TS Lê Thống Nhất: Tôi đã mong cuộc thi sáng tác ca khúc về thầy cô từ lâu

GD&TĐ - Đã từng là học sinh và sau này là nhà giáo, TS Lê Thống Nhất có quá nhiều kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mà theo ông, phải viết thành cả một cuốn truyện dài…

Thầy giáo Lê Thống Nhất cùng các em học sinh trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, Nghệ An.
Thầy giáo Lê Thống Nhất cùng các em học sinh trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, Nghệ An.

Cũng chính những kỷ niệm ấy là chất liệu giúp ông viết được nhiều bài thơ và sáng tác ca khúc về chủ đề này. Những tác phẩm ra đời như nói hộ tiếng lòng của người sáng tác.

Thầy dạy Toán có tâm hồn nghệ sĩ

Tiến sĩ, thầy giáo, nhạc sĩ Lê Thống Nhất nguyên là giáo viên của Trường Đại học Vinh. Ông còn được mọi người yêu mến gọi là thầy dạy Toán có tâm hồn nghệ sĩ. Hiện, ông là Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội.

Yêu thích nghệ thuật từ nhỏ, TS Lê Thống Nhất thuở ấy thường tự tìm đọc sách về âm nhạc. Mùa hè năm 1970, khi học xong lớp 8, ông được tập huấn 1 tuần về kiến thức âm nhạc phổ thông do các thầy Thái Bình, Nguyễn Viết Toản, Nguyễn Lân Hùng ở Đại học Sư phạm Vinh dạy.

Nhưng đó chỉ là những kiến thức âm nhạc phổ thông, còn sáng tác nhạc lại là một công việc đòi hỏi cao hơn. Ấy vậy mà, dù không có điều kiện để theo học lớp nào, kể cả việc tham gia các câu lạc bộ sáng tác, nhưng nhờ đam mê tìm tòi, tự học qua các tài liệu về sáng tác, và những nhạc sĩ quen biết, ông đã có kho tàng sáng tác nhạc quý giá.

Mới đây, TS Lê Thống Nhất là một trong số những tác giả đạt giải trong cuộc thi sáng tác ca khúc về “Thầy Cô và Nhà trường” do Bộ GD&ĐT giao cho Báo GD&TĐ tổ chức với ca khúc “Mỗi ngày tới trường là một ngày vui”. Ca khúc ngay khi ra đời đã được Hệ thống giáo dục Victory chọn làm bài hát chính thức vì phù hợp với slogan: “Đi học là hạnh phúc!’

Nói về ý tưởng sáng tác ca khúc, ông cho biết, đó là dịp nghỉ Tết Kỷ Hợi, khi nghĩ đến thông điệp của ngành giáo dục “Mỗi ngày tới trường là một ngày vui”. Tuy nhiên, để có ca khúc dành cho các em nhỏ hát thì phải tìm ra cách thể hiện hợp với lứa tuổi vì vậy, ông đã liên tưởng tới những điều gần gũi với các em để dẫn vào bài hát:

                                “Con chim vui cao tiếng hót

                                 Tia nắng vui tươi ánh vàng

                                  Hàng cây vui xoè bóng mát

                                  Chú vè vui gọi hè sang

                                  Bông lúa vui cho mùa gặt

                                  Con sóng vui vỗ nhẹ nhàng

                                  Bông hoa vui khoe hương sắc

                                  Tiếng trống vui nghe rộn ràng…”

Tác giả Lê Thống Nhất cho rằng, những điều này cũng lý giải thông điệp “vì sao phải mang niềm vui cho các em học sinh mỗi ngày”. Bởi có vui thì các em mới phát huy hết mọi khả năng để học tập, rèn luyện tốt nhất. Đó cũng chính là điều mà các thầy cô giáo luôn tâm niệm trong nghề.

Chính trong niềm vui đó, các em đã có những mơ ước về tương lai và không quên mái trường. Đây cũng là toàn bộ điệp khúc của bài hát:

                         “Em đến trường mỗi ngày là một ngày vui

                          Biếc xanh trời ngân vang bao lời em hát

                         Các bạn ơi! Ta xây mơ ước tương lai!

                         Yêu mái trường, mai sau nhớ mãi không phai.”

Tình cảm với thầy cô được các em thể hiện xúc tích:

                      “Thầy cô yêu từ ánh mắt

                        Tới con tim tràn tình thương”

Từ đó, các em như tự nhắc mình:

                     “ Như chú ong kia làm mật

                        Em vẫn ghi nhớ từng lời

                        Như măng kia vươn thân chắc

                        Sẽ vững tin trong cuộc đời.”

Qua ca khúc này, tác giả muốn gửi tới thông điệp: Học sinh mong rằng mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Đó chính là trách nhiệm của chúng ta, ngành giáo dục mà cụ thể là các cấp quản lý cùng từng thầy cô giáo. Chỉ có thế sự nghiệp giáo dục mới thành công!

Cuộc thi sẽ “gặt hái” được một “mùa bội thu”

Thảo Vy và Minh Ngọc là hai học sinh đầu tiên thể hiện ca khúc “Mỗi ngày là một ngày vui”.

Thảo Vy và Minh Ngọc là hai học sinh đầu tiên thể hiện ca khúc “Mỗi ngày là một ngày vui”.

Nói về cuộc thi sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường, TS Lê Thống Nhất chia sẻ: “Tôi đã mong có cuộc thi này từ lâu. Cách đây khoảng 5 năm, tôi đã bàn với nhạc sĩ Bùi Anh Tú, lúc đó là chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT nên tổ chức một cuộc thi viết ca khúc về đề tài này. Bởi vì những năm gần đây, thầy cô và học sinh rất thiếu các ca khúc như thế! Đây là cuộc thi rất cần thiết để các nhạc sĩ chuyên hay không chuyên quan tâm hơn tới đề tài “Thầy Cô và nhà trường”.

Cũng theo ông, chắc chắn cuộc thi này sẽ “gặt hái” được một “mùa bội thu” và có chất lượng cao vừa để có thêm những bài hát trong nhà trường, vừa để lan tỏa những hình ảnh cao đẹp của nghề giáo. Không những thế, sẽ có sự lan tỏa nhiều bài học giáo dục cao không chỉ trong nhà trường mà ra cả xã hội, nhất là tinh thần “Tôn sự trọng đạo”.

TS Lê Thống Nhất cho rằng, cuộc thi thêm một hoạt động định hướng cho âm nhạc trong nhà trường. Âm nhạc dành cho các em cần phù hợp lứa tuổi học sinh và gắn liền với những nội dung giáo dục học sinh.

Cuộc thi cũng chính là sự khích lệ cho người viết yêu hơn mảng đề tài trong nhà trường. Quan trọng là giúp lan toả ca khúc, sự ghi nhận các sáng tác từ ngành giáo dục, chứ không chỉ là vấn đề giải thưởng.

TS Lê Thống Nhất đặc biệt gần gũi với các thế hệ học sinh, sinh viên qua những giờ giảng hấp dẫn. Ông là người sáng lập các sản phẩm giáo dục được yêu thích: Tạp chí Toán tuổi thơ, Olympic Toán trên Internet (Violympic), Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE), BigSchool… Ông còn được biết đến như một người thầy tài hoa thông qua các tác phẩm thơ, kịch, và các ca khúc được viết bằng cảm xúc từ tâm hồn nhà giáo.

TS Lê Thống Nhất là một giáo viên được đào tạo tại Đại học Vinh từ thời chuyên toán cho tới Đại học rồi ở lại trường giảng dạy cho tới năm 1997 chuyển ra Hà Nội làm tạp chí Toán học & Tuổi trẻ.

Sau đó ông sáng lập tạp chí Toán Tuổi thơ, sáng tạo các cuộc thi trên Internet như ViOlympic, IOE, xây dựng trường học trực tuyến BigSchool và sắp ra mắt sản phẩm VinaSchools hỗ trợ các trường học Việt Nam.

Yêu thích âm nhạc, ông đã có những sáng tác lan toả trong cộng đồng từ năm 2015 cho đến nay. Nhiều ca khúc được các đài phát thanh truyền hình giới thiệu và sử dụng. Đó là những ca khúc: Tâm tình cô giáo mầm non, Khúc nhớ Người Thầy Trường Vinh, Một Hà Nội của tôi, Việt Nam ơi! Tiếng gọi thiêng liêng, Mùa xuân ơi!, Chạm vào miền ký ức, Với cha nơi xa, Tương Nịu làng tôi,Tự hào chiến sĩ ngành Y, Hà Nội nhớ ai, Câu hát Việt Nam, Tất cả đã xa rồi,…

Riêng những ca khúc viết về đề tài thầy cô và nhà trường, nhạc sĩ Lê Thống Nhất cũng có nhiều sáng tác ấn tượng như: Dòng sông của thầy, Tâm tình cô giáo mầm non, Mùa xuân ơi!, Người thầy xứ Nghệ, Yêu lắm lớp 1 ơi!, Cô giáo của em, Khúc ca măng non, Mỗi ngày là một này vui, Em yêu, Tất cả đã xa rồi,bTâm tình ngày xa trò, Biết ơn thầy cô, Hãy ở ngoan trong nhà,…

Riêng đề tài truyền thông phòng chống CoVid–19, ông đã viết tới 13 ca khúc. Trong đó, bài mở đầu “Đánh giặc Corona” cũng chính là một trong những bài đầu tiên của Việt Nam về tuyên truyền phòng chống dịch Covid -19. Đây là một bài hát có sức lan tỏa lớn, được nhiều người ở mọi lứa tuổi yêu thích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.