Vai trò của thể thao trường học
Tham dự Đại hội có đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng cục Thể dục Thể thao; TS Nguyễn Thị Nghĩa - Chủ tịch Hội Thể thao học sinh Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; cùng đại diện một số ban ngành/đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; lãnh đạo một số Sở GD&ĐT các tỉnh, thành trên cả nước.
Ông Nguyễn Thanh Đề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thể thao học sinh Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, Hội là thành viên chính thức của Ủy ban Olympic Việt Nam, Hội đồng Thể thao học sinh Đông Nam Á và Liên đoàn Thể thao học sinh Châu Á. Mục tiêu của Hội là giúp học sinh có sân chơi thể thao bổ ích để các em có điều kiện phát triển toàn diện.
Ông Nguyễn Thanh Đề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thể thao học sinh Việt Nam nêu bật một số kết quả của nhiệm kỳ III. |
Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong đó, hệ thống sân tập, nhà tập thể dục thể thao ở các trường được quan tâm đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tập luyện tối thiểu của học sinh. Về chuyên môn nghiệp vụ, Hội đã phối hợp với Vụ Giáo dục Thể chất - Bộ GD&ĐT tổ chức thành công các sự kiện, giải thể thao trường học trên toàn quốc.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên nhằm thu hút nhiều hội viên tham gia các hoạt động của Hội, nâng cao hiệu quả bộ môn Giáo dục thể chất và thể thao trường học, giáo dục đạo đức lối sống. Hội cũng phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Vụ Giáo dục Thể chất và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam tổ chức giải chạy cho học sinh toàn quốc (S-Race).
Đoàn Chủ tịch của Đại hội |
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Đề, Hội khỏe Phù Đổng là Đại hội Thể thao có quy mô lớn nhất của học sinh phổ thông được tổ chức theo chu kỳ 4 năm/lần. Qua đây, các em có cơ hội luyện tập và thể hiện tài năng thể thao của mình thông qua cuộc thi đấu. Phong trào này được duy trì từ cấp trường đến cấp toàn quốc, số lượng học sinh tham gia luyện tập thể dục thể thao ngày càng tăng.
Tuy nhiên, do không được Nhà nước cấp kinh phí hàng năm nên Hội không có chi phí hỗ trợ các hội cơ sở duy trì hoạt động. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc huy động xã hội hóa, tìm nguồn tài trợ để duy trì hoạt động của Hội cũng gặp một số khó khăn nhất định.
Một số nhiệm vụ trọng tâm
TS Nguyễn Thị Nghĩa - Chủ tịch Hội Thể thao học sinh Việt Nam nhiệm kỳ III phát biểu tại Đại hội. |
Theo lãnh đạo Hội Thể thao học sinh Việt Nam, phương hướng chung trong nhiệm kỳ tới phải phát huy hiệu quả vai trò của Hội trong sự nghiệp giáo dục đào tạo. Từ đó góp phần gắn giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng cường công tác truyền thông về mục đích, tác dụng của Hội đối với việc phát triển thể thao trường học. Xây dựng cơ chế, từng bước đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện thể dục thể thao của học sinh, giáo viên; chú trọng các môn thể thao tập thể, trò chơi dân tộc. Phát triển mạng lưới CLB thể dục thể thao trong nhà trường, tạo điều kiện để các em được tham gia tập luyện, rèn luyện sức khỏe.
Các đại biểu lắng nghe báo cáo dự thảo phương hướng nhiệm kỳ tới. |
Chuẩn bị tốt các điều kiện nguồn lực và công việc cần thiết để tổ chức thành công Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 2023 tại Việt Nam và tham dự các hoạt động thường niên của Hội đồng, Hiệp hội với trách nhiệm là thành viên.
Bên cạnh đó, Hội sẽ số hóa công tác tổ chức các hoạt động thể thao trường học. Chỉ đạo các hoạt động thể thao trường học theo hướng tổ chức các hoạt động thể thao học sinh theo hướng tích hợp một số nội dung và tổ chức theo cụm thi đua của ngành giáo dục. Tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của các đoàn thể, tổ chức xã hội cho hoạt động của Hội.
Các đại biểu giờ tay biểu quyết thông qua phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ 2023-2028. |
"Đặc biệt, cần đa dạng hóa hình thức tập luyện các môn thể thao với phương châm vận dụng linh hoạt các quy định về luật, điều kiện về sân bãi để phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tổ chức được nhiều hoạt động thể dục thể thao. Từ đó lôi cuốn nhiều học sinh tham gia như tổ chức ngày chạy bộ, thể dục nhịp điệu, đồng diễn các bài võ tự vệ, nhảy dân vũ..." - ông Nguyễn Thanh Đề nhấn mạnh thêm.
Cũng tại Đại hội, các đại biểu đã biểu quyết để bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 23 người, ban thường vụ gồm 7 người. Theo đó, TS. Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT được bầu làm Chủ tịch Hội của Hội Thể thao học sinh Việt Nam nhiệm kỳ IV (2023-2028). Các Phó Chủ tịch Hội gồm: Ông Nguyễn Thành Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất; ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn Vovinam; ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thể dục thể thao.