Quả bồ kết giúp bạn vừa giặt sạch đồ, vừa không hại vải. Ảnh: TG
Giặt đồ sạch sẽ bằng bồ hòn, bồ kết
Trong khi bột giặt nhiều kiềm và chất tẩy làm đồ len, lụa, voan, ren nhanh phai màu, chóng hỏng, thông tin giặt quần áo bằng bồ hòn, bồ kết không có hóa chất dịu nhẹ với da, làm vải mềm mại gây sự chú ý cho nhiều người.
Dùng bồ hòn thay bột giặt có nhiều ưu điểm, quan trọng nhất là lành tính, không gây kích ứng da, giặt xong quần áo vẫn giữ nếp, không co giãn, rút chỉ. Quần áo giặt bằng quả bồ hòn làm mềm vải, bền màu. Đặc biệt là đồ dạ, len, lụa… và với quần áo của người có mồ hôi dầu.
Cách dùng
Theo hướng dẫn của nhân viên tư vấn thuộc Trung tâm Dược liệu Búp Xanh (TP Hồ Chí Minh, lấy 5-15 quả bồ hòn với 2 lít nước đun nhỏ lửa khoảng 1 giờ, sau đó tắt lửa, ủ qua đêm là quả bồ hòn tiết ra hết chất saponin (xà phòng tự nhiên) màu nâu đậm. Chà nát quả bồ hòn, lọc lấy nước xà phòng đậm đặc cho vào hũ thủy tinh đậy kín để dùng. Vì nước bồ hòn không có chất bảo quản nên chỉ dùng 1 tuần, nếu vắt nước cốt chanh (hoặc cho 1 – 2 thìa cà phê dấm trắng), cất vào tủ lạnh có thể dùng 2 tuần.
Khi dùng giặt quần áo bằng máy, với 7 kg quần áo cho 4 - 5 thìa canh dung dịch bồ hòn vào ô đựng xà bông trong máy giặt rồi bật bình thường.
Nếu giặt tay dùng 3 thìa canh nước bồ hòn, ngâm vào quần áo để qua đêm.
Nếu có vết bẩn đặc biệt, dùng vỏ bồ hòn đã luộc, chà xát vào chỗ bẩn rồi ngâm, giặt tay bình thường.
Nhược điểm của quả bồ hòn là phải dùng với nước nóng, không làm thơm quần áo, không giặt trắng được quần áo. Nước nóng (nhiệt độ) mới tiết chất saponin (xà phòng tự nhiên) và khi xả phải dùng nước lạnh để xà phòng không tiết ra. Quần áo trắng cần dùng thêm sản phẩm làm trắng. Muốn quần áo thơm phải cho thêm tinh dầu vào nước cuối. Vỏ quả bồ hòn sau khi sử dụng để khô có thể bỏ vào các chậu cây làm phân, chúng sẽ phân hủy tự nhiên, bảo vệ môi trường.
Ngoài quả bồ hòn, bồ kết cũng là một loại chất giặt vừa sạch vừa giữ màu. Quả bồ kết nướng lên, cho vào nước đun sôi kỹ để giặt đồ len, dạ, tơ tằm, voan, lụa hay các loại đồ bò muốn bền màu cũng dùng nước bồ kết đậm đặc ngâm 45 phút.
Giấm ăn cũng có thể giúp bạn làm sạch tã lót sơ sinh có phân và nước tiểu khó giặt. Bạn nên cho ít giấm vào pha với nước để xả đồ. Cách làm này sẽ giúp sạch mùi khai của tã lót, da bé không bị mẩn ngứa khó chịu. Để giữ màu quần áo vải sợi len, bạn nên cho chút giấm vào nước sau khi giặt.
Sau khoảng 10 năm mới biết viên giặt có tác hại hay không
Nhiều gia đình bận rộn không có thời gian để tự làm nước giặt từ thiên nhiên đã lựa chọn giải pháp viên giặt thay thế bột giặt. Khi giặt, chỉ cần bỏ 1 viên giặt vào lồng máy (không cần cắt bỏ màng bao ngoài vì nó tự tan trong nước) rồi thả quần áo lên trên là được một mẻ giặt. Một viên giặt được 6 kg quần áo khô, mỗi lần giặt tương ứng 65 lít nước. Nếu quần áo nhiều, có đồ jean, hay quá bẩn thì dùng 2 viên/lần giặt.
Viên giặt hầu hết là hàng nhập khẩu, giá cao hơn bột giặt, hiệu quả trước mắt nhìn thấy là tiết kiệm hơn vì tốn ít nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến viên giặt đang thay dần bột giặt trong các gia đình vì nhiều lợi ích, bảo vệ môi trường, đặc biệt giữ bền vải và màu vải. Hạn chế của viên giặt là phải để nguyên trong hộp, cất giữ nơi thoáng mát, tay ướt không được cầm viên giặt vì đặc tính gặp nước là màng film tan ra.
Theo Giáo sư Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội), viên giặt là những sản phẩm cải tiến, ưu điểm của nó là thường kết hợp 3 – 4 trong 1, là dạng lỏng nên khi giặt nó hòa tan trong nước, không bị két vào các nếp vải, quần áo, quần áo thơm sạch. Viên giặt được coi là chất tẩy rửa tương lai, là tiến bộ mới của khoa học kỹ thuật. Nhưng các sản phẩm đó mới có gần đây, ưu điểm đã thấy, nhưng tác hại thì phải có thời gian sử dụng, khoảng 10 năm sau mới biết.
“Viên giặt là những sản phẩm cải tiến, ưu điểm của nó là thường kết hợp 3 – 4 trong 1, là dạng lỏng nên khi giặt nó hòa tan trong nước, không bị két vào các nếp vải, quần áo, quần áo thơm sạch. Viên giặt được coi là chất tẩy rửa tương lai, là tiến bộ mới của khoa học kỹ thuật. Nhưng các sản phẩm đó mới có gần đây, ưu điểm đã thấy, nhưng tác hại thì phải có thời gian sử dụng, khoảng 10 năm sau mới biết”. Giáo sư Trần Hồng Côn |