Giáo dục 50 năm sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):

TS Lương Bạch Vân ra đi là để trở về

GD&TĐ - TS Lương Bạch Vân - nguyên Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM, sinh tại Sài Gòn năm 1946, từng có hơn 18 năm sống và học tập tại Pháp.

TS Lương Bạch Vân (hàng đầu, thứ 2 từ bên phải sang) đón đoàn lãnh đạo Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Paris, Pháp năm 1967. Ảnh: NVCC
TS Lương Bạch Vân (hàng đầu, thứ 2 từ bên phải sang) đón đoàn lãnh đạo Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Paris, Pháp năm 1967. Ảnh: NVCC

Rời Việt Nam sang Pháp năm 14 tuổi trong khi đất nước còn chia cắt hai miền, bà Lương Bạch Vân nỗ lực học tập, nghiên cứu xuất sắc, để rồi ngày trở về, dành trọn tâm huyết đóng góp cho sự phát triển của TPHCM.

Tuổi thơ khó khăn

TS Lương Bạch Vân - nguyên Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM, sinh tại Sài Gòn năm 1946, từng có hơn 18 năm sống và học tập tại Pháp. Khi bà mới 6 tháng tuổi, cha bà đã hy sinh khi tham gia cách mạng. Mẹ bà đành gửi con vào cô nhi viện tại Đà Lạt và làm quản gia cho một gia đình người Pháp.

ra-di-la-de-tro-ve-1.jpg
TS Lương Bạch Vân chia sẻ cảm xúc sau 50 năm thống nhất đất nước tại nhà riêng ở TP Thủ Đức, TPHCM.

TS Lương Bạch Vân là một trong 60 cá nhân được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đề cử xét chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM giai đoạn 1975 - 2025. Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, TS Lương Bạch Vân là người tích cực hoạt động, đẩy mạnh sự phối hợp của mặt trận các cấp, nắm bắt thông tin kiều bào, tập trung hướng đến thế hệ trẻ, con em kiều bào, du học sinh.

Năm 1952, mẹ bà sang Pháp lập gia đình và định cư. Cô bé Vân được gia đình bên nội đưa về nuôi dưỡng tại Gia Định (nay là quận Bình Thạnh, TPHCM). Hồi trung học, Vân học rất giỏi, giành phần thưởng ưu hạng năm học Đệ Thất, dù gia đình nội rất nghèo, mưu sinh bằng nghề dệt chiếu và buôn bán nhỏ.

Năm 1960, nhờ bảo lãnh của gia đình, Vân sang Pháp lúc mới 14 tuổi. Ít lâu sau khi đến Pháp, Vân được mẹ động viên nhập quốc tịch để thuận lợi học tập, nhưng cô từ chối. “Dòng máu tôi là người Việt nên tôi sẽ giữ quốc tịch Việt Nam”, TS Vân nhớ lại. Mới sang Pháp, Vân vừa học vừa phụ quán ăn giúp mẹ. Trong 5 năm học trung học, Vân được sự giúp đỡ của hai cô giáo dạy ngoại ngữ. Khi nhớ lại, TS Vân rất biết ơn hai cô giáo của mình.

Hai năm sau, Vân được mẹ cho tham gia các hoạt động trại hè do Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức. Thông qua những buổi nghe thời sự qua sóng phát thanh, Vân theo dõi tình hình cuộc chiến tranh tại Việt Nam, được đọc những cuốn sách như “Hòn Đất”, “Cồn Cỏ” và dự các cuộc mít tinh tố cáo tội ác của Mỹ - Ngụy. Cô tham gia dàn hợp xướng với bài “Bình Trị Thiên khói lửa”, và cũng lúc này, Vân cảm nhận được Việt Nam là nơi mình cần trở về sau khi đất nước thống nhất để xây dựng lại quê hương.

Mùa Hè năm 1967, Vân lên Paris học tại Đại học Khoa học Orsay - nơi có nhiều hội, nhóm tiến bộ tổ chức các mít tinh tố cáo tội ác chiến tranh, đòi Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam. Phân hội Sinh viên Orsay của Vân và những người bạn thường xuyên tập văn nghệ để trình diễn trong các cuộc mít tinh ủng hộ đất nước, tham gia làm chả giò bán lấy tiền gửi “Quỹ vì Tổ quốc” trong vùng giải phóng thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Trong thời gian này, để gây quỹ hoạt động, Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức bán áo thun in hình em bé đội mũ rơm bên cạnh những hố bom kèm dòng chữ “Thắng giặc Mỹ, em sẽ xây dựng đất nước đẹp hơn mười lần nay”. Mục đích vừa lấy tiền quyên góp vừa tuyên truyền phong trào yêu nước, nên rất được cộng đồng ủng hộ.

Niềm vui thống nhất ở trời Tây

Những ngày tháng 3/1975, cô Vân đã hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Trường Lý Hóa Công nghiệp Paris, cơ sở giáo dục về kỹ thuật công nghệ hàng đầu tại Pháp. Nữ tiến sĩ cảm nhận chiến thắng ở Sài Gòn thông qua sóng radio khi bộ đội Việt Nam chiếm lĩnh Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), Xuân Lộc (Đồng Nai).

Trưa 30/4/1975, niềm vui vỡ òa với cộng đồng người Việt yêu nước tại Pháp và bạn bè quốc tế khi nghe tin Sài Gòn giải phóng. TS Vân cũng như nhiều người khác không tin đây là sự thật, cứ ngỡ như giấc mơ. Các bạn Pháp đến nhà gõ cửa, mở champagne ăn mừng Việt Nam thống nhất.

Sáng ngày 1/5, nhân dịp kỷ niệm Quốc tế Lao động, TS Vân cùng dòng người tham gia diễu hành mừng chiến thắng. Nét mặt ai cũng rạng rỡ, người người hỏi han nhau: Sắp tới sẽ làm gì? Khi nào về nước... Bạn bè quốc tế vui vẻ đón chào, cờ đỏ sao vàng phấp phới, cờ Mặt trận Giải phóng tung bay giữa Thủ đô Paris.

Những ngày sau đó, người người hối hả, vội vàng thu xếp nhà cửa để nhanh chóng chuẩn bị trở về nước. Có những gia đình rao bán nhà, xin nghỉ việc để về quê hương.

Nữ tiến sĩ nhận ra rằng, thời khắc cho quyết định hồi hương của mình và cả gia đình đã đến. Năm 1976, bà là một trong những trí thức Việt kiều Pháp được tham dự kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước. Sau đó, bà về thăm gia đình. Quãng đường vào Nam hơn 1.500 km, nữ tiến sĩ trẻ chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh với những hố bom loang lổ, những cây cầu tan nát.

Hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, nhà máy đóng cửa, chợ chưa họp. Bà hình dung đất nước sau chiến tranh rất khó khăn và sẽ rất cần những trí thức tham gia xây dựng lại quê hương. Sang lại Pháp, bà thu xếp công việc để cùng chồng và ba con nhỏ trở về.

Năm 1978, gia đình TS Vân gồm chồng là TS Nguyễn Bình cùng ba con Vinh - Quang - Thắng đi tàu hỏa từ Pháp, sang Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc và đến Việt Nam qua biên giới phía Bắc. Chuyến đi kéo dài hơn một tháng, gia đình nữ tiến sĩ nhận được sự đón tiếp ân cần từ các Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia nơi họ đặt chân đến.

TS Vân còn nhớ thời khắc đặt chân đến Việt Nam từ biên giới Trung Quốc là một cảm giác hồi hộp, xúc động khi về với quê hương. Gia đình đã chuẩn bị cho những khó khăn phía trước với 48 rương (hòm đựng đồ) tài liệu và 20 đề án nghiên cứu đóng góp cho quê nhà.

ra-di-la-de-tro-ve-3.jpg
TS Lương Bạch Vân (áo sẫm màu) tại cuộc họp bàn triển khai chương trình vòng tránh thai tại Sở Y tế TPHCM. Ảnh: NVCC

Đóng góp cho quê hương

Đất nước sau chiến tranh còn ngổn ngang khó khăn, điều kiện làm nghiên cứu khoa học còn hạn chế. TS Vân quyết định tập trung vào làm các sản phẩm ứng dụng, phục vụ công nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm bằng ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới.

Người dân cần những sản phẩm có thể sử dụng ngay để cuộc sống tốt hơn. Trong 5 năm bà và chồng làm việc tại tại Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng (Hà Nội) với công việc xây dựng nhà máy bán dẫn. Năm 1985, sau khi rời Tổng cục Kỹ thuật, TS Vân làm việc tại Sở Khoa học Công nghệ Môi trường TPHCM (nay là Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM).

Giai đoạn năm 1985 - 1986, TS Vân cùng cộng sự xây dựng nhà máy sản xuất vòng tránh thai cho phụ nữ theo mẫu vòng Dana do Tiệp Khắc sản xuất. Đây là vòng tránh thai được hệ thống y tế Việt Nam quen sử dụng nhiều năm qua.

Được sự chỉ đạo của bác sĩ Dương Quang Trung - khi đó là Giám đốc Sở Y tế TPHCM, quy trình sản xuất vòng tránh thai được sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan. Trong đó, quy trình thực hiện thử nghiệm sinh học trên động vật gồm chó, thỏ, mèo, chuột do Viện Pasteur TPHCM thực hiện.

Việc kiểm tra các tính năng cơ, lý, hóa, độ đàn hồi vòng tránh thai do Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 phụ trách. Khâu tiệt trùng vòng tránh thai bằng tia xạ Gamma do Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thực hiện. Bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Hùng Vương là hai đơn vị tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người.

TS Vân nhớ lại, để sản xuất vòng cần hệ thống máy ép nhựa thủy lực. Chiếc máy to tương đương với đầu máy xe lửa, không lọt qua cửa phòng sản xuất nên bà phải cho thợ đập tường nhà để cho đặt máy vào đúng vị trí. Những nhân viên khác phải tháo các bộ phận máy, vệ sinh từng phụ kiện một cách triệt để.

Chủng loại vật liệu để sản xuất vòng tránh thai là loại đặc biệt của hãng Dupont Nemours do Mỹ sản xuất, nhưng do Việt Nam đang bị Mỹ cấm vận, không thể nhập. “Dù khó khăn, nhưng với sự quyết tâm thành phố đã giúp đem đúng chủng loại nhựa theo yêu cầu chất lượng sản phẩm về đến Việt Nam”, TS Vân kể.

Vòng tránh thai được sản xuất thử nghiệm ban đầu là 50 vòng, sau lên 500, rồi 1.000, tăng đến 100.000 vòng. Tổng cộng, đã cung cấp hơn 5 triệu vòng tránh thai cho cả nước. Kết quả này giúp TPHCM và toàn quốc thực hiện chương trình kế hoạch hóa dân số.

Năm 1987, TS Vân khi đó là Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Chất dẻo được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí chuyển giao công nghệ composite trong sản xuất ghe, xuồng, bồn chứa cho 6 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thời điểm đó, công nghệ composite được cho là phù hợp với điều kiện của Việt Nam vì không đòi hỏi thiết bị phức tạp, đầu tư tốn kém… Sau khi chuyển giao công nghệ, nhiều ghe, xuồng, bồn chứa, bồn nuôi thủy sản, bồn xe sợi dâu tằm tơ… được triển khai rộng rãi tại Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh lân cận. Trung tâm Kỹ thuật Chất dẻo thời điểm đó là một trong những đơn vị nhà nước đầu tiên tại TPHCM tự chủ tài chính.

Sau khi nghỉ hưu năm 2001, TS Lương Bạch Vân tập trung công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Theo bà, tại TPHCM số lượng kiều bào chiếm hơn phân nửa của cả nước. Hàng năm, kiều bào theo các gia đình về quận huyện nên bà đề xuất thành lập các Ban Liên lạc kiều bào tại 24 quận huyện của thành phố.

Mỗi địa bàn, các Ban Liên lạc có nhiệm vụ nắm số lượng, nhu cầu và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn để phát huy công tác vận động, hỗ trợ khi kiều bào về nước. Năm 2006, Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM được thành lập, Chủ tịch là TS Lương Bạch Vân.

Nhằm hỗ trợ hiệu quả kiều bào, Hội được thành phố cho phép thành lập “Trung tâm hỗ trợ kiều bào”. Đây là cơ sở để Hội phối hợp với Hội luật gia tư vấn luật pháp giúp kiều bào thực hiện các thủ tục về sở hữu nhà đất, thừa kế, đầu tư, kinh doanh... Chi hội cựu du học sinh Việt Nam du học Nhật Bản của Hội được thành lập nhằm kết nối giới thiệu việc làm cho những người tốt nghiệp về nước.

Chi hội cũng hướng dẫn, giới thiệu trường, viện nghiên cứu cho du học sinh Việt Nam muốn tìm hiểu, sang Nhật Bản du học... Thanh thiếu niên kiều bào các nước được hỗ trợ tìm hiểu danh lam thắng cảnh khi về quê hương thăm gia đình và được tổ chức các hoạt động tìm hiểu văn hóa Việt ...

Các hoạt động của kiều bào khá sôi nổi những năm qua, nhưng theo TS Vân, kiều bào mong muốn về nước đóng góp và ổn định lâu dài thường gặp khó khăn trong thủ tục hành chính. Bà mong muốn kiều bào được tạo điều kiện thông thoáng hơn, thuận lợi hơn khi về nước.

Nhân dịp kỷ niệm 50 thống nhất đất nước, TS Lương Bạch Vân bày tỏ rất biết ơn lãnh đạo TPHCM đã tin tưởng, giao nhiệm vụ và tạo những điều kiện thuận lợi cho bà được tham gia góp phần mình vào công cuộc xây dựng thành phố. Bà rất cảm ơn sự hợp tác hiệu quả và nhiệt tình của các cộng sự đã đồng hành trong khoảng thời gian 50 năm phát triển cùng TPHCM.

TS Lương Bạch Vân tốt nghiệp Tiến sĩ tại Trường Lý Hóa Công nghiệp Paris, thuộc PSL Research University đứng thứ nhất tại Pháp và thứ 22 thế giới theo bảng xếp hạng QS World University Rankings năm 2022.

Trường Lý Hóa Công nghiệp Paris là nơi sản sinh ra nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel như Marie Curie, Georges Charpak, Frédéric Joliot-Curie... Sau khi tốt nghiệp đại học, TS Vân từng có 5 năm làm việc tại Trung tâm Ứng dụng Xúc tiến Hóa Phóng Xạ thuộc Trung tâm Năng lượng Saclay (Pháp).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ