(GD&TĐ) - Đến cửa hàng bán quần áo hàng thùng Subi Nguyễn gần hồ Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), khách hàng được vợ chồng anh Nguyễn Đức Trung tiếp đón niềm nở, nhiệt tình. Ít ai biết được, người đàn ông dân tộc Mường đang giúp vợ bán hàng lại có một quá khứ cắp sách đến trường vô cùng “oanh liệt”.
Bị thu… bằng tiểu học
Nguyễn Đức Trung |
Nhà tôi thuộc làng Xăm (hay Săm) thuộc huyện Cẩm Thủy, một huyện trung du miền núi của tỉnh Thanh Hóa, nơi có suối cá thần nổi tiếng cả nước. Họ tộc hai bên nhà tôi nổi tiếng bởi truyền thống hiếu học.
Nhớ lại kỷ niệm thời cắp sách tới trường của gần 30 năm về trước, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ về hình ảnh của trẻ em miền núi cắp sách tới trường. Thời đó, chúng tôi thiếu thốn, khổ sở trăm bề nhưng trẻ con vùng tôi vẫn ham học và đi học đều.
Những đứa con nít người nhỏ tý nhưng hàng ngày vẫn lê chân đất, dắt tay nhau cùng đi học bất kể nhà xa trường, thời tiết nắng mưa như thế nào. Tôi có may mắn là nhà gần trường học, khoảng cách tới trường chỉ chừng 1 cây số nhưng hàng ngày phải đi bộ đã thấy cực lắm. Tường vách của lớp học trường tôi vô cùng đơn sơ vì được làm từ những cây luồng, cây lứa đắp bùn đất lên.
Trong 5 năm học cấp 1, tôi được học với rất nhiều thầy cô giáo vì trường tôi giáo viên được luân phiên liên tục chứ không phải một cô theo một lớp suốt quá trình học. Với tôi, cô giáo nào cũng đáng quý, đáng mến vì các cô phải vượt qua nhiều khó khăn, chật vật của cuộc sống để đem đến cho chúng tôi con chữ. Hình ảnh của các cô giáo với chiếc xe đạp lọc cọc đạp xe hàng chục cây số tới trường vẫn in đậm trong trí nhớ của tôi.
Thời nhỏ đi học, vùng tôi có một bác phụ nữ chuyên phụ trách việc ghi thông tin cá nhân của học sinh để báo cáo lên phòng giáo dục cấp trên. Không hiểu họ ghi tên như thế nào mà lại thay tên đổi họ của tôi. Tôi tên là Nguyễn Đức Trung nhưng danh sách từ năm này qua năm khác họ lại ghi là Nguyễn Văn Trung. Đến ngày tôi nhận được bằng tốt nghiệp tiểu học mang về cho bố xem thì ông đã gạch chữ Văn, viết lại thành chữ Đức và gặp nhà trường để “kiện”.
Tấm bằng của tôi vì đã bị gạch xóa, thông tin sai nên bị thu lại, đồng thời theo luật là chỉ cấp bằng tốt nghiệp 1 lần duy nhất nên Phòng Giáo dục huyện chỉ cấp lại cho tôi tờ giấy Chứng nhận tốt nghiệp tiểu học.
Một thời vụng dại
Tôi tự nhận rằng, bản thân có đủ 3 chăm, đó là: chăm làm, chăm học và chăm chơi...
Gia đình tôi có 3 anh em, tôi lại là anh lớn trong nhà, nhà tôi rất nghèo, cuộc sống khó khăn, nếu tôi không đỡ đần cha mẹ thì cũng không có cách nào khác. Bố mẹ tôi cũng xoay xở đủ nghề nhưng vẫn không đủ sống cho tới khi ông bà mở quán bán hàng ăn sáng.
Thế là từ năm tôi vào lớp 6, cứ đều đặn 4 giờ sáng, tôi đã phải tỉnh giấc đã chuẩn bị nấu cám cho lợn trong khi bố mẹ bận làm hàng bán quán. Nhiều hôm nấu xong, tôi ngồi sốt ruột đợi cám nguội mới đem đổ cho lợn ăn, tất cả mọi việc làm sao phải nhanh chóng hoàn tất trước 6 rưỡi sáng để tôi kịp tới trường. Lắm khi vì vội, tôi sục cả cánh tay vào khuấy cám, vì rửa tay chưa sạch nên nhiều lần đến lớp rồi mới phát hiện gần bả vai vẫn còn đầy cám lợn dính vào.
Sang đến năm cấp 3 thì bố tôi bị tai nạn giao thông, sức khỏe của ông giảm sút nên mọi việc đồng áng nặng nhọc đều đổ dồn cho con trai trưởng là tôi. Từ tờ mờ sáng, tôi đã dắt trâu đi cày, bừa đến khi mặt trời ló rạng mới dắt trâu về chuẩn bị đến trường. Học hết buổi sáng thì buổi chiều tôi lên núi đập đá để đem về xây nhà, gia cố quán xá.
Dù làm nhiều việc nhà nhưng tôi vẫn tranh thủ những lúc chăn trâu, cắt cỏ để đọc sách. Tôi cũng là người đỗ đại học đầu tiên trong làng. Thời đi học tôi luôn được nhận nhiệm vụ làm cán bộ lớp, đứng ra tổ chức mọi hoạt động cho các bạn. Thành tích học tập của tôi được lưu giữ ở những tấm giấy khen. Bố tôi rất tự hào về điều này, ông đem ép và cất giữ cẩn thận chúng như một kỷ vật đặc biệt của gia đình.
Tuy nhiên, tôi cũng rất... chăm chơi. Tôi mải chơi bi-a đến nỗi đêm muộn mới về nhà. Tôi luôn cho rằng, mình nghịch, mình chơi nhưng luôn biết giữ mình trong vòng kiểm soát để không hư hỏng.
Tấm lòng ấm áp của người thầy
Người thầy mà tôi rất biết ơn đã giúp tôi có được dòng chảy học hành xuyên suốt như ngày nay chính là thầy thể dục Nguyễn Dũng. Thầy là giáo viên chủ nhiệm suốt thời THPT của tôi. Tôi và thầy có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc, sau này khi ra trường đi học xa tôi vẫn luôn giữ liên lạc với thầy.
Khoảng học kỳ 1 năm lớp 10, bố tôi bị va quệt xe máy và bị thương khá nặng. Sau khi nằm viện trở về, ông không thể làm việc được như trước, đồng thời tính nết cũng thay đổi hoàn toàn. Từ một người cha rất mực từ tốn ông trở nên khó tính, xét nét và nhiều lần gây áp lực cho tôi. Khi gần hết học kỳ 1, tôi đã quyết định bỏ học, thầy giáo lo lắng tìm kiếm tôi suốt.
Ngày đó tôi không dám kể chuyện nhà cho thầy biết, chỉ nói sơ qua rằng, vì bố tôi bị tai nạn, kinh tế gia đình khó khăn, giờ đang phải vay mượn tiền nong nhiều nên tôi không muốn tới trường tiếp. Thầy nghe xong đã vô cùng xúc động, bảo với tôi rằng: “Dù gia đình khó khăn như thế nào em cũng không được nghỉ học, nếu vì chuyện tiền đóng học thì thầy hoàn toàn có thể giúp em nhưng nhất định không được nghỉ học giữa chừng”.
Sau đó thầy còn tới tận nhà thăm nom gia đình tôi. Rồi một vài lần, tôi gây chuyện với mấy đứa bạn có máu anh hùng cùng trường, gặp rắc rối, cũng chính thầy đứng ra phân xử, khuyên can và giải quyết mọi sự vụ giúp tôi.
Sự biết ơn mà tôi dành cho thầy không phải xuất phát từ việc thầy giúp tôi chuyện nọ, chuyện kia mà bởi nhân cách cao cả của người thầy giáo khiến tôi nể phục.
Không ngại thử thách, dám khẳng định mình.
Năm đầu tiên thi đại học, tôi thi Đại học Sư phạm Thái Nguyên và Cao đẳng Phát thanh Truyền hình. Cuối cùng tôi quyết định học cao đẳng. Học xong cao đẳng, tôi lại thi tiếp vào khoa Văn hóa dân tộc thiểu số của Đại học Văn hóa. Mọi người vẫn luôn bảo tôi học mãi như vậy thì đến bao giờ mới thành tài ra trường tìm được công việc ổn định cho bố mẹ ở nhà yên lòng.
Để có thể theo đuổi nghiệp học hành, suốt những năm tháng sinh viên sống ở đất Hà thành, tôi đã bươn chải không biết bao ngành nghề để có thể có tiền sinh sống và hỗ trợ cùng bố mẹ nuôi các em. Năm 2006, tôi lại vào học tiếp Học viện Báo chí tuyên truyền, và cuối năm thứ 3 đại học, tôi bước chân vào ngành Du lịch, gắn bó với những cung đường Đông Bắc, Tây Bắc.
Ở bất kỳ ngành nghề nào, tôi luôn tâm niệm là mình phải học hành một cách nghiêm túc, phải hiểu biết sâu sắc và nắm chắc vấn đề chứ không chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”. Tôi tự hào vì bây giờ, dù làm trong lĩnh vực truyền thông hay du lịch, tôi cũng có thể làm tốt.
Tôi luôn ấp ủ nhiều ước mơ, dự định tốt đẹp muốn được thực hiện cho đồng bào dân tộc miền núi. Điều kiện công việc giúp tôi được đặt chân đến nhiều bản làng miền núi, hình ảnh điều kiện học tập thiếu thốn của học sinh vùng cao luôn khiến tôi day dứt.
Tôi hy vọng rằng, người dân tộc thiểu số ở khắp mọi miền đất nước sẽ có cuộc sống khấm khá hơn, việc học hành cho con trẻ được coi trọng để chính các em sẽ là người thay đổi bộ mặt cuộc sống của làng bản quê hương. |
PV