Đối thoại với phụ huynh, học sinh
Vài tuần trở lại đây, buổi chào cờ đầu tuần của Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) có thêm một “tiết mục” mới: Khi thì các trường ĐH, CĐ, trường dạy nghề… tự giới thiệu về mình, khi thì Ban giám hiệu nhà trường hoặc Đoàn thanh niên trò chuyện về định hướng nghề nghiệp, việc chọn ngành, chọn trường, kinh nghiệm thi cử và cả những câu chuyện về các HS khóa trước đã chọn nhầm… tương lai ra sao.
Chỉ khoảng 10 - 15 phút cho từng đấy nội dung nên phòng giáo vụ trở thành nơi giải đáp thắc mắc của học sinh về tất tật những gì liên quan đến tuyển sinh.
Đoàn thanh niên và Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Phú còn lên kế hoạch trong tháng 3 này sẽ tổ chức 2 buổi đối thoại với phụ huynh và HS khối 12 về hướng nghiệp.
Theo như thầy Phan Hùng - Hiệu trưởng, thì có thể chia xu hướng chọn nghề của HS theo một số nhóm: Thành kiến với một số ngành nghề trong xã hội như đánh giá thấp các nghề lao động phổ thông, dịch vụ, cung ứng…; một tình trạng nữa mà HS thường mắc phải do quan niệm không đúng, thiếu hiểu biết về nghề nên chọn nghề theo chủ quan, không căn cứ vào năng lực bản thân, vào nhu cầu của xã hội; cũng có không ít HS lựa chọn nghề nghiệp theo sự định hướng của bố mẹ hoặc sự lôi cuốn của bạn bè hay dư luận xã hội. Bởi vậy, BGH nhà trường quyết định tư vấn nghề nghiệp cho khối 12 song song cả hai kênh phụ huynh và HS.
Cũng đồng quan điểm này, cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng - chia sẻ: “Hơn ai hết, phụ huynh phải là người nắm được thế mạnh cũng như mong muốn của con em mình.
Thế nhưng, không phải tất cả phụ huynh đều có đầy đủ các thông tin về nghề nghiệp và chưa chắc những quyết định về tương lai của con em mình là căn cứ vào năng lực và nguyện vọng của các em”.
Thế nên, song song với việc tư vấn cho HS, các trường phổ thông còn mở thêm kênh tư vấn cho cả phụ huynh về những đổi mới trong công tác tuyển sinh cũng như hướng nghiệp.
Tư vấn nghề nghiệp là một quá trình
Đó là quan điểm của cô Trần Thị Kim Vân. Cô cho biết: “Chúng tôi chủ trương các nội dung về tư vấn hướng nghiệp phải được khởi động ngay từ khi lớp 10 và là một nội dung cho các tiết sinh hoạt lớp trong suốt 3 năm học THPT chứ không đợi đến thời điểm các em làm hồ sơ tuyển sinh mới bắt đầu triển khai.
Tối thiểu, ở lớp 10 và nửa đầu năm lớp 11, GV phải giúp HS làm quen được với một số nghề cơ bản trong xã hội, góp phần hình thành hứng thú nghề nghiệp trong HS cũng như ý thức tôn trọng người lao động thuộc các thành phần khác nhau”.
Trao đổi với chúng tôi, BGH các trường THPT đều thừa nhận có một thực tế là rất nhiều HS, dù không đủ năng lực để vào học trường CĐ, ĐH nhưng vẫn nhất quyết không đầu quân vào trường nghề.
Và để góp phần thay đổi nhận thức của phụ huynh, HS về vị trí và vai trò giáo dục nghề nghiệp, Trường THPT Tôn Thất Tùng, Trần Phú… đã phối hợp với các trường đào tạo nghề cho HS khối 12 đến tham quan.
Cũng có nhiều trường tổ chức công tác tư vấn một cách bài bản bằng cách phát phiếu điều tra định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu năm học lớp 12 để có căn cứ theo dõi và tư vấn.
Trong xu hướng nhiều trường ĐH, CĐ, TCCN, bằng các hình thức khác nhau, đã tìm cách tiếp cận trực tiếp với phụ huynh, học sinh thì quyền được tiếp cận thông tin về trường, ngành nghề mình sẽ chọn trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ của thí sinh ngày càng được đảm bảo.
Thế nhưng, có một nguyên tắc trong lựa chọn ngành nghề mà không phải bất kỳ HS nào cũng nắm được: Sự cân bằng giữa năng lực, sở thích để lựa chọn những ngành, nghề và trường học có khả năng trúng tuyển.
Bên cạnh những hoạt động tư vấn tuyển sinh, những năm gần đây, công tác gỡ rối hướng nghiệp, tư vấn tâm lý để giảm bớt sự căng thẳng, áp lực thi cử đã bắt đầu được chú trọng.