Tự nguyện hay ép buộc?

GD&TĐ - Cứ vào đầu năm học, điệp khúc “tiền trường”, lạm thu trở thành đề tài nóng trên tất cả trang mạng xã hội. Nhiều cha mẹ than phiền phải đóng quá nhiều khoản tiền cho lớp, cho trường. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ việc đóng tiền học theo quy định đến tiền học tăng cường Anh văn, kỹ năng sống, tiền sinh hoạt câu lạc bộ, quỹ phụ huynh… Gộp lại trong các khoản thu đầu năm là con số không hề nhỏ. Với các gia đình trung lưu, mức tiền triệu không có gì đáng bàn. Nhưng với những gia đình làm nông nghiệp, công nhân đây thực sự là “gánh nặng”.

Mới đây, một phụ huynh ở TPHCM than phiền, đi họp phụ huynh mang 4 triệu đồng nhưng vẫn không đủ để đóng các khoản tiền đầu năm trong lớp khiến nhiều người chạnh lòng, đồng cảm. Có lẽ đây cũng là nỗi lòng của nhiều gia đình, bởi cùng với niềm vui đến trường của con trẻ là nỗi lo tiền trường của không ít bậc phụ huynh.

Song hành với nỗi lo tiền trường là nỗi lo lạm thu núp bóng “tự nguyện”. Vừa qua, một phụ huynh đã chia sẻ ảnh chụp tin nhắn của thầy giáo chủ nhiệm tại một trường tiểu học TPHCM với nội dung “xin” một chiếc quạt cây và chiếc dây nguồn máy tính. Mục đích thầy là “vận động” phụ huynh để phục vụ công tác giảng dạy giúp chính con em họ học tốt hơn. Tuy nhiên, cách làm của thầy giáo gây phản cảm và sự ức chế của phụ huynh trước hai chữ “tự nguyện”.

Việc cho con đi học, phụ huynh phải đóng các khoản dịch vụ là đương nhiên. Tuy nhiên, nhiều năm nay, công tác xã hội hóa giáo dục dẫn đến lạm thu trong các cơ sở GD được đề cập đến nhiều. Tình trạng quỹ lớp, quỹ hội và nhiều khoản khác gọi là tự nguyện nhưng hầu như lại cào bằng, đánh đồng theo đầu người. Đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện như nhau?

Nhiều khoản thu “núp” dưới cái bóng của mỹ từ “thỏa thuận” và “tự nguyện”. Phụ huynh trong tâm trạng bức xúc vì dù tinh thần tự nguyện nhưng hầu hết là ép buộc. Nhiều người sợ ảnh hưởng đến con mình mà không dám nói ra.

Khi dư luận bức xúc thì phần lớn Ban Giám hiệu các nhà trường giải thích rằng, đây là các khoản thu theo đề xuất của cha mẹ học sinh. Thậm chí có trường còn in sẵn “Đơn xin tự nguyện đóng góp”… Nhà trường hoàn toàn không có chủ trương thu các loại quỹ không đúng với quy định. Dường như hai chữ “tự nguyện” như một tấm lá chắn hữu hiệu nhất để tránh điều tiếng, đối phó với đoàn thanh kiểm tra. Vì vậy, hơn ai hết, để dẹp vấn nạn lạm thu “ngầm” chính là các bậc phụ huynh. Họ cần phải lên tiếng để câu chuyện lạm thu sẽ không bao giờ tồn tại.

Ngay từ đầu năm học 2019 - 2020, để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, Bộ GD&ĐT có công văn nghiêm cấm tình trạng lạm thu trong trường học, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, thực tế có không ít trường vẫn đang “nhờn luật”, tìm cách “lách luật” bằng cụm từ “xã hội hóa” và “tự nguyện”.

Thực tế, khi con đến lớp, đến trường, ai cũng mong con trẻ được học tập và sinh hoạt trong môi trường đầy đủ tiện nghi, hiện đại. Xã hội hóa giáo dục là lời giải đúng đắn cho bài toán ngân sách hạn hẹp để nâng cao chất lượng giáo dục. Điều quan trọng là cách làm. Cần phải minh bạch hóa, công khai các khoản thu tiền trường trước khi thu. Nếu làm đúng, hợp lý sẽ được phụ huynh đồng lòng ủng hộ.

Không phải ở đâu xa, những nơi vùng cao, vùng khó khăn, nếu không có xã hội hóa để xây dựng trường, dựng lớp thì có lẽ GV và HS chỉ học trong những phòng học tạm bợ. Xã hội hóa GD đã dệt nên nhiều câu chuyện đẹp khi đem đến cho trẻ vùng cao ước mơ đến trường trọn vẹn.

Để giảm bớt nỗi lo tiền trường, dẹp kiểu lạm thu “ngầm”, ngoài công văn, văn bản chấn chỉnh từ cấp trên, điều mà nhiều người mong đợi vẫn là lương tâm của người làm nghề giáo, đặc biệt là những người đứng đầu cơ sở giáo dục. Một môi trường giáo dục công bằng, minh bạch sẽ tạo được niềm tin yêu của phụ huynh và học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ