* Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đã khép lại với nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội. Vậy Tiến sỹ đánh giá như thế nào về Kỳ thi năm nay?
- Tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng: Theo tôi, để đánh giá Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có thành công hay không thì cần phải xem Kỳ thi đó có đạt được các mục tiêu đề ra hay không, và nếu đạt thì đã đạt được đến đâu?!
Qua theo dõi, tôi nhận thấy: Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lấy khâu đột phá là đổi mới cách đánh giá học sinh, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã đổi mới cách tổ chức thi hướng đến các mục tiêu như:
Thứ nhất là giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh; thứ hai là đỡ tốn kém cho gia đình và xã hội; thứ 3 là đỡ gây lo lắng cho xã hội; thứ tư là huy động cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc thể hiện sự chăm lo đến sự nghiệp giáo dục; thứ năm là giảm thiểu được những tiêu cực trong thi cử; cuối cùng là phân loại được học sinh và đánh giá đúng chất lượng giáo dục.
Đối chiếu với các tiêu chí nêu trên tôi thấy, về cơ bản Kỳ thi năm nay đã đạt được các mục tiêu đề ra. Tất nhiên chúng ta không thể khẳng định rằng, đây là một kỳ thi hoàn hảo, hay thành công tuyệt đối; bởi vẫn còn một số khuyết điểm như: Vẫn còn hiện tượng thí sinh mang điện thoại vào phòng thi; tình trạng thí sinh bỏ thi vẫn xảy ra; đâu đó một số giám thị còn lơ là, chủ quan...
Nhưng rõ ràng càng về sau thì tỉ lệ vi phạm Quy chế thi càng giảm và chúng ta cần ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt đó. Nhìn chung, dư luận rất ủng hộ và cá nhân tôi cho rằng, kỳ thi năm nay thành công vì đã đạt được những mục tiêu đề ra.
Một điều rất đáng ghi nhận đó là, Kỳ thi THPT Quốc gia luôn nhận được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự hỗ trợ của các lực lượng xã hội.
Đặc biệt, năm nay, kỳ thi đã giao cho các địa phương chủ trì, do đó cần huy động một lượng lớn giáo viên phổ thông và giảng viên các trường đại học làm công tác coi thi.
Các thầy, cô đã không quản ngại khó khăn, vất vả về từng điểm thi, mà ở đó có những điểm thi thuộc miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn để làm nhiệm vụ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh, để các em yên tâm “vượt vũ môn”.
Nói rộng ra, sự nỗ lực, cố gắng của từng cá nhân, tập thể và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn nhận việc khó về mình của các thầy, cô giáo nói riêng và ngành Giáo dục nói chung là rất đáng hoan nghênh.
Tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng: Kỳ thi năm nay thành công vì đã đạt được những mục tiêu đề ra |
* Vậy theo Tiến sỹ, đâu là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của kỳ thi năm nay?
- Tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng: Có rất nhiều yếu tố tạo nên thành công của một kỳ thi và chúng ta không nên so sánh yếu tố này hơn yếu tố kia và cái này quan trọng hơn cái kia, bởi mỗi một yếu tố đều là hạt nhân quan trọng, có chất liệu và vai trò riêng để tạo nên thành công của Kỳ thi.
Tuy nhiên, tôi khá ấn tượng với cách ra đề thi của Kỳ thi năm nay. Không riêng gì tôi, nhiều thầy, cô giáo nhận xét: Đề thi năm nay được in rõ nét, các câu hỏi tường minh và bám sát với chương trình sách giáo khoa. Ngoài ra, đề thi cũng có sự phân hóa rõ ràng.
Để đạt mức điểm 7 trở xuống thì không khó nhưng để đạt được 9 đến 10 điểm thì không dễ chút nào. Như vậy, đề thi năm nay đã đạt được mục tiêu là một đề thi phổ thông. Mà đã là phổ thông thì phải đại đa số thí sinh làm được bài ở mức trung bình. Còn những câu khó là thể hiện sự phân hóa trình độ, kiến thức, năng lực của học sinh.
Một điểm rất đáng ghi nhận nữa đó là: Đề thi năm nay có gắn với thực tiễn và yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, trong đó thể hiện rõ nét nhất là ở đề thi môn Ngữ văn.
Nét mới của Kỳ thi năm nay là thí sinh phải làm 2 bài thi tổ hợp gồm: Bài thi Khoa học Tự nhiên và bài thi Khoa học Xã hội. Mặc dù đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng 2 bài thi tổ hợp này trong một Kỳ thi THPT Quốc gia nhưng đến thời điểm này mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Thiết nghĩ đó là cũng là một thành công của Kỳ thi!
* Như tiến sỹ vừa phân tích, Kỳ thi năm nay cơ bản là thành công và có nhiều đổi mới. Vậy theo tiến sỹ, chúng ta có nên tiếp tục duy trì và áp dụng hình thức thi của năm nay cho những năm tiếp theo hay không?
- Tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng: Thực ra mỗi một lần thay đổi thì không chỉ phụ huynh, học sinh băn khoăn mà xã hội cũng quan ngại. Là người tham mưu và luôn đồng hành với Giáo dục tôi đề nghị: Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu kỹ để đảm bảo tính ổn định của Kỳ thi, ít nhất là trong vài năm. Ổn định từ cách thức tổ chức cho đến nội dung thi.
Khi nào có chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, thì chúng ta nên nghiên cứu cách thức tổ chức thi cử thật cẩn thận, nghiêm túc, bài bản và khoa học theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là: Đánh giá được phẩm chất, năng lực của học sinh.
Xin cảm ơn Tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng!