Tự “đánh” đầu - thói quen xấu của bé

GD&TĐ - Bé có thể sẽ tự đập vào đầu, đặc biệt ở giai đoạn 18 đến 24 tháng tuổi. Các bậc cha mẹ lo rằng thói quen này có thể làm con bị thương. Tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa sẽ giúp bạn vô hiệu hóa “trò chơi nguy hiểm” của bé.

Tự “đánh” đầu - thói quen xấu của bé

Cần phải nói thêm rằng thói quen này dù khá phổ biến (gặp ở 20% các bé, bé trai tự đập đầu nhiều gấp 3 lần bé gái) song không đáng lo ngại. Bé sẽ còn tiếp tục tự đập đầu trong vài tháng, thậm chí hàng năm, nhưng hầu hết sẽ tự bỏ khi đã ngoài 3 tuổi.

Nguyên nhân có thể

Vì bé thấy... thoải mái

Nghe có vẻ phi lý, song quả thực hầu hết các bé coi đây là hành động thư giãn. Bé có thể đập đầu theo nhịp hẳn hoi khi cơn buồn ngủ đến, khi tỉnh giấc nữa đêm thậm chí ngay khi đang ngủ. Các chuyên gia về sự phát triển tin rằng những chuyển động theo nhịp, như nằm trên ghế đu đưa, có thể giúp bé tự vỗ về.

Giảm đau

Cũng có khi bé tự đập đầu chỉ vì bé đau răng hay đau, viêm tai. Đánh đầu kiến bé dễ chịu hơn, có thể vì nó giúp “đánh lạc hướng” bé khỏi cơn đau ở tai, ở răng đang thật là khó chịu.

Vì bé đang thất vọng

Nếu bé của bạn đập đầu trong cơn cáu giận, hẳn là bé đang cố gắng giải tỏa vài cảm xúc mạnh. Bé chưa biết cách diễn tả cảm xúc qua ngôn từ, vì thế bé phải đánh đầu thôi. Một lần nữa, tự đánh vào đầu cũng mang lại cho bé cảm giác dễ chịu hơn trong khi bị “xì trét”.

 Gây sự chú ý

 Hẳn là bé của bạn rất tình cảm và muốn được quan tâm nhiều hơn nữa. Cha mẹ thường chú ý đến bé khi bé tự đánh mình vì lo rằng bé bị thương. Bé của bạn hiểu rõ điều đó và... tự đập đầu vào cũi, vào tường nhiều hơn vì như thế sẽ được bố mẹ để mắt tới.

Bé có vấn đề về phát triển

Đây cũng có thể là một dấu hiệu của rối loạn tâm thần nếu nó đi kèm một loạt các biểu hiện đáng lo khác. Song chỉ duy một hành động bé tự đánh vào đầu không nói lên nguy cơ nào trầm trọng cả.

Điều bố mẹ nên làm

Quan tâm đến con

... nhưng không phải lúc bé giở trò “gây sự chú ý” bằng cách tự hành hạ mình. Hãy chắc chắn rằng con được nhận đầy đủ sự quan tâm, chăm sóc của bạn những lúc bình thường. Khi bé tự đập đầu, bạn đừng lu loa coi đó là điều gì quá nghiêm trọng kẻo lại cổ vũ cho bé đấy. Cũng đừng phạt bé vì điều đó, bé còn quá nhỏ và không hiểu được đâu.

Ngăn cho bé khỏi bị thương

Không bao giờ được để bu-lông ốc vít quanh bé, hãy kiểm tra thường xuyên các chỗ vít trên xe, trên cũi của bé, phòng khi bé đập đầu vào đó. Cũng không nên kê gối bông hay chăn quanh chỗ bé cho “êm” vì chưa biết chừng, chúng lại tạo thành môi trường gây ngạt.

Đừng lo lắng

Vì bé sẽ không đập đầu mình mạnh đến nỗi bị đau đâu. Bé rất ý thức “ngưỡng chịu đau” của mình và sẽ “nhẹ tay” hơn nếu cú đập làm bé đau đớn, khó chịu.

Nuôi dưỡng “niềm đam mê nhịp phách” của bé

Hãy tìm cách khác cho bé đánh nhịp thay vì tự làm đau đầu, ví dụ bạn dạy bé nhảy, chơi trống, hoặc vỗ tay theo tiếng nhạc. Nên cho bé “tập thể dục” nhiều hơn qua nhiều hoạt động tay chân để tiêu bớt thứ năng lượng bình thường bé dùng cho công việc “đánh” đầu.

Gặp bác sĩ nếu đó là vấn đề rối loạn

Khi bé có dấu hiệu đánh vào đầu rất nhiều lần trong ngày và vẫn tiếp tục dù điều đó khiến bé đau, bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ. Trường hợp này xảy ra không nhiều, song vẫn có thể nó liên quan đến rối loạn tâm thần hay các rối loạn khác trong quá trình phát triển.

Một số biểu hiện khác khiến “thói quen” của bé trở nên đáng lo: Bé không thích chơi với bố mẹ, bé mất khả năng về ngôn ngữ, thể chất hoặc thiếu các kỹ năng cần thiết so với tuổi, bé không đạt các mốc phát triển thông thường.

Theo Dantri.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ