Từ chối nhận hỗ trợ

Từ chối nhận hỗ trợ

Thông tin hàng nghìn người dân Thanh Hóa không nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho những người khó khăn do dịch Covid-19 để nhường cho người khó khăn hơn, một mặt khiến chúng ta cảm động vì tinh thần nhường cơm sẻ áo, một mặt vẫn để lại đôi chút băn khoăn.

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng mà Chính phủ đưa ra đã xác định có khoảng 20 triệu người thuộc diện được nhận hỗ trợ, tức là ít nhất 1/5 dân số bị ảnh hưởng sâu sắc bởi dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, gói hỗ trợ thể hiện chủ trương hết sức nhân văn, là bằng chứng rõ ràng cho tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Chính phủ.

Các tỉnh, thành đang gấp rút triển khai gói hỗ trợ, làm sao để tiền đến tay người dân càng sớm càng tốt. Người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ... được nhận trước và thực tế ở nhiều tỉnh, thành họ đã nhận được hỗ trợ. Lao động tự do do việc thống kê rà soát khó khăn nên nhận sau. Hiểu rõ tinh thần và quan điểm của Chính phủ nên người dân rất phấn khởi.

Có một thông tin đáng chú ý, ở Thanh Hóa, đến thời điểm này, có khoảng 4.000 người dân ký đơn xin tự nguyện không nhận hỗ trợ của Nhà nước. Người dân cho biết, họ muốn trả lại tiền hỗ trợ để giảm gánh nặng cho Chính phủ trong công cuộc phòng chống đại dịch, nhường cho những người, những hộ gia đình khó khăn hơn.

Trong số những người ký đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ, có những gia đình thuộc hộ cận nghèo. Song họ tự thấy mình vẫn khắc phục được, hoàn cảnh không quá khó khăn, chỉ là gia đình có người thường xuyên đau ốm nên được xét vào hộ cận nghèo. Hành động và suy nghĩ của họ thực sự cao đẹp, là những nghĩa cử đáng trân trọng, lan tỏa thông điệp về sự sẻ chia.

Chỉ có điều khiến người ta băn khoăn, có những nơi trên địa bàn tỉnh, việc từ chối hỗ trợ được điền vào những lá đơn in sẵn, giống nhau y xì đúc. Dư luận lại phải băn khoăn liệu có vì bệnh thành tích mà chính quyền địa phương vận động dân từ chối hỗ trợ?

Nhà chức trách địa phương giải thích rằng, đơn in sẵn là vì nhiều nơi người dân trình độ hạn chế, khả năng viết còn kém nên đề nghị xã thảo mẫu đơn chung, họ chỉ điền thông tin cá nhân và ký.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải ra công văn khẩn, trong đó thừa nhận, tổng đài 111 hỗ trợ thông tin cho người dân gặp khó khăn do Covid-19 đã phản ánh một vài nơi trên địa bàn tỉnh, dân được vận động không nhận kinh phí hỗ trợ, và yêu cầu xử lý nghiêm nếu có.

Dù địa phương có giải thích thế nào thì việc này cũng để lại một vết gợn trong suy nghĩ của nhiều người. Những nơi ở Thanh Hóa mà người dân không nhận hỗ trợ đều là địa phương nghèo, người dân còn rất nhiều khó khăn vất vả, sự vận động như vậy nếu thực sự xảy ra là tước đi quyền được hỗ trợ của người dân, làm sai lệch tinh thần nhân văn của gói hỗ trợ mà Chính phủ đề ra.

Khoản hỗ trợ không lớn với mỗi người dân, mỗi hộ nhưng nó giúp họ phần nào trong lúc cơ hàn. Và quan trọng hơn, đó là sự quan tâm, chăm sóc của Chính phủ với người dân của mình, chính điều đó mới là sự huy động lòng dân một cách đầy đủ, thực chất, toàn diện, là một phần trong cuộc chiến chống đại dịch mà chúng ta không thể thành công nếu không có sự ủng hộ của người dân.

Nếu chỉ vì bệnh thành tích, một sự vận động như vậy không chỉ làm mất ý nghĩa việc nhường cơm sẻ áo của người dân, mà còn khiến người dân “bằng mặt không bằng lòng”, có thể nảy sinh những nghi ngờ, mất lòng tin với chính quyền địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ