Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được tổ chức thành công; thể hiện trên các mặt chính:
Gọn nhẹ, thiết thực
Việc tổ chức một loại cụm thi ở mỗi tỉnh/thành phố do sở GD&ĐT địa phương chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp là một đổi mới căn bản về cách thức tổ chức thi và tuyển sinh theo hướng tích cực trong bối cảnh xã hội chưa thật sự tin tưởng sự khách quan, công bằng của các kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức tại địa phương trước đây.
Với chủ trương giảm tối đa áp lực thi cử, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh của Chính phủ cùng với quyết tâm đổi mới thi/tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, nhất là tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự phối kết hợp, chia sẻ của các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ, sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan truyền thông, công tác tổ chức thi theo cách thức mới này đã đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì cuộc họp báo |
Giảm tối đa áp lực thi cử
Các điểm thi trường/liên trường phổ thông đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, “đi thi như đi học” nên tạo được tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài đạt kết quả cao nhất; thời gian thi được rút ngắn giúp thí sinh đỡ vất vả và công tác tổ chức thi nhẹ nhàng hơn.
Bên cạnh đó, Kỳ thi hầu như không gây áp lực nào lên cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại ở các thành phố lớn. Do thí sinh không phải lên thành phố lớn nơi có các trường ĐH để dự thi như trước đây nên không tạo ra sự quá tải về đi lại, lưu trú. Trong những ngày thi mọi hoạt động ở các thành phố lớn diễn ra như bình thường, khác với cảnh giao thông ùn tắc, đi lại hối hả như trước đây…
Khách quan, công bằng
Việc đổi mới cách thức tổ chức và phương thức thi cùng với sự phối hợp nhịp nhàng hiệu quả giữa Sở GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ đã đảm bảo tính khách quan, trung thực của kỳ thi, tạo được niềm tin của xã hội về tính công bằng của kết quả thi để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng trong tuyển sinh.
Tác động tích cực trở lại cách dạy học
Việc thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội cao hơn bài thi Khoa học tự nhiên là tín hiệu cho thấy việc đổi mới phương thức thi từ thi theo môn sang thi theo bài, từ chủ yếu tự luận sang hầu hết trắc nghiệm đã tác động tích cực trở lại quá trình dạy học, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, dạy tủ, học tủ hay cắt xén chương trình; làm cho các môn khoa học xã hội trở nên gần gũi hơn đối với thí sinh, được thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi.
Tăng cường tự học
Việc đổi mới phương thức thi và nội dung câu hỏi thi đã giúp thí sinh tăng cường tự học, tự hệ thống kiến thức, phát huy năng lực sở trường, phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Cũng nhờ đó việc dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan đã từng gây bức xúc không nhỏ trong dư luận xã hội hầu như đã chấm dứt hoàn toàn.
Có thể nói, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức thành công đã khẳng định đổi mới thi/tuyển sinh đã đi đúng hướng, những mục tiêu đổi mới thi/tuyển sinh cơ bản đã đạt được. Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được giữ ổn định về cơ bản cho những năm sắp tới.
Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74%, cao hơn năm ngoái khoảng gần 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học Xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi; đặc biệt có 514.084 (59.32%) thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử (từ năm 2016 về trước chỉ có chưa đến 15% thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử).
Tỷ lệ thí sinh tới dự thi rất cao, đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99.53%; Toán 99,43%; Vật lí: 99.49%; Hóa học: 99.47%; Sinh học: 99.63%; Ngoại Ngữ: 99.60%; Lịch sử: 99.34%; Địa lý: 99.40%; GDCD: 99.62%).
Nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng nên số thí sinh vi phạm quy chế giảm đi nhiều so với những năm trước. Trong đợt thi chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ thi).
Do cán bộ coi thi đã được các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ tập huấn kỹ trước khi tham gia làm nhiệm vụ nên những sai sót trong quá trình coi thi đã giảm đi nhiều so với những năm trước. Cả đợt thi chỉ có 02 cán bộ coi thi bị nhắc nhở vì vi phạm quy chế thi.