Bé Nguyễn T.D. (5 tuổi, Sông Mã, Sơn La) có biểu hiện ho sốt cách đây 4 tháng, được đưa tới BV huyện khám với chẩn đoán viêm tiểu phế quản.
Tuy nhiên khi đang điều trị dở, người nhà lại tự ý đưa trẻ tới phòng khám tư khám lại, được nhân viên tại đây tiêm 2 mũi corticoid/ngày trong 4 ngày liên tiếp.
Sau tiêm, trẻ đỡ ho nhanh nhưng sau khoảng 1 tháng, bé D. bắt đầu có dấu hiệu nặng mặt, ăn khỏe hơn bình thường, 4 bát cơm/bữa, tăng 3-4kg, tóc mọc thấp, xuất hiện nhiều ria mép.
BS Đỗ Gia Nam, Phó trưởng khoa Nội tiết Người lớn, BV Nội Tiết TƯ cho biết, trường hợp bé D. là ca bệnh điển hình bị suy tuyến thượng thận nặng do lạm dụng corticoid.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số cortisol huyết thanh của trẻ giảm dưới 27,6, trong khi ngưỡng bình thường ở mức 69-610, tuyến thượng thận không hoạt động.
Ngay lập tức trẻ được kích thích trục tuyến yên - thượng thận bằng hormone. Sau tiêm 3 mũi, chức năng tuyến thượng thận đã hồi phục và sau 1 tuần, ổn định hoàn toàn.
Theo BS Nam, nhóm thuốc corticoid nếu được dùng đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian có thể góp phần cứu sống người bệnh với rất nhiều loại bệnh lý nguy hiểm như cơn hen phế quản ác tính, sốc phản vệ, lupus ban đỏ hệ thống, thấp tim, suy tuyến thượng thận...
Tuy nhiên, nếu dùng với liều lượng cao, kéo dài nhưng không có biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra rất nhiều các tai biến nguy hiểm cho người bệnh như: Suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội..
“Đặc biệt, nếu lạm dụng corticoid ở trẻ em sẽ làm chậm quá trình phát triển trí tuệ và tinh thần của trẻ”, BS Nam nhấn mạnh.