Tự kỷ- Nỗi ám ảnh của nhiều gia đình

Tự kỷ- Nỗi ám ảnh của nhiều gia đình

    (GD&TĐ) - Không phải ngẫu nhiên mà Liên hiệp quốc chọn ngày 2/4 hàng năm là Ngày thế giới nhận biết về chứng tự kỷ. Điều này cho thấy số trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ tăng chóng mặt ở nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam, ThS Nguyễn Thị Hồng Thúy (đơn vị tự kỷ, khoa Tâm bệnh, BV Nhi TW) chia sẻ tại hội thảo “Chứng tự kỷ- Những điều cần biết” do Cung Thiếu nhi Hà Nội phối hợp với CLB gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội tổ chức ngày 25/11.

Nhiều phụ huynh, đại diện các trường, trung tâm dạy tự kỷ tham gia hội thảo để cùng chia sẻ phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ.
Nhiều phụ huynh, đại diện các trường, trung tâm dạy tự kỷ tham gia hội thảo để cùng chia sẻ phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ.

Theo ThS Thúy, tự kỷ là thuật ngữ chỉ một nhóm các rối loạn phức hợp của sự phát triển não bộ. Những rối loạn này được đặc trưng bởi nhiều mức độ khác nhau ở 3 lĩnh vực: Khó khăn về tương tác xã hội; Khiếm khuyết về giao tiếp có lời và không lời; Hành vi và sở thích bị thu hẹp và lặp lại. Tự kỷ có 5 thể khác nhau, trong đó có nhiều trẻ tự kỷ liên quan đến vấn đề sức khỏe (rối loạn ngủ, tiêu hóa, động kinh…). Chính những điều này làm cản trở và giảm hiệu quả của việc nuôi dưỡng, giáo dục và phát triển của trẻ tự kỷ.

Cũng theo ThS Thúy, bệnh tự kỷ có mặt ở nước ta từ lâu nhưng hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu toàn diện nào về dịch tễ của căn bệnh này. Tại BV Nhi TW, qua theo dõi cho thấy số bệnh nhân có dấu hiệu  tự kỷ tăng lên hàng năm. Năm 2008, đơn vị tự kỷ khám cho 900 trẻ. Năm 2009,số  trẻ đến khám do có những dấu hiệu của bệnh trên tăng gấp đôi. Đến năm 2011, trung bình mỗi ngày đơn vị tự kỷ khám 10-20 trẻ. 2/3 số trẻ đến khám ở các tỉnh lân cận. Trẻ trai khám nhiều hơn trẻ gái 6-8 lần.

Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh tự kỷ mà chỉ đưa ra những yếu tố liên quan đến bệnh: sự biến đổi gen, bệnh lý trước sinh, trong sinh, tuổi mang thai của bố mẹ, nhiễm độc thức ăn và không khí. Với nguyên nhân chưa được hiểu rõ ràng, việc điều trị chưa triệt để do khó khăn về kinh tế, hiểu biết… khiến nhiều gia đình trở nên bế tắc, trẻ vì thế không được điều trị đúng phác đồ dẫn tới tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.

Do vậy, để trẻ tự kỷ có thể hòa nhập cộng đồng, cần can thiệp sớm cho trẻ bằng cách tham gia các CLB hoặc nhóm gia đình trẻ tự kỷ. Việc tham gia này giúp bố mẹ có thêm kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, tài liệu, biết thêm các dịch vụ hữu ích. Đây cũng là nơi để các bậc phụ huynh chia sẻ và san bớt những căng thẳng, băn khoăn trong việc chăm sóc con và trong cuộc sống, Ths Thúy chia sẻ. 

M. Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ