(GD&TĐ) - “…Ngày ấy, trên đường Trường Sơn cùng với những anh bộ đội vác súng, còn có những đoàn thầy cô giáo ba lô nặng trĩu sách vở. Họ hăm hở lên đường “xẻ dọc Trường Sơn” tỏa về khắp chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Các chi 1, 2, 3, 4 về “Bác Năm” (tức khu 5 – Miền Trung); các chi 5, 6, 7 về “ông Cụ” (căn cứ Trung ương Cục Miền Nam) và sau đó tỏa về T4 (khu Sài Gòn – Gia Định). Số thầy cô còn lại về khu “Hải Yến” (Miền Tây Nam bộ) và số khác được phân công về các Ban của Trung ương Cục Miền Nam – có mật danh là “R”…” (Trích “Lời nói đầu” tập hồi ký “Một thời đã qua và sống mãi” – NXB ĐHSP TP. HCM – 2006).
(ảnh minh họa: Internet) |
Họ đã sống – chiến đấu như người lính
Theo thống kê chưa đầy đủ, thời chống Mỹ đã có hơn 700 nhà giáo trực tiếp tham gia kháng chiến đã hy sinh, trong đó trên 100 nhà giáo đi B (từ miền Bắc XHCN chi viện cho chiến trường miền Nam). Nhà giáo Phạm Thanh Liêm – Phó trưởng ban liên lạc truyền thống – Tiểu ban GD miền Nam cho biết: Từ tháng 5/1961 đến tháng 12/1974 đã có 31 đoàn cán bộ quản lý (CBQL) GD và giáo viên (GV) vào chiến trường miền Nam công tác với số lượng 2.752 người, trong đó có 14 đoàn vào Nam bộ.
Tất cả các CBQLGD & GV nói trên, được tập hợp lại dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tiểu ban GD “R” (thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam). Mới đó, Tiểu ban GD “R” tròn tuổi 50 (thành lập tháng 10/1962 tại căn cứ Mã Đà – nay thuộc huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai). Không chỉ làm nhiệm vụ phân công công tác vừa dạy học vừa chiến đấu cho các nhà giáo (kể cả lực lượng GV tại chỗ và GV chi viện từ miền Bắc vào Nam), Tiểu ban GD “R” còn bắt tay ngay vào việc xây dựng 2 bộ chương trình sách giáo khoa cấp 1 và cấp 2. Trong hoàn cảnh ẩn náu trong rừng thiếu thốn trăm bề, chương trình mà sách giáo khoa này ra đời được coi là một kỳ tích của nền GD cách mạng miền Nam. Năm 1968, chương trình này được thay thế bởi chương trình phổ thông tạm thời, tiếp đó là 2 đợt điều chỉnh bổ sung vào tháng 8/1971 và tháng 8/1972. Cuối cùng là chương trình và sách giáo khoa mới được Tiểu ban GD “R” biên soạn, phát hành vào cuối năm 1974. Nội dung chủ đạo của các bộ chương trình giáo khoa nói trên, gắn chặt với quá trình cuộc kháng chiến theo tinh thần: “Tất cả để chiến thắng!”:
“Đồng cam cộng khổ được nhân dân mến yêu
Vững chí bền gan, đưa giáo dục theo đường cách mạng”
“Hai vai kiếm bút, giáo viên cùng bộ đội xông pha
Một dạ sắt son, trường học với dân thôn gắn bó!”.
(Trích: Văn bia của GS Vũ Khiêu tại Nghĩa trang Liệt sĩ – Nhà giáo Tân Biên – Tây Ninh).
Một trong những nhà giáo – chiến sĩ nổi tiếng nhất của lực lượng GV kháng chiến B2 (chiến trường Nam Bộ) là Anh hùng liệt sĩ – Nhà thơ Lê Anh Xuân – tác giả bài thơ bất hủ “Dáng đứng Việt Nam”. Anh đã ngã xuống trên tay vẫn nắm chặt khẩu súng, trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1968 ở cửa ngõ Tây – Nam Sài Gòn.
Cùng hy sinh oanh liệt vào thời điểm hào hùng này là nhà giáo Lê Thị Bạch Cát – chiến sĩ biệt động TP Sài Gòn. Chị nguyên là GV Thể dục của Trường ĐH Sư phạm Vinh, xung phong vào chiến trường Nam Bộ và được bổ sung vào lực lượng biệt động Sài Gòn. Nhà giáo Bạch Cát đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Cựu nhà giáo đi B Cao Thị Ninh nhớ lại: Ngày 5/11/1966, đoàn GV đi B chúng tôi khởi hành từ Hà Nội vào Nam. Gần 4 tháng cuốc bộ vượt Trường Sơn, cuối tháng 4/1966, chúng tôi vào đến Tiểu ban GD “R” thuộc huyện Tân Biên – Tây Ninh giáp biên giới Cămpuchia… Ai cũng náo nức chờ nhận nhiệm vụ mới. Căn cứ nhu cầu công tác, chúng tôi sẽ nhận nhiệm vụ ở các ban của Trung ương Cục, hoặc về Khu 6 (cực Nam Trung bộ), hay đi Khu 9 (Tây Nam bộ), hoặc vô Khu 4 (Sài Gòn). Ngày 01/5/1966, khu vực chúng tôi đóng quân bị bom napal của Mỹ hủy diệt. Nhà giáo 30 tuổi là Nguyễn Đức Châu bị bỏng do bom napal quá nặng, anh trăng trối: “Hãy giấu vợ con tôi, chưa nên báo tin cho vợ con tôi biết” rồi vĩnh biệt. Tiểu ban GD “R” đã làm tấm bia mộ bằng xi măng cho anh Châu. Rồi đồng đội đi qua cũng đắp thêm đất lên mộ cho anh… Đến nay, 46 năm, thời gian vô cùng tàn khốc đã xóa nhòa tất cả, không ai có thể tìm được dấu vết mộ anh…
Cùng chứng kiến cái chết của nhà giáo Nguyễn Đức Châu, nhà giáo Lê Tấn Cương cho biết: Sau trận bom napal này, chú Hai Trinh – thay mặt Ban Tuyên huấn “R” phân công công tác cho đoàn GV chúng tôi. Tôi đề nghị cho tôi vào bộ đội. Chú Hai Trinh chấp nhận và báo cho ban lãnh đạo Tiểu ban GD “R” là: chú Tư Dụng, chú Ba Cát, chú Năm Diêu, ông Mười Chí biết. Tôi được đưa về Cục chính trị Miền đang cần GV. Tôi về làm GV ở Sư đoàn 9 do tướng Hoàng Cầm làm Sư trưởng, cùng với một số GV khác, chúng tôi đã lo đủ 4 ba lô sách giáo khoa đủ các trình độ, từ xóa mù chữ đến sách cấp 2, cấp 3 và cả sách tham khảo ĐH. Phương châm của chúng tôi là: học mọi lúc, mọi nơi, người biết chữ dạy người chưa biết chữ. Sau 3 tháng, chiến dịch xóa mù chữ của Sư đoàn 9 hoàn thành, chuẩn bị mở trường bổ túc văn hóa của Sư đoàn 9…
“...Đạo làm thầy mãi mãi nêu cao...”
Cố nhà giáo lão thành Dương Văn Diêu (Năm Diêu) – nguyên Trưởng Tiểu ban GD “R”, đã đóng góp cho sự nghiệp chống Mỹ một người con gái “sống và chết đẹp như nàng Tiên – Dũng sĩ”. Đó là cô giáo Dương Lệ Chi – Cô đã lấy thân mình che cửa hầm chắn pháo của địch, bảo vệ hơn 20 em học sinh lớp 3 – Trường Nguyễn Văn Trỗi ở căn cứ “R”, trong trận càn khốc liệt giữa năm 1970 của Mỹ ngụy. Cô ra đi ở tuổi 20 đẹp nhất, khi chưa kịp có mái ấm gia đình riêng.
Đặc biệt, có một cán bộ Tiểu ban GD “R” từng là phóng viên Báo Người Giáo viên Nhân dân (nay là Báo Giáo dục & Thời đại) cũng đã đóng góp máu xương cho kháng chiến. Đó là anh Nguyễn Hữu Nghiệp quê ở Vĩnh Long, tham gia quân báo từ khi 10 tuổi. Anh đã ám sát một tên quan hai Pháp. Bị giặc bắt kết án tử hình, đày ra Côn Đảo chờ hành quyết. Năm 1954, anh được thả và được tập kết ra Bắc công tác ở Báo Người Giáo viên Nhân dân (vợ con anh ở trong Nam lúc này vẫn chưa biết tin). Đến năm 1973, nhà báo Nguyễn Hữu Nghiệp vô Nam công tác ở Tiểu ban GD “R”. Sau giải phóng, nhà giáo Nguyễn Hữu Nghiệp làm GĐ Sở GD & ĐT Cần Thơ. Ông mất năm 2001….
Trong suốt 14 năm hoạt động, Tiểu ban GD “R” đã tham mưu tốt để Trung ương Cục miền Nam soạn dự thảo “Đường lối giáo dục miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Kế đó, Tiểu ban GD “R” cho mở các trường đào tạo CBQLGD cho Miền là trường Phổ thông Lao động “R” (tháng 8/1972). Đã có một số cán bộ lãnh đạo Tiểu ban GD “R” hy sinh trên đường công tác như đồng chí Sáu Thành (Trần Đạo) hy sinh tại Củ Chi ; đồng chí Hai Trọng ngã xuống ở Biên Hòa. Tiểu ban GD “R” cũng trực tiếp tổ chức thành công 3 kỳ Đại hội GD toàn miền Nam (tháng 4/1964, tháng 3/1971 và tháng 1/1975). Đặc biệt ngày 19/5/1964, Đại hội đại biểu các Nhà giáo yêu nước đã thành lập Hội Nhà giáo yêu nước Việt Nam (chủ trì tổ chức là Tiểu ban GD “R” dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam). Ban Chấp hành Trung ương Hội Nhà giáo yêu nước Việt Nam do Giáo sư Lê Văn Huấn làm Hội trưởng; ông Lê Thiết làm Tổng thư ký; ông Dương Văn Diêu và ông Phan Thanh Nam làm Ủy viên thường vụ. Tháng 6/1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, Bộ Giáo dục & Thanh niên ra đời. Từ đây, Tiểu ban GD “R” đảm nhận hai vai trò: là cơ quan của Đảng tham mưu cho Trung ương Cục; là cơ quan quản lý Nhà nước về GD ở miền Nam. Do đó, trên thực tế hoạt động, Tiểu ban GD “R” và Bộ GD & TN là một.
Nhiều nhà giáo của Tiểu ban GD “R”, sau giải phóng 1975 vẫn giữ vững được cốt cách trong sáng, giàu đức hy sinh và được cử giữ nhiều trọng trách quan trọng của sự nghiệp GD & ĐT trên cả nước.
Đinh Lê Yên