Ảnh minh họa.
Ngày 5.8.1999, người dân ở thành phố Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc thuê xe tải đến bờ sông lấy đất phù sa về đổ vào vườn rau. Khi đào xuống khoảng một mét, người này phát hiện thi thể phụ nữ.
Nạn nhân khoảng 30 tuổi, cao 1m63, chân tay bị trói bằng dây dù. Thi thể đã phân hủy nghiêm trọng, tử vong khoảng một năm trước do bị siết cổ. Nạn nhân mặc quần da màu đen, áo hai dây, bên cạnh có một chiếc túi xách màu đỏ nhưng không có giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng hay bất cứ thứ gì để xác định thân phận.
Dựa vào cách ăn mặc của nạn nhân, cảnh sát xác định đây có thể là người làm trong ngành giải trí. Khu vực này có hàng trăm vũ trường, quán bar, quán KTV và hiệu massage. Nhân viên làm việc ở đây luôn thay đổi khiến việc điều tra gặp khó khăn.
Hơn hai tháng sau, ngày 15.10, một tiếp viên KTV cho biết một nữ tiếp viên có chiếc túi xách giống trong ảnh của cảnh sát. Người này tên là Dương Lệ, nghỉ việc đột xuất khoảng một năm trước, nhưng đa số các tiếp viên đều dùng tên giả. Lúc này điện thoại di động còn chưa phổ biến, đa số mọi người chỉ sử dụng máy nhắn tin. Dương Lệ có máy nhắn tin nhưng từ khi nghỉ việc thì không liên lạc được nữa.
Rất may mắn là tiếp viên này đã ghi số máy nhắn tin của Dương Lệ trong sổ tay. Từ số máy, cảnh sát tra được chủ thuê bao là Tôn Lan, người tỉnh Giang Tô.
Trong hệ thống quản lý hộ khẩu có ảnh chân dung của Tôn Lan, tiếp viên KTV này xác nhận người này chính là Dương Lệ. Thuê bao đã dừng hoạt động từ ngày 27.10.1998, rất có thể đây là thời gian xảy ra vụ án.
Cảnh sát tìm đến nhà Tôn Lan theo địa chỉ hộ khẩu, nhưng mẹ cô lại không tin con gái mình bị giết từ một năm trước vì sau tết âm lịch Lan vẫn còn nhờ người quen gồm một nam một nữ về nhà lấy sổ hộ khẩu và chứng minh thư của bà để làm thủ tục gì đó. Đến khi có kết quả xét nghiệm ADN, bà mới tin con gái đã bị sát hại.
Cảnh sát xem xét lại toàn bộ các vấn đề liên quan hộ khẩu của bà Tôn nhưng không thấy có thay đổi gì. Như vậy rất có thể những giấy tờ này được dùng để rút tiền. Bà Tôn nhớ ra trước đó con gái đã làm cho bà một quyển sổ tiết kiệm và giữ quyển sổ này.
Quả nhiên ngày 27.10.1998 có người đã rút toàn bộ 2.900 nhân dân tệ trong thẻ ngân hàng của Tôn Lan, đến tháng 2.1999 thì hơn 10.000 nhân dân tệ trong sổ tiết kiệm của bà Tôn cũng bị rút.
Người rút tiền tên là Vu Lập Mai, có giấy ủy quyền của bà Tôn. Bà Tôn nói mình không hề làm giấy ủy quyền cho ai, có nghĩa giấy ủy quyền này là giả.
Tháng 3.2000, Mai bị bắt tại nhà trọ và khai nhận đã cùng Triệu Canh Hữu sát hại Dương Lệ (tên giả của Tôn Lan). Mai và Hữu là tình nhân, quen Dương Lệ trong một lần đi hát.
Ngày 27.10.1998, Hữu hẹn Lệ đến nhà trọ rồi cùng Mai khống chế tra hỏi mật khẩu thẻ ngân hàng. Sau khi rút được tiền trong thẻ, Hữu giết Lệ rồi cùng Mai mang đi chôn. Thấy trong túi xách của Lệ còn có sổ tiết kiệm, chúng đến nhà lừa lấy sổ hộ khẩu và chứng minh thư của bà Tôn để rút tiền. Vài tháng trước khi Mai bị bắt, Hữu và Mai đã không còn liên lạc với nhau.
Theo CCTV, cuối năm 2000, Mai bị kết án chung thân. Theo lời khai của Mai, Hữu là người Hắc Long Giang, cao 1m72, ngón giữa và ngón trỏ tay trái đều cụt mất một đốt. Biết tên tuổi, quê quán, đặc điểm nhận dạng của Hữu, nhưng đến 13 năm sau cảnh sát mới truy bắt được hắn.
Theo nhận định của cảnh sát, sau khi Hữu chia tay Mai, có khả năng sẽ xảy ra ba trường hợp. Thứ nhất là lẩn trốn ngay tại thành phố Uy Hải - nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất. Thứ hai là trốn về quê nhà ở Hắc Long Giang. Thứ ba là trường hợp cảnh sát không mong muốn nhất, nơi này có nhiều tàu đánh cá xa bờ, có thể hắn đã lên tàu vượt biên sang Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.
Việc tìm kiếm tại Uy Hải không có kết quả. Nhà Hữu ở Hắc Long Giang có sáu anh chị em, cảnh sát bí mật theo dõi nhưng không thấy Hữu lẩn trốn hay có liên hệ. Hơn 1.000 chủ tàu đánh cá ở Uy Hải đều không biết người nào có đặc điểm nhận dạng như Hữu.
Từ một người quen ở quê Hữu, cảnh sát được biết hắn từng đi tù năm 1983 tại nhà tù Hắc Long Giang. Ban chuyên án cử người đến tìm lại hồ sơ phạm nhân vào tù năm 1983, nhưng chỉ tìm thấy một người tên là Triệu Kim Hữu chứ không có Triệu Canh Hữu. Tuy nhiên ngoài tên thì tất cả thông tin như năm sinh, quê quán đều trùng khớp, cảnh sát xác định đây là sai sót khi lập hồ sơ, Triệu Kim Hữu và Triệu Canh Hữu chính là một người.
Từ hồ sơ này, cảnh sát có được dấu vân tay của Hữu. Trong nhiều năm sau đó, mỗi khi trong thành phố có một vụ án, mẫu vân tay của Hữu lại được mang ra đối chiếu. Năm 2010, thành phố Uy Hải lập kho dữ liệu vân tay những người có tiền án tiền sự, trong số này không có dấu vân tay của Hữu.
Năm 2012, kho dữ liệu dấu vân tay của toàn bộ các địa phương trong tỉnh Sơn Đông được kết nối với nhau nhưng vẫn không tìm thấy vân tay của Hữu. Cảnh sát Uy Hải gửi công văn đề nghị cơ quan công an các tỉnh thành khác hỗ trợ. Đến năm 2013, cảnh sát mới tìm được hai mẫu vân tay trùng khớp của một người tên là Trịnh Kiến Vĩ.
Vĩ đi tù năm 2003 do cướp giật ở tỉnh Giang Tô. Sau khi ra tù, năm 2009 hắn bị lấy vân tay trong một lần hoang báo có kẻ đột nhập vào nhà.
Từ năm 2009 đến lúc này là 4 năm, rất có thể hắn đã chuyển đi nơi khác. Cảnh sát tìm đến địa chỉ nhà trọ mà hắn đã hoang báo, thấy trong nhà có một người đàn ông khoảng 50 tuổi với ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái bị cụt liền bắt giữ.
Trịnh Kiến Vĩ chính là tên giả của Hữu. Sau 15 năm lẩn trốn, hắn mới sa lưới. Năm 2014, Hữu bị tòa án trung cấp thành phố Uy Hải tuyên án tử hình vì cố ý giết người..