Từ chối cơ hội ở trời Âu để cống hiến cho khoa học nước nhà

GD&TĐ - GS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Viện trưởng Viện ITIMS - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - là người trẻ nhất được phong hàm GS năm 2015. Thầy là một trong những tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt khó vươn lên đáng khâm phục. Trong Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến toàn quốc 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Văn Hiếu là một trong những cá nhân được tuyên dương.

GS.TS Nguyễn Văn Hiếu (bên phải) nhận Giấy khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, do ông Nguyễn Văn Vui - Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng trao tặng
GS.TS Nguyễn Văn Hiếu (bên phải) nhận Giấy khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, do ông Nguyễn Văn Vui - Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng trao tặng

Khi nghiên cứu khoa học là ưu tiên hàng đầu

GS Nguyễn Văn Hiếu sinh ra và lớn lên ở Huế, từng là SV Trường ĐH Tổng hợp Huế, học thạc sỹ tại Khoa học Vật liệu - Trung tâm Quốc tế Đào tạo về Khoa học Vật liệu (Bộ GD&ĐT), rồi làm nghiên cứu sinh tại Khoa Kỹ thuật Điện tử, Trường ĐH Twente (Hà Lan).

Thời gian nghiên cứu, làm việc tại nước ngoài, thầy Hiếu từng phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều chuyện về nước hay ở lại. Vợ con thầy cũng muốn cả gia đình ở lại Hà Lan, bởi công việc ổn định và cuộc sống thuận lợi. Thế nhưng, khi nghe được lời khuyên của những người thầy, GS.TS Hiếu lại quyết tâm trở về, với mục đích góp phần vào công cuộc nghiên cứu và đào tạo ở Việt Nam: “Lúc ấy, bản thân tôi nghĩ chỉ có mình tôi thì làm sao giúp đất nước phát triển được, thế nhưng nếu có nhiều người cũng có chí hướng chắc chắn sẽ thành công. Tôi đã quyết định về Việt Nam dù vợ con không muốn”.

Nghiên cứu về lĩnh vực khoa học vật liệu điện tử, GS.TS Hiếu từng có một khởi đầu khó khăn. Thời kỳ ở Hà Lan ông chủ yếu làm các đề tài cũ nên số lượng bài báo công bố quốc tế ít (ba bài báo). Sau khi về nước, ba năm đầu gần như không có bài báo nào. Đồng lương không đủ sống, ông vừa phải làm công tác nghiên cứu, vừa làm thêm công ty ở bên ngoài: “Thực ra, trong thời gian ở nước ngoài, tôi cũng tích lũy được một ít tiền, đủ để “trụ” được vài ba năm. Nhưng về mặt khoa học, khá khó khăn như năm đầu nghiên cứu ở Việt Nam rất khó trong việc xin các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp với kinh phí đủ lớn để triển khai các vấn đề nghiên cứu mới của các tiến sĩ trẻ mới về nước như tôi. Đang lúc nản lòng thì năm 2009, Quỹ Khoa học Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) ra đời. Tôi được làm chủ nhiệm một đề tài, với mức thù lao khoảng 17 triệu đồng/tháng. Cộng thêm với lương nhà trường trả nữa, tôi đã có thể nghỉ làm công ty mà vẫn nuôi được gia đình, để chuyên tâm làm khoa học”.

Lúc bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học ở trong nước, thầy Hiếu cũng gặp không ít khó khăn, thầy đã phải sang Hàn Quốc để học tập kinh nghiệm trong suốt 6 tháng liền. Tự tay xây phòng thí nghiệm khi chỉ có hai bàn tay trắng, thầy Hiếu đã vươn lên vượt qua mọi khó khăn thử thách để có được như ngày hôm nay. Tuy nhiên, điều ông thấy may mắn nhất là trong đời mình được gặp những người thầy đã tận tâm với nghề, giúp đỡ ông trưởng thành hơn trong khoa học và truyền cảm hứng nghiên cứu cho ông.

Thành công không chờ vận may

Từ khi về nước đến nay, GS Hiếu và công sự đã công bố gần 100 bài báo trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, số lượng bài báo công bố góp phần nâng cao uy tín của Viện ITIMS cũng như của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; đã chủ nhiệm 4 đề tài NCKH: 1 đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình nghiên cứu định hướng cơ bản định hướng ứng dụng được xếp loại tốt, 3 đề tài nghiên cứu cơ bản NAFOSTED đã được nghiệm thu và đánh giá xuất sắc được đề nghị khen thưởng.

Trên cơ sở các đề tài nghiên cứu cơ bản, ông và nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu phát triển một số loại cảm biến nano cho quan trắc môi trường khí, trong tương lai sẽ phát triển các loại cảm biến khí trong phân tích hơi thở để chuẩn đoán sớm một số bệnh ung thư qua hơi thở. Đây là nghiên cứu rất tiềm năng, nhằm đưa ra các thiết bị chuẩn đoán sớm bệnh ung thư khá đơn giản và hiệu quả. Đây là công nghệ nguồn quan trọng cần được quan tâm nghiên cứu và phát triển ở các nước đang phát triển như Việt Nam nhằm bắt kịp trình độ khoa học công nghệ của thế giới đang phát triển rất nhanh. Năm 2010, ông nhận được giải thưởng Nhà khoa học trẻ có kết quả NCKH xuất sắc năm 2010 của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia.

Luôn cho rằng “muốn thành công cần nỗ lực chứ không phải chờ đợi vận may”, thầy Hiếu là tấm gương của rất nhiều thế hệ học trò của Viện ITIMS, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện, thầy và nhóm đang đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng cảm biến trong phân tích hơi thở để chuẩn đoán bệnh ung thư, thầy Hiếu nhận định: Đây là hướng nghiên cứu rất hay và tiềm năng ứng dụng rất lớn, hiện tại nhóm nghiên cứu mới chỉ có các nghiên cứu cơ bản ban đầu làm nền tảng quan trọng cho hướng nghiên cứu này trong tương lai.

Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, GS.TS Hiếu nhớ nhất là được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016, cho công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong ngành Vật lý. Đây là sự vinh danh của cộng đồng khoa học trong cả nước cho thành tích NCKH trong gần 15 năm của cá nhân thầy và nhóm nghiên cứu. Thầy Hiếu nói: “Cả đời tôi, niềm đam mê lớn nhất là nghiên cứu khoa học và phòng thí nghiệm”.

GS.TS Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1972, là GS trẻ nhất được phong hàm năm 2015. Ông đã xây dựng nhóm nghiên cứu về cảm biến khí tại Viện ITIMS, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ông đã hướng dẫn và đồng hướng dẫn thành công 5 luận án tiến sĩ, nhiều luận văn thạc sĩ, hiện đang hướng dẫn 4 NCS làm luận án tiến sĩ; Năm 2016, GS.TS Hiếu được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu về thành tích nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, GS.TS Hiếu đã có một gia tài nghiên cứu lớn, là tác giả và đồng tác giả của gần 100 bài báo trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ