“Tù tại gia” - kẽ hở cho những người phạm tội thoát án?

GD&TĐ - Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc đề nghị nghiên cứu hình thức tù tại gia để giảm bớt áp lực quá tải trại giam, bên lề Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – đoàn TP Hồ Chí Minh đã trao đổi với báo chí về ý kiến này.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – đoàn TP Hồ Chí Minh
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – đoàn TP Hồ Chí Minh

Theo đại biểu, đây là một đề xuất đáng chú ý, bởi đặt trong hoàn cảnh như hiện nay, các nhà giam của chúng ta luôn trong tình trạng quá tải và nó cũng phù hợp với hiến pháp 2013 đó là: đề cao quyền con người để việc cải tạo giúp phạm nhân thực sự nhìn được lỗi lầm của mình, sau đó tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên để áp dụng được đề xuất này, có lẽ chúng ta cần có lộ trình và cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, đặc biệt cần tham khảo tại một số quốc gia đã triển khai.

Chúng ta cần xem xét về tỷ lệ dành cho đối tượng này như thế nào bởi nếu không sẽ tạo kẽ hở cho những người phạm tội thoát án tù đồng thời dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực.

Cũng theo đại biểu, nếu không có quy định rõ ràng trường hợp nào áp dụng tù tại gia và trường hợp nào không, thì tù tại gia có nhiều điểm tương tự với án treo, như vậy làm cách nào để không có nhầm lẫn giữa hai loại trên.

Bởi đối với án treo hoặc tù trong trại giam thì trong bộ luật hình sự đã có mức phạt rõ ràng, cụ thể. Do đó, với loại hình tù tại gia này chúng ta cũng cần có những nghiên cứu hết sức thận trọng.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh: Chúng ta cần giáo dục để không phạm tội. Và đối với những phạm nhân phạm tội phải ở tù, cũng mong rằng tại các trại giam cũng cần đáp ứng được những yêu cầu tối thiếu, để phạm nhân có cơ hội ăn năn hối lỗi và tái hòa nhập với cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ