Truyện ngắn: Ý chí đứng dậy

GD&TĐ - Cũng như các cầu thủ, con phải xác định được mục tiêu đời mình, bởi sân bóng cuộc đời sẽ có nhiều khó khăn...

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Tôi biết đến bóng đá vào năm 1990, đó cũng là năm xóm tôi có chiếc tivi trắng đen đầu tiên. Cảm giác lần coi tivi đầu tiên của bạn thế nào? Còn tôi, cho đến giờ vẫn nhớ như in cảm giác như mình được chứng kiến một món đồ có phép màu được mang đến từ xứ sở thần tiên nào đó vậy.

Ngỡ ngàng với tiếng nói, hoạt động của con người trong chiếc màn hình nho nhỏ, diệu kì làm sao khi thấy những cầu thủ đang chạy theo quả bóng ở tận nước Ý xa xôi lại hiển hiện trước mắt mình. Trong đầu hiện ra câu hỏi to tướng, sao người ta lại có thể chạy những bước chân của gió trong tivi được nhỉ? Giờ nghĩ lại còn mắc cười.

Hồi đó, tôi ngơ ngác nhìn, phải chi tivi nhà mình, tôi sẽ lại sờ vào món đồ thần tiên này để tận hưởng cảm giác chạm được điều diệu kì của cuộc sống. Tám giờ mới có bóng đá mà ăn cơm chiều xong đã hú hí nhau đi. Hình như bóng đá là bộ môn có sẵn trong máu thịt người ta vậy. Rất kích thích, rất tạo hứng thú.

Chi tiết đắt nhất, mắc cười nhất là đứng trong cái sân gạch chật cứng người nhà thằng Bình mà tôi nghiêng người né bóng khi thấy một cầu thủ giơ chân đón bóng rồi - như sút thẳng về phía tôi. Còn lấy tay che mặt nữa chứ, một người phát hiện và trêu coi nó sợ người ta đá bể mặt kìa, vậy là cả sân rộ lên một tràng cười khoái chí, tôi quê với thằng Bình đứng ở đâu đó trong sân, đỏ mặt.

Coi hết một trận đấy chín mươi phút mà vẫn không tin, không hiểu đã có điều nhiệm màu nào đang xảy ra với cuộc sống của mình. Thật là một mùa Hè cột mốc của đời tôi.

Tôi vẫn nhớ rất rõ ràng, ba tôi mê bóng đá Ý nên Italia ‘90, ông không bỏ một trận nào, và đương nhiên, con gái rượu cũng theo bố đi reo hò cùng quả bóng.

Hồi đó tôi học lớp 2, 3 gì đó, ăn cơm chiều xong thì ngồi Hè chờ, thấy bố đi coi bóng đá là chạy theo chân liền. Đó là lần đầu tiên tôi có khái niệm sơ khai về bóng đá - có hai đội tranh nhau dẫn dắt một trái bóng và sút vào lưới đối phương - mỗi quả bóng vào lưới bạn được tính là một bàn thắng, chỉ biết vậy nhưng reo hò rất nhiệt tình cùng những pha bóng đẹp.

Chính tôi cũng đâu có ngờ, những mùa Hè sau đó, trái bóng đã trở thành bữa tiệc tinh thần của lũ trẻ con xóm tôi.

“Mùa Hè sau đó” là những mùa Hè trẻ trâu của thế hệ tôi - 8X. Con nhà nghèo ở làng quê, Hè về mỗi đứa một chuyện, cắt cỏ, chăn bò, phụ canh dưa bí hay hái đậu, phụ bóc gương sen lấy hạt…, tóm lại là phải ra đồng chứ hổng có ở nhà chơi không. Mà trẻ con, làm thì làm cũng tranh thủ chơi chứ đời nào chịu chí thú với công việc.

Còn nhớ, khu đất rộng rinh trước thổ được chia đôi, bò ăn một bên và lũ trẻ chơi một bên. Chơi đủ trò nhưng hào hứng nhất vẫn là bóng đá. Bóng đá cần người chơi đông nên lũ mục đồng nhào lên đám dưa đám ớt nhà ông Chín, xúm vô gánh nước từ cái ao dưới ruộng lên phụ tưới cho xong rồi rủ nhau chơi bóng đá.

Sân cỏ của chúng tôi “chất” lắm nghen, cỏ thiệt 100% luôn. Thằng Tèo Bụng lấy hai viên đá làm dấu cầu môn, vậy là thành sân bóng. Có sân là tù tì bắt phía rồi nhập cuộc liền. Cứ chia đôi quân số ra mà đá, ít nhiều đều được, đá bóng giáp lá cà chứ không có chiến lược chiến thuật gì ráo, cũng không có trọng tài luôn. Cầu thủ kiêm luôn trọng tài, đội này bắt đội kia, theo nguyên lí “đúng nhận sai cãi”. Kết thúc, đội nào thua sẽ đi lùa bò cho đội bạn.

Hồi đó, tôi được biệt đãi, nếu bị thua cũng không phải chịu phạt, Bình không để tôi chịu phạt bao giờ. Có phải là tình đầu không khi lần đầu tiên tôi biết ngó chừng đằng ấy, không biết chiều nay có chăn bò không. Và nếu chia phe đá bóng, tôi sẽ không ngần ngại xung phong ở đội của Bình liền. Đá bóng nhưng mắt hay dõi theo Bình thay vì lúc nào cũng nhìn theo đường bóng lăn.

Bình đá sao tôi cũng thấy hay, hắn có biệt tài đội đầu, nếu hắn ghi bàn bằng cách đánh đầu, tôi hạnh phúc bay bổng. Mỗi lần bị/được bạn bè ghép đôi, miệng chối đây đẩy nhưng trong dạ rất ưng. Không chỉ đá bóng khi chăn bò đâu, buổi tối Bình còn ra nhà hỏi bài, mượn vở, tôi lấy điều đó làm vui. Và cũng từ đó, buổi tối không theo ba tới nhà Bình coi bóng đá nữa, ba hỏi sao không đi, tôi trả lời mắc học, chứ chẳng lẽ lại nói nay con gái đã biết mắc cỡ với con ông chủ nhà rồi.

truyen ngan y chi dung day3.jpg
Ảnh minh họa: ITN.

Rời khỏi tuổi thơ mục đồng, tôi đi học trường huyện rồi trường phố, còn Bình chỉ dừng ngang việc học khi mãn cấp 2, vậy là những ngại ngùng đầu đời đã khép lại.

Sau này, đang là sinh viên, tôi có nghe chuyện Bình tổ chức đường dây cá độ bóng đá ở quê, làm ăn lớn tới mức công an phát hiện, và Bình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ôi Bình ơi, ai lại thưởng thức bóng đá theo cách đó, quả bóng đáng lẽ phải là niềm vui lại trở thành nỗi đau. Mong bạn sẽ kiên cường đứng dậy sau cú ngã này, như một chiến binh hạng A trên sân cỏ…

***

Tôi lấy chồng, một chàng mê bóng đá. Những trận đấu trong nước và quốc tế anh coi không xót trận nào. Và tôi, một cô vợ cuồng chồng thì sẵn sàng đồng hành cùng anh từ đầu đến cuối những mùa bóng.

Bóng đá truyền cảm hứng cho anh, anh truyền xúc cảm cho tôi, nếu những cầu thủ trên sân đập cùng một nhịp tim thì tôi và anh cũng vậy. Háo hức từ phút đầu đến phút cuối, được trao đổi, tranh luận, tâm đắc cùng anh những pha bóng đẹp, đó là khoảnh khắc hạnh phúc của cô vợ trẻ tôi, cảm giác mình có thể đồng hành cùng chồng mọi ngóc ngách cuộc đời, vì ý nghĩ ấy mà tôi nổi giận khi trọng tài chính thổi còi kết thúc trận đấu.

Bây giờ thì tôi đã đủ trưởng thành để khám phá ma lực của trái bóng trên sân cỏ, ở đó có chiến lược chiến thuật, có sự tập trung, nhẫn nại và tinh tế. Cá nhân lên ngôi hay tình đồng đội thăng hoa? Chậm chạp, lề mề. Nhanh nhẹn, dứt khoát. Bình tĩnh, tự tin. Yếu ớt, mất tinh thần. Uyển chuyển hào hoa, ma mãnh, tiểu xảo, thậm chí thô bạo, cộc cằn, bán đứng đồng đội cũng có luôn. Hiểu rồi, bóng đá hấp dẫn vì bóng đá là cuộc đời.

Cuộc đời, rốt cuộc cũng như một sân bóng vĩ đại và ta là cầu thủ trên sân, đừng hy vọng sẽ không bao giờ bị đánh ngã mà hãy nuôi ý chí mọi giá phải đứng dậy. Cũng đừng bao giờ nghĩ lúc nào cũng chiến thắng dù mình có là kẻ mạnh, và điều bẽ bàng cao đẹp là phải biết hoan hô tài năng và chúc mừng chiến thắng của đội bạn. Sự tôn trọng là nền tảng bất diệt của bóng đá, của cái đẹp thẳm sâu.

***

Cũng không nhớ tôi và anh đã không còn đồng hành bao mùa Euro rồi.

Tôi là vậy, say đắm nhưng dứt khoát. Yêu chí chết, đau chí mạng nhưng nhất định không được đổ nhào như cây chuối bị xén gốc, tôi sẽ đứng dậy như những chiến binh dũng mãnh trên sân cỏ.

Từ những trận bóng, tôi hiểu được lẽ vô thường của tình yêu - cũng na ná như đường lăn của quả bóng nên luôn dự phòng tình huống mình có thể sẽ bị đánh bại bất cứ lúc nào. Nên khi có người thứ ba xuất hiện, tôi đắng cay chấp nhận thua cuộc và sống vui vẻ với giọt máu anh để lại - dù đã đau tới mức tưởng sẽ hóa điên.

Không hóa điên sao được khi anh và cô ấy tay trong tay, khi “đối thủ” của anh đã nắm được thóp, họ gọi tôi đến bắt tại trận để danh chính ngôn thuận “rút thẻ đỏ” cho sự nghiệp anh phấn đấu nhưng tôi không. Sự nghiệp của anh chẳng liên quan gì đến mẹ con tôi nữa nên tôi chẳng có lí do để vun vén, giữ gìn. Nhưng tôi không cho phép mình làm điều khó coi như vậy. Ê chề vậy đủ rồi, tôi phải chọn con đường lành nhất để giữ thể diện cho mình, cho con và cho đồng đội tôi - những người phụ nữ trong cảnh tương tự.

Tôi chọn thấu suốt nhưng không vạch trần. “Thấu suốt” để chọn cho mình lối đi riêng, để người ta hạnh phúc như lựa chọn. Người ta rủa xả tôi ngu, nhưng phải như thế tôi mới thấy dễ chịu. Tôi nghĩ cuộc đời, hơn nhau ở chỗ biết chiến bại trong danh dự, tôi đã thi đấu hết mình nên thua cuộc này không thể tước đi danh dự đàn bà của tôi. Cũng như bóng đá, không thể lấy thất bại để luận anh hùng.

Lại một mùa Euro nữa!

Tôi đã đứng dậy sau những chênh vênh vực thẳm. Tôi niệm câu chú quá khứ quan trọng nhưng đôi khi quá khứ chẳng có ý nghĩa gì, hiện tại mới quyết định tương lai, tôi nhất định phải là một người mẹ kiên cường để bắt mình thoát khỏi cái bóng quá lớn của cuộc hôn nhân tồi tàn.

Tôi xem Euro cùng con trai. Hai mẹ con hòa nhịp cùng hàng triệu triệu con tim khi quả bóng được thổi hồn sau tiếng còi khai cuộc. Bạn sẽ không sợ cô đơn nếu là một khán giả nghiêm túc. Tôi truyền cho con bí quyết, hãy xem một trận bóng như đang được xem trận chung kết, con sẽ thấy tích cực và run rẩy với từng pha bóng… Nhìn con xem bóng, vừa xem vừa bắt mẹ giải thích các vị trí, luật chơi mà tôi nôn nao chờ ngày con lớn.

Rồi mai đây, bằng cách nào đó tôi nhất định sẽ nói với con rằng: Cũng như các cầu thủ, con phải xác định được mục tiêu đời mình, bởi sân bóng cuộc đời sẽ có nhiều khó khăn, nên cần phải nhẫn nại, kiên trì, và phải biết hy sinh, cống hiến. Một trận đấu hay thì các cầu thủ phải thi đấu như đó là trận bóng cuối cùng, cũng như cuộc đời vậy, nó chỉ thực sự ý nghĩa khi con sống mỗi ngày như ngày cuối cùng của cuộc đời.

Nỗ lực hết mình và chấp nhận thua cuộc vui vẻ - đó là sống đẹp. Hãy nhớ, bóng đá đích thị là cuộc đời, mọi điều đều có thể xảy ra…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ