Ngày 13.8, Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội đã tạm giữ Đỗ Văn Quang (còn gọi Quang "Rambo", 35 tuổi, quê Vĩnh Phúc) và bốn người khác để làm rõ hành vi Cưỡng đoạt tài sản.
Quang "Rambo" gần đây "nổi tiếng" trên mạng xã hội khi thường xuyên livestream, làm các clip có nội dung độc hại, lời nói tục tĩu, hình ảnh bạo lực…
Hành vi của Quang "Rambo" theo nhận định của điều tra viên đang thụ lý vụ án này, cho hay: "Những hành động của Quang và băng nhóm khiến giới trẻ có những suy nghĩ lệch lạc, từ đó gây ra những hệ lụy xấu trong xã hội".
Quang (giữa) và đồng bọn bị tạm giữ. Ảnh: N.H.
"Khi công an triệt phá những băng nhóm chuyên gây dựng thanh thế trên mạng xã hội, bản thân các đối tượng đang nhen nhóm cũng như đang hoạt động bằng những việc làm sai trái trên mạng xã hội sẽ giảm bớt.
Từ đó giúp giới trẻ nhìn nhận lại và thấy được mặt sai trái của những băng nhóm này", Trung tá Tạ Quang Hòa, đội trưởng đội đặc nhiệm hình sự Phòng cảnh sát hình sự nhận định.
Trao đổi với Lao Động, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đã có các văn bản về việc xử lý các clip xấu độc hại này từ rất lâu trước khi có Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, việc xử lý mạnh tay để chấn chỉnh thì hiệu quả chưa cao.
"Khá “Bảnh”, Phúc “XO” hay Quang “Rambo” rõ ràng chưa phải là những cái tên cuối cùng trong “giới giang hồ mạng”. Chỉ cần vào Youtube hoặc Facebook là dễ dàng xem được những clip do họ làm có nội dung tục tĩu, không đúng với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực ứng xử xã hội.
Do đó, cùng với việc áp dụng Luật An ninh mạng, các quy định của Bộ Luật hình sự để xử lý mạnh tay với trường hợp này thì Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần kiến nghị, có cơ chế phối hợp để YouTube phải thay đổi chính sách sao cho chặt chẽ hơn, phù hợp với pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam để không bị lọt các clip tục tĩu, bạo lực, quảng cáo cờ bạc, cổ vũ sử dụng chất kích thích", luật sư nhận định.
Thuê giang hồ đi đòi nợ, người thuê có phạm tội?
Luật sư Diệp Năng Bình cho hay, hiện nay, không ít người lựa chọn biện pháp đòi nợ bằng việc thuê xã hội đen. Thường các đối tượng này sẽ sử dụng hình thức bạo lực hoặc các thủ đoạn khác để gây sức ép lên tinh thần, tính mạng của "con nợ" nhằm mục đích là đòi được nợ.
"Do chủ nợ thừa biết những đối tượng xã hội đen đòi nợ thuê sẽ gây ra hậu quả xấu cho "con nợ" mới có thể thu hồi được tiền, nên tùy vào hậu quả mà những người đòi nợ thuê gây ra, thì chủ nợ cũng sẽ chịu trách nhiệm tương ứng", luật sư nói, đồng thời cho biết, người đi thuê cũng có thể phạm tội với vai trò là đồng phạm.
Theo luật sư, đừng vì người đi vay chưa trả hoặc không có ý định trả mà lựa chọn phương án thuê xã hội đen đi đòi nợ. Khi cho ai vay nợ, nếu người đi vay không trả được nợ thì các chủ nợ nên nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.
Khi thấy các đối tượng vay tiền có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015) thì có thể tố cáo đến các cơ quan có chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.