Chạy đua với trí tuệ nhân tạo
TS Hoàng Văn Xiêm là 1 trong 10 gương mặt vinh dự được nhận Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2019. Đây là giải thưởng uy tín tôn vinh các tài năng trẻ Việt Nam có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
TS Hoàng Văn Xiêm chia sẻ, anh không phải là người quá nổi bật với bề dày thành tích nghiên cứu như nhiều người khác.
“Ngay từ khi còn trên giảng đường đại học tôi đã thích làm nghiên cứu, thích tìm hiểu những ý tưởng, giải pháp mới để giải quyết những bài toán mở trong khoa học. Một trong những vấn đề mang đến cho tôi nhiều hứng thú và quan tâm là việc khai thác, ứng dụng các mô hình toán học trong tối ưu bài toán mã hóa và xử lý tín hiệu video.
2011 là năm đầu tiên tôi độc lập viết một bài báo quốc tế. Đó cũng là bài báo để lại nhiều kỷ niệm, kinh nghiệm cho tôi nhất. Bài báo đó viết về lĩnh vực mã hóa video phân tán. Nó là một trong những hướng nghiên cứu rất được chú ý trong thời gian đó.
Trong bài báo này, tôi công bố các giải pháp tối ưu thời gian mã hóa video một cách linh hoạt với chỉ một tham số cho người, sử dụng trong các ứng dụng như mạng cảm biến hình ảnh không dây, hệ thống video giám sát”, TS Hoàng Văn Xiêm chia sẻ.
TS Hoàng Văn Xiêm chia sẻ thêm: “Mặc dù trước khi độc lập viết, tôi đã là đồng tác giả khá nhiều bài báo, hội nghị quốc tế khác. Tuy nhiên, các bài báo trước đây được sự hỗ trợ rất nhiều từ thầy hướng dẫn, các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm. Bài này tôi tự chắp bút viết tất cả các nội dung và phải sửa lại hàng chục lần. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng bài báo của tôi được chấp nhận đăng trên tạp chí IEEE Transactions on Broadcasting, một tạp chí rất uy tín trong lĩnh vực truyền thông video quảng bá.
Qua đó tôi có thêm tự tin, cùng với đam mê dấn thân sâu hơn nữa vào con đường khoa học. Tuy nhiên, để duy trì và nuôi dưỡng đam mê thì lại không phải điều dễ dàng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ ngày nay khiến cho con người ta có thêm nhiều đam mê cũng như mối bận tâm khác”.
Hơn chục năm nghiên cứu về xử lý thông tin ảnh và video, TS Hoàng Văn Xiêm cho rằng nếu chỉ dừng lại ở nghiên cứu đó thì rất khó có thể triển khai ra các ứng dụng đáp ứng được những nhu cầu của xã hội hiện tại.
Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang là một trong những chủ đề được quan tâm của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Do đó, nghiên cứu phải hướng đến cập nhật công nghệ mới nhất, thậm chí phải chạy đua với trí tuệ nhân tạo để khai thác các công cụ học máy cho bài toán về hình ảnh và video.
Sinh viên như những người bạn, người em
“Tôi cũng giống như bao nhiêu đồng nghiệp và nhà khoa học khác đều có cuộc sống riêng. Bởi công việc nghiên cứu không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhưng những lúc như vậy, tôi luôn cố gắng toàn tâm toàn ý để hoàn thành mục tiêu.
Sau đó, tôi tự thưởng cho bản thân những thời gian riêng tư để giảm stress, F5 lại suy nghĩ và cảm hứng giống như các bạn trẻ khác là đọc tin tức, lướt Facebook, ngồi café với bạn bè hoặc đồng nghiệp. Còn trong công việc thì tập trung toàn tâm toàn ý, làm hết sức mình”, TS Hoàng Văn Xiêm nói.
TS Hoàng Văn Xiêm là tác giả của: 14 bài báo khoa học đã đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế (tác giả chính của 3 bài thuộc danh mục Q1, 4 bài báo thuộc danh mục Q2 (3 bài là tác giả chính), 5 bài báo thuộc danh mục Q4 (1 bài báo là tác giả chính), 2 bài báo tạp chí quốc tế khác); 30 báo cáo khoa học đăng toàn văn trong kỷ yếu hội nghị khoa học trong và ngoài nước (trong đó 19 báo cáo là tác giả chính);
Tác giả chính của 2 Giải thưởng Bài báo xuất sắc nhất (Best paper award) tại Hội nghị IEEE Picture Coding Symposium, Australia năm 2015 và Hội nghị IWAIT, Thái Lan 2018; Chủ nhiệm 1 đề tài cấp Nhà nước (Nafosted) đã nghiệm thu năm 2019. Thư ký khoa học 1 nhiệm vụ cấp Nhà nước đã nghiệm thu (Xuất sắc) giai đoạn 1 năm 2019; Thư ký khoa học, thành viên chính của 1 đề tài cấp bộ (ĐHQGHN) đã nghiệm thu (Đạt) năm 2019; 2 bằng độc quyền sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp năm 2019….
Khi tham gia hướng nghiên cứu về mã hóa và xử lý tín hiệu video, TS Xiêm có cơ hội được làm việc và kết nối với những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này như Giáo sư Fernando Pereira (ĐH Lisbon), Giáo sư Stuart Perry (ĐH Công nghệ Sydney, Australia), và Giáo sư Byeungwoo Jeon (ĐH Sungkyunkwan).
Một trong những kết quả gần đây của nhóm nghiên cứu cùng với TS Đinh Triều Dương (Chủ nhiệm khoa ĐTVT) là đề xuất và xây dựng thành công một mô hình mã hóa video phân tán cho thế hệ mới với hiệu năng mã hóa đạt tới trên 30% so với mô hình cũ.
Kết quả cũng được công bố trên 2 tạp chí quốc tế và đăng ký 2 bằng sáng chế. Anh hy vọng mô hình mã hóa này sẽ được triển khai và áp dụng ở các hệ thống cảm biến không dây trong tương lai gần.
Trong những năm tháng làm việc tại Trường Đại học Công nghệ, các yếu tố của môi trường giảng dạy và nghiên cứu đã cho anh cơ hội để trưởng thành và phát triển. Những thành tựu đạt được giúp anh tiếp tục hoạt động giảng dạy và nghiên cứu sâu hơn, từng bước xây dựng phát triển nhóm nghiên cứu lớn mạnh.
“Tôi luôn quan niệm sinh viên như những người bạn, người em của mình. Công việc giảng dạy với tôi bản chất là sự chia sẻ. Tôi chia sẻ những gì tôi biết và cũng luôn sẵn sàng học hỏi lại chính từ các bạn sinh viên của mình. Các bạn sinh viên ngày nay rất năng động và chủ động. Thế giới thì phẳng mà kiến thức thì mở. Do vậy, hướng dẫn các bạn cách học và đam mê tìm tòi, khám phá quan trọng hơn là dạy các bạn ý học gì, làm gì”, TS Xiêm cho hay.