“Đến bây giờ nghĩ lại lời khuyên em SV lúc đấy, tôi thấy mình thật thiếu hiểu biết” - TS Hải Anh nhớ lại.
Nữ SV chia sẻ với cô giáo, em thường xuyên bị các nam SV trong lớp trêu đùa bằng câu nói thái quá, hay tìm cách chạm vào cơ thể em. Điều đó khiến em khó chịu nhưng không biết làm cách nào để tránh những động chạm không mong muốn đó.
Lúc đó, bằng sự hiểu biết của mình, TS Hải Anh đã khuyên SV nên ăn mặc kín đáo hơn. Ăn nói cẩn trọng hơn để tránh những hiểu lầm đáng tiếc có thể xảy ra...
Việc cứ trôi đi cho đến khi được tập huấn kiến thức với các chuyên gia tại Việt Nam, Australia, TS Hải Anh nhận ra rằng những lời khuyên của mình với nữ SV năm xưa đã thể hiện sự định kiến về giới, mặc định việc bị sàm sỡ, bị quấy rối là do lỗi của phụ nữ.
Bên cạnh đó, nữ giảng viên nhận thấy nội dung giáo dục về quấy rối tình dục học đường chưa thực sự được quan tâm, đề cập đến trong hoạt động dành cho SV, thậm chí đôi khi còn bị né tránh bởi tính nhạy cảm của vấn đề.
Với những kiến thức và kỹ năng học được, TS Hải Anh đã quyết tâm thực hiện dự án “SV nói không với quấy rối tình dục học đường trong khuôn viên Trường ĐH CNTT&TT Thái Nguyên” với mong muốn nâng cao nhận thức, giúp SV nhận diện và ứng phó với quấy rối tình dục; giảm thiểu đến mức thấp nhất những hành vi quấy rối tình dục học đường.
Với sự tư vấn của các chuyên gia, bạn học, TS Hải Anh tập hợp và xây dựng bộ tài liệu tập huấn tham khảo cho SV. Song song với đó, tổ chức 3 buổi tập huấn cho 153 SV, trong đó có 99 SV nam và 54 SV nữ.
Nội dung các buổi tập huấn đều diễn ra rất sôi nổi với những vấn đề “nóng”. SV chia ra thành các nhóm, tranh luận với nhau về việc thấy cô gái xinh, ngồi huýt sáo thì có phải là quấy rối tình dục không? Hay bạn cùng lớp quàng vai nhau thì nên coi là thế nào?
Có nữ SV chia sẻ rằng, cô không thích khi đi trong sân trường bị người khác giới nhìn chòng chọc vào cơ thể, hay ngồi túm năm tụm ba rồi huýt sáo, bình luận về các “vòng”…
Khi được tham gia khóa tập huấn, cô hiểu được đây chính là một hình thức quấy rối tình dục. Và cô đã có phản ứng thẳng thắn với những hành động này, không im lặng cam chịu như trước nữa. “Kết quả sau tập huấn, trên 83% SV đã nâng cao kiến thức về giới, bình đẳng giới và đánh giá cao những kiến thức, kỹ năng được chia sẻ” – TS Hải Anh cho biết.
TS Nguyễn Thị Hải Anh. Ảnh: T.G |
TS Hải Anh còn tổ chức thành công cuộc thi “SV nói không với quấy rối tình dục học đường”. Ngay sau khi kết thúc hoạt động dự án, hoạt động truyền thông vẫn được tiếp tục để tạo ra sức lan tỏa, đưa các thông tin, hoạt động, các sản phẩm nổi bật của dự án lên fanpage, trang web của trường, YouTube.
Hoạt động tốt nhất, nhiều hiệu ứng lan tỏa từ cộng đồng của dự án đã nhận được trên 6.000 lượt theo dõi, trên 3.000 lượt tương tác, khi đăng lên YouTube nhận được 627 lượt xem. Đây chưa phải là con số lớn nhưng là nguồn động viên ý nghĩa cho những người làm dự án như TS Hải Anh.
Ngay sau khi kết thúc dự án, một nam SV và một nữ SV đã đến gặp TS Hải Anh đề nghị hỗ trợ định hướng NCKH đề tài Phòng, chống quấy rối tình dục học đường.
Nâng tầm dự án
Khi bắt tay làm dự án, chị mong muốn xây dựng được 3 đội và có 3 sản phẩm truyền thông. Nhưng vượt ngoài mong đợi, chị đã tập hợp được cả 153 SV tham gia hoạt động đào tạo, thành lập và xây dựng được 12 đội tham gia làm được 12 sản phẩm truyền thông.
Đặc biệt, những sản phẩm làm tốt nhất lại đến từ chính những nữ SV. Đây là hoạt động đầu tiên trong 7 đơn vị thành viên của ĐH Thái Nguyên với gần 100.000 cán bộ, giảng viên, SV về hoạt động phòng chống quấy rối tình dục học đường.
Trong quá trình thực hiện dự án, TS Hải Anh và các đồng nghiệp thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu. Bài học ý nghĩa nhất với chị Hải Anh chính là sự thay đổi nhận thức về giới, định kiến giới, bình đẳng giới, học cách thu hút, kết nối sự ủng hộ giúp đỡ của những người bạn trong khóa học, sự ủng hộ của BGH, các tổ chức đoàn thể, đồng nghiệp, SV trong trường; cùng đó biết thêm cách xây dựng và triển khai thành công một dự án truyền thông cho SV.
Trong thời gian tới, TS Hải Anh sẽ tiếp tục lồng ghép và đề xuất những chủ đề về phòng chống quấy rối tình dục học đường trong các hoạt động chung của trường cũng như trong môn học.
Hiện tại, chị đã lập được nhóm riêng gồm 3 người, tiếp tục nghiên cứu về vấn đề quấy rối tình dục học đường để có thể phát triển dự án lên một tầm cao mới.