Nhà giáo Đỗ Văn Giảng - Phụ trách Văn phòng Tư vấn tâm lý Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: “Để tổ chức văn phòng tư vấn tâm lý học đường, trước tiên là cần có con người. Nhân sự là việc rất khó để làm được. Vì vậy, Ban giám hiệu đóng vai trò quan trọng trong công tác này. Nếu chỉ giao cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thì không đúng.
Nhà tư vấn tâm lý cần tiếp xúc với học sinh để giải quyết vấn đề, nhưng hầu hết các em rất ngại và sợ trò chuyện với người thầy cô đứng lớp dạy mình nên các em thường tránh, sợ xấu hổ. Vì vậy, tư vấn tâm lý học đường phải là người riêng biệt, không thể tiếp cận theo kiểu “người thầy”".
Nhà giáo Đỗ Văn Giảng cũng cho biết thêm: Người tư vấn không tiếp xúc với các em theo kiểu đánh giá hành vi mà tìm hiểu căn nguyên xem nó xuất phát từ đâu, nên học sinh sẽ dễ dàng tiếp cận hơn. Người nguyên tắc, lý trí quá cũng khó có thể làm công tác tư vấn mà phải nhẹ nhàng, thấu hiểu các em”.
Hiện nay, nhiều trường học đều quan tâm tới các văn phòng tư vấn tâm lý học đường. Chính vì vậy, đội ngũ làm công tác tư vấn hầu hết được đào tạo bài bản và được học qua nhiều hình thức khác nhau. Điều này giúp cho công việc tư vấn ngày một hiệu quả hơn.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tư vấn tâm lý học đường, nhà giáo Đỗ Văn Giảng chia sẻ: “Đã là nhà tư vấn, trước hết mọi quan hệ tiếp xúc với học sinh phải thân thiện. Dù học sinh đó trước đây được đánh giá là hư, hỗn, nhưng nhà tư vấn cũng đừng bị chi phối cảm xúc theo hướng đó. Không nên nhìn hành vi của học sinh theo cách của người khác, phải nhẹ nhàng tiếp xúc gần gũi với các em để các chia sẻ với mình”.
Với kinh nghiệm của bản thân nhiều năm làm công tác tư vấn và thường gặp các “ca khó”, nhà giáo Đỗ Văn Giảng chia sẻ: Đừng bao giờ hỏi thẳng vào vấn đề khi em đó mắc lỗi, thay vào đó hãy trò chuyện.
Mọi hành vi rối nhiễu của các em đều có căn nguyên, do xã hội bên ngoài hoặc do cha mẹ, thậm chí là quan hệ thầy cô. Thường thì người lớn luôn cho rằng mình đúng, vậy thì rất khó để tiếp cận học sinh. Khi các em tiếp cận tốt thì mình đã thành công 50% rồi, còn nếu vội kết luận theo hướng đánh giá của xã hội thì không bao giờ giải quyết được vấn đề vì các em không chia sẻ.