Từ chiến trường Thành cổ đến giảng đường đại học Hiroshima

Từ chiến trường Thành cổ đến giảng đường đại học Hiroshima

(GD&TĐ) - Hơn 40 năm đã trôi qua (1972-2013) những kỷ niệm chiến trường xưa đối với tôi như một cuốn phim quay chậm về những năm tháng hào hùng của đất nước. Thế hệ sinh viên trẻ của Trường Đại học Xây dựng chúng tôi đã nhập ngũ lên đường ra tiền tuyến với khí thế sôi nổi của tuổi thanh xuân đầy nhựa sống và những hoài bão tốt đẹp. May mắn được trở về tiếp tục học tập sau cuộc chiến khốc liệt, tôi muốn viết lại để nhớ đến một thời máu lửa…

Gác bút nghiên, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước 

Chúng tôi nhập Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trong không khí cả nước hướng ra tiền tuyến với những ước mơ hy vọng của thời sinh viên trai trẻ trên giảng đường đại học ở những gian nhà lá khu C - nơi sơ tán của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội

Bước sang mùa hè 1972, cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc bước sang một giai đoạn quyết liệt. Hậu phương miền Bắc được lệnh tổng động viên để tiếp sức cho chiến trường Miền Nam khói lửa. Cùng với nhiều giảng viên và sinh viên của các trường Đại học khác, hàng trăm thầy giáo và sinh viên của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chúng tôi được lệnh nhập ngũ (5/1972). Tạm gác ước mơ giảng đường đại học, chúng tôi lên đường với khí thế sôi nổi của những người sinh viên trẻ. Trên đường đi ô tô từ Khu C đến địa điểm giao quân, anh em sinh viên chúng tôi đã cùng nhau hát vang bài ca ra trận “Mẹ Việt Nam ơi có nghe chăng, giờ này đàn con đã lên đường….”

Chiến đấu ở vùng đất lửa

Sau một thời gian ngắn tập trung huấn luyện cơ bản ở Sư đoàn 304B (Phú Bình, Thái Nguyên), tháng 7/1972 đơn vị tân binh chúng tôi được lệnh lên đường đi B chiến đấu. Biết tin đơn vị tôi hành quân qua nhà ở Hà Nội, cả nhà tôi đã ra trước cửa nhà ở cạnh gốc cây sữa ngóng nhìn đoàn quân xa băng băng qua. Từ trên thùng xe, tôi chỉ kịp nhìn thoáng qua và giơ tay vẫy vẫy…

Từ chiến trường Thành cổ đến giảng đường đại học Hiroshima ảnh 1
PGS.TS Trần Khánh Đức và đồng nghiệp tại ĐH Hiroshima (Nhật Bản)

 Sau những ngày hành quân cấp tốc qua nhiều trọng điểm máy bay địch bắn phá ác liệt như: Ngã ba Đồng Lộc, Bến Phà Long Đại, Bãi Hà... rồi vượt sông Bến Hải, qua suối La La… đơn vị chúng tôi được bổ sung vào biên chế của Trung đoàn 101 – Sư đoàn 325 Anh hùng của Chiến trường Trị - Thiên khói lửa. Từ miền Tây Quảng Trị, chúng tôi được lệnh hành quân cấp tốc giữa  ban ngày trên đường 9 mặc cho các máy bay trinh sát VO 10  của địch bay lượn trên đầu. Đến Đông Hà rồi qua Ái Tử, đơn vị chúng tôi được lệnh vượt sông Thạch Hãn sang phòng tuyến chốt giữ Thành cổ Quảng Trị trong một buổi chiều muộn dưới làn phi pháo của địch.  Có lẽ nhờ có truyền thống anh hùng của cha ông và ý thức được trách nhiệm của mình mà những người lính-sinh viên trẻ chúng tôi đã có đủ cam đảm và dũng khí để hàng ngày quần nhau với biệt động quân của địch ở khu vực Chợ Sãi - nơi ta và địch cách nhau chỉ vài mét và giành giật từng căn nhà, mảng tường đổ…. Hàng ngày trên hầm chốt, chúng tôi chỉ ăn lương khô và uống nước lã được múc từ sông Thạnh Hãn lên. Thỉnh thoảng, cũng có một vài gói cơm nắm khô được chuyển lên chốt- những nắm cơm đã thấm mồ hôi và máu xương của đồng đội chúng tôi trong quá trình vận chuyển.

Tuy gian khổ và cái chết kề bên song tất cả anh em đơn vị chúng tôi không một giây nao núng, mất tinh thần… Thật hạnh phúc cho những người lính trẻ chúng tôi khi nhận được kẹo của Bác Tôn Đức Thắng gửi cho các chiến sĩ Quảng Trị nhân Quốc khánh 2/9/1972 do đồng đội chuyển lên chốt. Thi thoảng, khi đã im tiếng súng, nhìn khoảng trời xanh qua ô cửa nhỏ của hầm chốt, tôi thầm mong ước về một ngày đất nước hòa bình…

Cũng chính trong thời gian này, những đồng đội của tôi đã lần lượt hy sinh (bạn Cường/ bạn Dũng/ bạn Niên….) mà thân xác chỉ được vùi tạm trong lòng đất Triệu Phong (Quảng Trị)…

Tôi nhớ mãi một kỷ niệm chiến trường khi được nghe tiếng đàn bầu của đồng đội cất lên trong một đêm thanh vắng Quảng Trị. Âm điệu quê hương rạo rực trong lòng những người con ra trận sống mái với kẻ thù. Những âm thanh huyền diệu đó lại cất lên từ chiếc đàn bầu tự chế từ một nửa ống tre khô cùng một ống bơ sữa bò và dây thép lấy từ chiếc dù thả pháo sáng của địch rơi cạnh miệng hầm.

…Đêm 27/1/1973, đơn vị chúng tôi được lệnh phối hợp với các đơn vị bạn sang bờ Nam Cửa Việt đánh thủy quân lục chiến ngụy lấn chiếm và cắm cờ  giữ đất trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào sáng 28/1. Khi được lệnh chuẩn bị chiến đấu, trong chúng tôi thoáng chút tâm tư vì mọi người đã biết tin Hiệp định Paris đã được ký kết. Chỉ còn vài tiếng nữa thôi là ngừng bắn, là hòa bình, là có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình…

Song, gạt đi những tâm trạng thoáng qua đó, đơn vị chúng tôi 100% quân số lại vượt sông vào vị trí tập kết ở bờ Nam Cửa Việt và luồn sâu vào khu vực có các dải cát mà quân ngụy vừa tái chiếm. Một ánh chớp lóe lên, tôi đã bị thương vào đầu và chân do cối cá nhân (M79) của địch, sau đó được anh em băng bó và dìu về tuyến sau.

Nhóm thương binh chúng tôi được các o du kích và tải thương chuyển ra Cửa Tùng rồi đến Vĩnh Thủy - Vĩnh Linh và ra Quân y viện 4. Trong thời gian điều trị vết thương ở Quân y viện 4 (Nam Đàn, Nghệ An) đầu Xuân năm 1973, một kỷ niệm đẹp về các bác sĩ Quân y đã làm tôi nhớ mãi. Để tránh cho tôi có vết sẹo lộ ở cằm, các bác sĩ Quân y viện 4 đã quyết định “mổ moi” để lấy mảnh đạn mà không để lại vết sẹo bên ngoài. Tôi xin cảm ơn các cán bộ, bác sĩ, nhân viên Quân y viện 4 và đặc biệt là một nữ bác sĩ quân y trẻ có tóc tết đuôi sam mà tôi không nhớ tên (khi đó khoảng 22-24 tuổi còn tôi lúc đó mới 19 tuổi) trong Đoàn thực tập của Học viện Quân y đã thể hiện tinh thần đồng đội, tính nhân văn cao cả đối với một người lính bình thường như tôi… Tôi mong gặp lại họ để tri ân những con người nhân hậu đó.

 Trở lại mái trường xưa

Như một sự trùng hợp, may mắn kỳ lạ khi chiếc xe ôtô chở thương binh chúng tôi từ Nghệ An ra Hà Nội lại đi lại trên đường Nam Bộ và qua Ga Hàng Cỏ - chỉ cách nhà tôi trên phố Trần Hưng Đạo mấy bước chân. Đến gần Cửa hàng Bách hóa Cửa Nam (ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thái Học bây giờ) khi ô tô dừng chờ đèn đỏ, tôi lại chợt nhìn thấy mẹ tôi đang đứng nói chuyện ở trước nhà số 30 đường Nam Bộ. Tôi cũng chỉ kịp gọi mẹ và vẫy tay ra hiệu rồi đó đoàn xe lại tiếp tục lăn bánh đưa chúng tôi về Đoàn an dưỡng 869. Tôi được ra quân theo chế độ chuyển ngành về Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tiếp tục theo học (4/1973) và đến cuối năm 1977 thì ra trường.

Sau một thời gian công tác ở Viện Khoa học dạy nghề thuộc Tổng cục Dạy nghề, tôi đã thi đỗ trong kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh và được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Sư phạm (1986-1990). Nước Nga Xô Viết đôn hậu đã cưu mang, đùm bọc, dạy dỗ và tạo mọi điều kiện cho chúng tôi học tập, nghiên cứu để vươn lên đỉnh cao của khoa học và trí tuệ.

 Nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở Đại học Hiroshima

Trong quá trình công tác, tôi may mắn có nhiều cơ hội đi nghiên cứu và học hỏi ở nhiều nước trên thế giới. Những cơ hội đó đã đem lại cho tôi nhiều tri thức, hiểu biết cả trong công tác chuyên môn và cuộc sống.

Cuối năm 2008, qua giới thiệu của Giáo sư Đặng Bá Lãm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục và qua kết quả của các hoạt động chuyên môn, tôi được Trường Đại học Hiroshima mời làm Giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu giáo dục quốc tế của trường.

PGS.TS Trần Khánh Đức hiện là giảng viên Viện Sư Phạm Kỹ thuật - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Giáo sư thỉnh giảng Đại học Hiroshima (Nhật Bản); Cựu Sinh viên - Chiến sĩ C2, D1; E 101. F 325 Mặt trận Quảng Trị 1972.

Vượt qua những thách thức về tiếng Anh, về kinh nghiệm làm việc ở một trường đại học lớn, tôi đã hoàn thành 4 chuyên đề nghiên cứu và tham gia giảng dạy cho khóa đào tạo cao học quốc tế về giáo dục. Đây cũng là khoảng thời gian quý báu để tôi có cơ hội tìm hiểu trực tiếp về văn hóa và con người xứ sở của Hoa Anh Đào, một đất nước đã vươn lên từ đống tro tàn sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và nay đã trở thành một cường quốc kinh tế của thế giới.

Rời Hiroshima và Tokyo khi mùa  hoa Anh đào rực nở, tôi lại thầm mơ về viễn cảnh tươi sáng của đất nước mẹ hiền sau nhiều năm chiến tranh khốc liệt, sau nhiều máu xương đã đổ của nhiều thế hệ - trong đó có chúng tôi…

PGS.TS Trần Khánh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ