TS Lê Thẩm Dương: "Đêm tân hôn, vợ chồng tôi loay hoay đến mắc cười"

Trong cuốn hồi ký mới phát hành, TS Lê Thẩm Dương kể ông và vợ khi yêu nhau đều trong sáng, ngồi tâm sự cũng dưới sự giám sát của phụ huynh, nên cưới nhau rồi vẫn còn ngượng nghịu.

TS Lê Thẩm Dương: "Đêm tân hôn, vợ chồng tôi loay hoay đến mắc cười"

Chàng sinh viên xấu xí "cưa đổ" hoa khôi đội cổ vũ trường bạn

Câu chuyện của vợ chồng tôi khá đặc biệt. Thực ra, tôi và cô ấy biết nhau từ hồi học cấp 2 (bây giờ gọi là THCS), vì cùng học tại trường Thái Thịnh, Hà Nội.

Đó là thời bao cấp. Lúc đó nhà tôi ở khu Cao su, còn nhà cô ấy bên khu Cơ khí, đều nằm trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Tuy là hai khu khác nhau nhưng khi đi mua thực phẩm (thời tem phiếu) thì lại cùng một chỗ là Chợ Xanh.

TS Le Tham Duong:
Sách Hồi ký Tiến sĩ Lê Thẩm Dương.

Thường cứ sau giờ học là chúng tôi lại lon ton ra đó để chơi hoặc mua đồ. Lên cấp 3 (bây giờ gọi là THPT), chúng tôi cũng học chung một trường. Khi thi đại học thì mỗi đứa vào một trường. Cô ấy vào Đại học Ngoại thương. Tôi vào Đại học Kinh tế Quốc dân. Quan hệ đến thời điểm đó giữa chúng tôi chỉ dừng lại ở mức như thế.

Bẵng đi một thời gian dài, cho đến khi tôi cùng đội tuyển bóng đá của ĐH Kinh tế Quốc dân đến ĐH Ngoại thương thi đấu, chúng tôi mới gặp lại nhau. Lúc đó, ĐH Ngoại thương ít nam quá nên cử rất nhiều cổ động viên nữ đến sân. Nữ sinh ĐH Ngoại thương nổi tiếng vì xinh đẹp. Cô vợ tôi nổi bật ở đội cổ vũ của ĐH Ngoại thương.

Đội của ĐH Kinh tế Quốc dân đã “tia” dàn cổ động viên của ĐH Ngoại thương. Sau trận đấu, chúng tôi làm quen và mời cả đội cổ vũ của đội bạn đi uống nước chè “chém gió”. Sau đó, đội chúng tôi đã ngồi họp và quyết định cử một thành viên cao to đẹp trai nhất đến “cưa đổ” hoa khôi của ĐH Ngoại thương (không phải tôi, vì tôi nhỏ con và xấu trai nhất đội).

Cậu này hẹn đi chơi riêng với cô ấy, sau đó về báo cáo kết quả với cả đội là trong suốt cuộc nói chuyện riêng, cô ấy chẳng quan tâm gì đến cậu ấy cả mà chỉ hỏi thông tin về Lê Thẩm Dương. Trước đó, thật sự là tôi có chút tự ti về ngoại hình, sau khi nghe thằng bạn kia nói vậy, tôi tự tin: “Chúng mày dẹp ra, để tao!”. Tôi nhảy vào và “cưa đổ”.

Khi đó, chúng tôi đã là sinh viên năm thứ tư, 21 tuổi (thời chúng tôi học hệ 10 năm, bây giờ là 12 năm). Oái oăm là với cả hai, đây đều là mối tình đầu.

Điều đáng nói là vợ tôi xuất thân trong một gia đình có phong cách giáo dục cực kỳ khốc liệt. Bà mẹ dễ tính nhưng ông bố thì nghiêm khắc đến khủng khiếp: Mọi thứ đều theo nguyên tắc phong kiến. Tề gia nội trợ không thể chê được. Đặc biệt, cô ấy nấu ăn rất ngon, gói vo bánh chưng đẹp hơn cả thợ chuyên nghiệp.

Vì ông bố cô ấy quá nghiêm khắc nên toàn bộ các cuộc trò chuyện yêu đương của chúng tôi đều diễn ra ở phòng khách với sự chứng kiến của ông, thậm chí, ông còn yêu cầu chúng tôi nói to để tránh... tiêu cực. Thỉnh thoảng, dùng chiêu trò thành công thì hai đứa mới rủ nhau lên được Hồ Tây chơi.

Lúc đầu, cả bố và mẹ cô ấy đều phản đối tôi. Cái lý của bố cô ấy là tôi và cô ấy bằng tuổi nhau, công ăn việc làm chưa có nên khó đảm bảo được cuộc sống của con gái ông. Cái lý của mẹ cô ấy là tôi xấu trai quá. Câu nguyên văn của bà là: “Bao nhiêu thằng đẹp trai con không yêu, sao lại đi chọn thằng xấu thế?”.

May mắn là khi bố cô ấy hỏi về gia đình thì hóa ra hai ông sui tương lai có nhiều điểm tương đồng: Một ông sinh năm 1920, ông kia sinh năm 1921, hai ông đều là Đảng viên, cùng hoàn cảnh xuất thân... Lúc đó, bố mẹ cô ấy không phản đối nữa.

Đã yêu thì cưới chứ sợ gì

Một hôm, khi tôi đi đá bóng về, bố tôi gọi tôi vào nói chuyện. Ông bảo, nhà gái cũng có tí lo khi con gái họ 22 tuổi mà chưa lập gia đình, họ muốn cưới. Lúc đó, chúng tôi vừa ra trường, vừa được phân công việc. Tôi về giảng dạy tại trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng. Cô ấy về bán hàng tại Bách hóa thực phẩm Chợ Xanh (quận Thanh Xuân). Công việc mới toanh, chưa biết sau đó thế nào, nhà cửa chưa có.

Nhưng đã yêu nhau thì cưới chứ sợ gì. Tôi đồng ý. Bố mẹ đứng ra làm đám cưới cho tôi. Một đám cưới điển hình thời bao cấp, chóng vánh, nhanh gọn, chỉ có tiệc ngọt mời người thân và hàng xóm đến chung vui.

Đêm tân hôn, hai vợ chồng loay ha loay hoay đến mắc cười vì chúng tôi hồi đó yêu đương trong sáng. Chúng tôi là mối tình đầu của nhau.

TS Le Tham Duong:
TS Lê Thẩm Dương và vợ có tình yêu trong sáng, vượt qua thời bao cấp khó khăn, hôn nhân hạnh phúc gần 40 năm nay.

Nhưng cưới nhau rồi mới gian nan, vật vã. Cả hai vợ chồng kiến thức cuộc sống bằng 0, kiến thức cứng bằng 0, kỹ năng mềm bằng 0, tiền bạc thì âm... Chúng tôi ở chung với bố mẹ và cậu em trai trong một căn hộ tập thể 16 m2.

Hồi đó, cả khu tập thể dùng chung một nhà vệ sinh. Đầu năm cưới, cuối năm sinh con đầu lòng. Bây giờ, ngồi nghĩ lại thì cứ như là chuyện cổ tích.

Nhiều người cứ nói tình đầu thì “thế lọ thế chai”... nhưng chúng tôi sống với nhau “êm ru” đến nay là gần 40 năm rồi. Được như thế, tôi nghĩ là cả hai chúng tôi cùng nỗ lực, đồng cam cộng khổ, dựa trên hai nền tảng: Đầu tiên là nền nếp gia phong của gia đình hai bên chắc chắn. Tiếp đến là tình cảm thật, tình yêu thật. Nếu vợ chồng thực sự yêu thương nhau thì sẽ vượt qua mọi khó khăn.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.