu bang Texas đang phải bán đàn gia súc sớm hơn bình thường, do cạn kiệt nguồn nước và đồng cỏ bốc cháy. Trong đó, bang New Mexico và Oregon có lần lượt 43% và 41% trang trại chăn nuôi phải xuất bán sớm đàn gia súc và đây là lần đầu tiên nông dân phải làm như vậy, kể từ khi đối mặt với hạn hán năm 2011.

Tương tự như bất cứ nền nông nghiệp nào trên thế giới, nước là yếu tố đặc biệt quan trọng với nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, các con sông lớn có vai trò quan trọng với canh tác như Colorado đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nước. Trong bối cảnh đó, lạm phát tăng cao cũng khiến các chủ trang trại khó khăn hơn trong việc giải cứu những mảnh đất khô hạn của mình.

Giá dầu diesel đang giảm nhưng vẫn ở mức cao, khiến việc vận chuyển nước bằng xe tải đắt hơn đáng kể so với những năm trước đây. Trong khi đó, giá phân bón cho cỏ, hoa màu và thức ăn chăn nuôi cũng vẫn đắt đỏ. Theo đó, hạn hán đang góp phần gây khó khăn cho nền nông nghiệp Mỹ, nhưng đối tượng chịu ảnh hưởng cuối cùng của tình trạng này lại chính là người tiêu dùng.

Người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho một số sản phẩm, trong khi tình trạng khan hiếm nông sản có thể xảy ra vì các bang cung ứng chính đều đang chịu hạn hán nặng. Ví dụ bang California, chiếm đến 80% nguồn cung hạnh nhân trên thế giới, nay diện tích trồng giảm thì người tiêu dùng Mỹ sẽ khó tìm thấy hạnh nhân từ nơi nào khác trên thế giới thay thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.