Giáo dục đại học và vấn đề tuyển sinh 2021
Theo đó, đáng lưu ý, tuyển sinh 2021 sẽ khuyến khích tổ chức thi riêng theo nhóm trường. "Với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực thí sinh, Bộ khuyến khích tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập", Thứ trường Hoàng Minh Sơn cho biết.
Theo Thứ trưởng, trên cơ sở phát huy những ưu điểm trong công tác tuyển sinh trong năm 2020, từ năm 2021 đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định kỳ thi, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật, đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.
Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập.
Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT sẽ tích hợp Cổng thông tin đăng ký thi và xét tuyển với Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.
Học sinh tiểu học Việt Nam đứng nhóm đầu khu vực về kết quả học tập
Trong 6 nước tham gia đánh giá, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết và Toán học.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT: "Kết quả chi tiết cho thấy bức tranh toàn diện giáo dục tiểu học, từ đó căn cứ xây dựng các chính sách giáo dục đặc biệt là giáo dục tiểu học".
Để phát triển giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng sẽ xây dựng chiến lược nâng cao trình độ học vấn cho cha mẹ học sinh một cách bài bản, đồng thời có chính sách đầu tư nhiều hơn đến học sinh nam. Việt Nam cũng sẵn sàng tham gia vào các cuộc đánh giá trên diện rộng của quốc tế và coi đây là một thang đo chất lượng giáo dục khách quan.
TuyểnOlympic Vật lý quốc tế 2020 thắng lớn
Theo kết quả được Ban tổ chức kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (International distributed Physics Olympiad - IdPhO 2020) công bố, Đoàn Việt Nam có 5 học sinh dự thi đều đoạt huy chương, trong đó có 4 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng.
5 học sinh đoạt giải gồm: Trang Đào Công Minh (lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) - huy chương Bạc; Vũ Ngô Hoàng Dương (lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) - huy chương Bạc; Lê Minh Hoàng (lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) - huy chương Bạc; Nguyễn Khắc Hải Long (lớp 12 trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm) - huy chương Bạc; Nguyễn Lê Đức Hoàng (lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội Amsterdam) - huy chương Đồng.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO 2020) dự kiến tổ chức tại Litva đã bị hủy. Với mong muốn tạo sân chơi bổ ích cho học sinh yêu thích Vật lý toàn thế giới, Trường Đại học Vật lý kỹ thuật Moskva đã có sáng kiến tổ chức kì thi Olympic Vật lý quốc tế từ ngày 7-15/12/2020, dưới hình thức phân tán tại từng quốc gia (IdPhO 2020) dành cho các học sinh đã bị lỡ tại Olympic Vật lý quốc tế năm vừa qua.
Cách thức làm bài của Olympic Vật lý quốc tế IdPhO 2020 được tổ chức giống hệt các kỳ thi Olympic hằng năm. Các thí sinh làm bài dưới sự giám sát của các quan sát viên do Ban tổ chức cử đến từng quốc gia.
Như vậy, kết quả của đoàn Olympic Vật lý đã khép lại năm thành công rực rỡ của học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên, Việt Nam lựa chọn một số học sinh lớp 10 tham dự Olympic quốc tế nhưng các em đã thể hiện thành tích tốt.
Hơn 17.000 bài báo quốc tế được công bố trong năm 2020
Theo Cơ sở dữ liệu Elsvier, năm 2020 Việt Nam có tổng số 17.028 bài báo quốc tế được công bố nằm trong danh mục Scopus (đã bao gồm ISI).
Riêng đối với các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT, số lượng bài báo quốc tế trong danh mục ISI, SCI, SCIE là sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đã tăng đáng kể trong các năm qua, trung bình 25%/năm.
Bộ GD&ĐT hiện đang quản lý trực tiếp 43 đơn vị, trong đó có 3 đại học vùng (với 21 trường đại học và đơn vị trực thuộc), 34 trường đại học, học viện, 3 trường cao đẳng sư phạm và 3 Viện nghiên cứu.
Các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT khá đa dạng và đều hoạt động đa ngành. Đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng nói chung chiếm số đông trong lực lượng làm công tác KH&CN, các đơn vị trực thuộc Bộ có đội ngũ nghiên cứu mạnh: 184 giáo sư, 1.947 phó giáo sư, 5.557 tiến sĩ, 13.825 thạc sĩ. Các đơn vị đang đào tạo 5.088 nghiên cứu sinh.
Nguồn lực tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, nguồn ngoài ngân sách chiếm tỷ lệ thấp.
Ngân sách cho khoa học và công nghệ nhà nước cấp cho Bộ GD&ĐT luôn ở mức thấp về số tuyệt đối và mối tương quan với nhu cầu hỗ trợ nghiên cứu và tiềm lực và nhân lực khoa học và công nghệ của các trường đại học trực thuộc. Năm 2020, Bộ GD&ĐT xét thưởng cho 2.412 bài báo ISI xuất bản năm 2019.