Truyện ngắn: Đánh thức giấc mơ

GD&TĐ - Những ngày tôi đến với Tây Nguyên có Ksor Sớp làm người dẫn đường. Em đưa tôi đi cùng khắp...

Minh họa: Vietpink
Minh họa: Vietpink

Cuối rẫy cà phê có con suối chảy róc rách. Ksor Sớp nói với tôi như vậy. Em ấy mách tôi rằng, men theo con suối Pơ Lang này có thể bắt được ốc được cua và thêm vô số loài sinh vật khác nữa vốn sống trong hồ nước lớn trên thượng nguồn con suối.

Tôi thắc mắc vì sao đồng bào mình lại đặt tên cho suối là Pơ Lang. Ksor Sớp tươi cười: “Con suối chảy qua nhiều cội pơ lang. Hoa của cây này ở đồng bằng có tên là hoa gạo, hoa mộc miên… Khoảng chừng tháng Ba, tháng Tư, pơ lang lại nở hoa đỏ rực, đẹp lắm anh ạ!”.

Những ngày tôi đến với Tây Nguyên có Ksor Sớp làm người dẫn đường. Em đưa tôi đi cùng khắp. Tôi đùa, bảo Ksor Sớp có tố chất của một hướng dẫn viên du lịch giới thiệu vẻ đẹp của đại ngàn Tây Nguyên. Ksor Sớp nhìn tôi, nhoẻn miệng cười để lộ trên màu da bánh mật một hàm răng trắng.

Nhưng Ksor Sớp không còn đi học nữa. Giấc mơ ấy sẽ mãi mãi bị chôn vùi trên những rẫy ruộng nắng cháy, sẽ chẳng bao giờ được đánh thức.

Con đường đất đỏ đưa tôi và Ksor Sớp về cuối rẫy. Một dòng suối nhỏ xuất hiện trước mắt tôi, uốn lượn giữa đôi bờ có cỏ dại xanh mướt mọc đầy, nở hoa li ti trắng xoá. Nước suối trong vắt, tôi nhìn sâu xuống lòng nước thấy những hòn đá cuội mấp mô.

- Rửa tay, rửa mặt đi anh! Mát lắm.

Tôi “ừ” rồi cúi xuống vốc nước rửa mặt, chợt sững lại vì trên mặt nước trong như gương thấp thoáng bóng hình của một người con gái. Tôi ngẩng mặt lên. Một nàng sơn nữ đang ngồi chải tóc bên suối, mái tóc xoã xuống một bên vai. Trông nàng như vừa bước ra khỏi bức chân dung trên nền lụa khiến tôi bồi hồi, ngẩn ngơ, say đắm.

- Chị H’ Sa Chi!

Ksor Sớp gọi to. Tiếng của em khiến tôi giật mình, tôi bước lên bờ.

- Ai vậy, Sớp?

- Ksor H’ Sa Chi, chị gái của em đấy!

Tôi ngạc nhiên:

- Em có chị gái nữa à?

- Vâng! - Em bối rối - Em chưa nói cho anh biết!

Tôi nhìn Sớp, rồi nhìn sơn nữ bấy giờ đã đưa gùi cà phê chín đỏ lên lưng. H’ Sa Chi bước về phía tôi, gật đầu chào rồi nhìn Ksor Sớp bằng ánh mắt tò mò. Em nhanh nhảu:

- Anh Quân, chị ạ! Anh ấy ở Sài Gòn đấy! Em dẫn anh Quân vào thăm rẫy, tiện đường ghé ngang qua.

Biết tôi là bạn của Sớp nên H’ Sa Chi không còn tỏ vẻ xa cách như ban nãy. Cô nở nụ cười, trông cũng như nụ cười của Sớp nhưng dịu dàng và ý nhị hơn.

Tôi không cặm cụi bắt ốc bắt cua như kế hoạch ban đầu, cũng chẳng lội lên thượng nguồn con suối tìm sắc hoa pơ lang trong truyền thuyết. Vì ngay bên tôi đã có một bông hoa pơ lang tuyệt đẹp và đầy mê hoặc. Tôi bước theo sau H’ Sa Chi, sau lưng tôi là Sớp. Một khoảng cách nhất định đủ để tôi cảm nhận được mùi hương thanh dịu từ những quả cà phê chín đỏ lúc lỉu trong chiếc gùi đan nhặt của cô.

Thỉnh thoảng tôi có thấy Sớp để ý tôi, nhưng tôi không quan tâm. Tôi cứ mải miết nhìn H’ Sa Chi bởi ở cô gái này có nét gì đó vô cùng cuốn hút, khiến tôi tò mò như thể đang tò mò về thượng nguồn con suối Pơ Lang với những cội hoa đắm mình trong nắng gió Tây Nguyên, tháng Ba tháng Tư lại bung nở sắc hoa đỏ rực…

***

H’ Sa Chi hơn Sớp năm tuổi. Họ sống cùng gia đình trong một ngôi nhà sàn nhỏ cuối buôn Hoa.

Tôi đã đến buôn Hoa một lần. Lần trước, khi chiếc xe vừa qua hết con đèo, đang hướng về phía trung tâm thị trấn, bỗng chiếc xe tắt máy. Cả đoàn nháo nhào. Tôi bước xuống, hít gió trời. Khi ấy, Tây Nguyên nắng nóng hầm hập. Tôi cúi xuống vốc một nắm đất đỏ bazan đưa lên mắt nhìn rồi nhẹ nhàng thả bay trong nắng của một buổi trưa rực lửa.

Tài xế thông báo động cơ xe bị hư hỏng nặng, không thể đi tiếp được. Một vài người già tỏ ra khó chịu. Tôi vẫn điềm nhiên. Cũng phải khi vầy, khi khác. Trưởng đoàn lục danh bạ, gọi điện thoại cầu cứu.

Chúng tôi nấp dưới bóng mát của những cây kơ nia đứng chơ vơ bên đường. Sau đó không lâu, một chiếc xe công nông khục khịt chạy ra, kéo chiếc xe mười sáu chỗ ngồi đang hỏng hóc. Một vài người lên xe, chịu nóng, một vài tìm taxi hoặc thuê người dân chở về thị trấn. Tôi cuốc bộ, đi vô tư. Đoàn khách đi thực tế phân rã, cũng chẳng ai quan tâm nhau.

Đi được một đoạn, tôi dừng lại, nốc cạn bình nước. Nắng quái. Tôi nhìn xung quanh. Một cảnh tượng yên ắng đến rợn ngợp. Phía bên kia, tôi trông thấy con đường nhỏ giữa hai bên cây cối um tùm, điểm xuyết trên nền xanh của cây cỏ là những bông dã quỳ màu vàng rực nở sớm. Con đường đất đỏ dẫn vào sâu bên trong.

Buôn Hoa - hai tiếng ấy được đề gọn trên tấm bảng thiếc đã hoen rỉ lấp ló sau tán cây vượt khỏi đầu người.

Vô tình gặp tôi đang đi vào trong buôn, khác với những đứa trẻ người đồng bào thiểu số khác có phần rụt rè, ái ngại, Ksor Sớp nhanh nhảu bước đến hỏi tôi tìm nhà ai. Biết tôi lỡ đường, Sớp Ksor tươi cười chia cho tôi chút nước em mang lên rẫy, dẫn tôi đi một vòng quanh buôn Hoa cho đến khi bóng chiều xập xệ.

Tôi chào em, rời buôn rồi tiếp tục cuốc bộ về thị trấn. Chiều Tây Nguyên đỏ rực, đẹp, hùng vĩ, nhưng sự vắng lặng khiến tôi có cảm giác lạnh lạnh ở sống lưng.

Lúc đó, tôi chưa gặp H’ Sa Chi.

Lần này, tôi còn là vị khách lỡ đường tiện chân tạt vào buôn Hoa. Tôi đến đây để tìm Ksor Sớp. Tôi không phải dân Tây Nguyên đất đỏ, nhưng Tây Nguyên - sau bao lần đến và đi - vẫn chiếm một vị trí đặc biệt trong tôi.

Tôi bắt xe lên buôn Hoa sau một cuộc xáo trộn phức tạp trong cuộc sống thường nhật, trong công việc và tình yêu. Những giấc mơ sụp đổ. Niềm tin về một mái ấm hạnh phúc cũng đã tan biến trong tôi khi một đêm Sài Gòn rất thơ, tôi bắt gặp em trong chiếc ô tô chưa kéo cửa kính, sượt ngang qua tôi. Em thường không có thói quen đi ô tô, trừ trường hợp đặc biệt mới gọi taxi đi tạm. Tôi ngờ ngợ. Một dấu hỏi vẩn lên trong đầu. Tôi đuổi theo. Em bước xuống trong sự săn đón và nâng gót của một người thanh niên khác.

Chúng tôi nhìn nhau. Chết lặng. Tôi không hỏi vì sao. Em cũng không giải thích. Một sự kết thúc bình yên.

Ai đời lại đi yêu một nhà báo nay đây, mai đó, không ổn định, tương lai mịt mờ? - Tôi loáng thoáng nghĩ vậy. Cười.

Tôi như một kẻ mất phương hướng. Thành phố bỗng dưng ngột ngạt quá, nó khiến tôi khó thở và bức bối vô cùng. Tây Nguyên, buôn Hoa và Ksor Sớp - tôi thoáng nghĩ thế. Book vé xe. Chiếc xe lao đi trong đêm. Về phía núi.

***

Tôi giúp H’ Sa Chi đỡ chiếc gùi đã đầy cà phê chín đỏ, thơm thoang thoảng. Tây Nguyên đang vào mùa thu hoạch cà phê. Trời nắng nhạt, buổi trưa hơi gắt, làm sáng bừng màu đỏ của đất bazan đổ từ đỉnh xuống chân đồi.

Mùi cà phê quyện trong không gian thơm nồng khiến cho tôi - từ một người không mấy hạp với thứ thức uống đắng nghét chỉ có người sành mới thưởng thức nổi, cũng thèm vụng một tách cà phê trong buổi sớm mờ sương phủ xuống đại ngàn trong veo.

truyen-ngan-danh-thuc-giac-mo-2-9306.jpg
Ảnh minh họa: INT.

Chúng tôi, không ai nói với ai câu gì. Chỉ có tiếng con suối Pơ Lang róc rách chảy.

Im lặng một thoáng, H’ Sa Chi buột miệng:

- Sao anh Quân không nói gì? Ngày kia anh về lại thành phố rồi, phải không anh?

Tôi gật đầu:

- Ừ, ngày kia anh về. Anh không biết nói gì, vì nhìn vào mắt H’ Sa Chi, tự dưng anh quên hết mọi thứ!

H’ Sa Chi cúi mặt, ngượng nghịu. Em khác hoàn toàn với suy nghĩ của tôi về những cô gái Tây Nguyên mà trước đó tôi chỉ biết qua văn chương, qua tranh vẽ, những cô gái ngực trần man dại, thẳng thắn, khoáng đạt đi trong bóng chiều nghiêng ngả trên đồi, đi dưới bóng cây kơ nia. H’ Sa Chi của tôi dịu dàng, e ấp và ý nhị hơn nhiều. “H’ Sa Chi của tôi…” - Tôi nghĩ lại câu nói của chính mình. Lòng bồi hồi.

- Anh Quân - H’ Sa Chi gọi tôi. Khi ấy, có cánh hoa pơ lang theo dòng nước trôi xuống. Em vội nhặt. Thoáng chốc, cánh hoa đã nằm gọn trong tay em mềm.

- Sao thế, H’ Sa Chi?

Giọng em buồn:

- Lần sau anh Quân đến, chắc anh Quân không còn gặp em nữa.

Tôi há hốc mồm, nhìn em. Không để tôi phải đợi lâu, em

nói luôn.

- Ba em bảo, H’ Sa Chi đã đến tuổi trưởng thành, em phải nhắm cho mình một chàng trai để yêu thương và sống đời. Người Jrai chúng em theo chế độ mẫu hệ, anh Quân ạ!

Tôi đã từng nghe về chế độ mẫu hệ - một tập tục hôn nhân của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhìn vào mắt H’ Sa Chi, tôi thấy trong đó cả một trời ước mơ về tự do, hạnh phúc…

Em nói với tôi rằng, em không muốn phải lựa chọn vội vã một người nào đó cho đúng với phong tục truyền thống. Em chỉ thích được sống tự do như bao cô gái hiện đại khác, muốn được yêu thương, chở che, muốn được vượt xa khỏi những cánh đồng, những ngọn đồi, những rẫy cà phê heo hút để biết thêm về thế giới bên ngoài.

“Ở thành phố chắc rộn rã và hiện đại lắm, anh Quân nhỉ?” - Em thường hỏi tôi như vậy mỗi khi dẫn tôi ra suối bắt ốc, lên rẫy hái cà phê hay ngược lên thượng nguồn con suối Pơ Lang mang về cả một gùi đầy hoa pơ lang đỏ rực.

Sợ H’ Sa Chi buồn, tôi nói lãng đi chuyện khác, dù lòng tôi vẫn còn bộn bề trong cái chế độ mẫu hệ của đồng bào em.

- H’ Sa Chi đến thành phố bao giờ chưa? - Tôi hỏi.

Em cười, lắc đầu. Một nụ cười hồn nhiên như gió, trong trẻo như sương.

- Chưa, anh Quân ạ! Em chỉ quẩn quanh ở buôn Hoa này, xa nhất là ra ngoài thị trấn. Mà ở đó cũng còn thôn dã lắm!

Tôi im lặng. H’ Sa Chi nói tiếp:

- Và nếu như em lấy chồng, thì suốt đời em sẽ luẩn quẩn trong cái buôn Hoa tiêu điều này, bên những rẫy cà phê, rẫy thuốc lá. Bước chân em sẽ làm mòn cả thang gỗ dẫn lối lên nhà sàn. Những bóng cây kơ nia sẽ thay nhau phủ lấy đời em. Buồn lắm!

Tôi thở dài, đưa tay vốc nước lên mặt. Những bụi bặm cao nguyên trôi hết. Mặt tôi nhẹ hẫng. Tôi lấy một hòn sỏi ném ra giữa xuống. Một tiếng động vang lên. H’ Sa Chi nhìn tôi, bắt gặp ánh mắt của tôi đang nhìn vào mái tóc xoăn nhẹ kiểu tự nhiên, được búi gọn trên đỉnh đầu, đôi vai trần không sợ nắng gió vì càng nắng càng gió thì da em càng mịn màng và quyến rũ hơn rất nhiều.

truyen-ngan-danh-thuc-giacmo7-2708.jpg
Ảnh minh họa: INT.

- Sao anh Quân nhìn em dữ vậy? - H’ Sa Chi hỏi.

- Vì anh thấy H’ Sa Chi đẹp! Đẹp lắm! Hơn cả hoa pơ lang…

Em cười, úp mặt vào hai lòng bàn tay.

***

Tôi nói với Ksor Sớp ráng đi học, sau này đổi đời, không phải vất vả, lam lũ trong cái buôn Hoa buồn bã này nữa.

“Em phải đi học, để còn làm hướng dẫn viên du lịch nữa chứ?” - Tôi nói vậy. Em phì cười: “Em nghỉ học lâu rồi, giờ đi học lại không được. Em quên mặt chữ rồi, anh Quân! Mà, tiền đâu để đi học…”. Giọng em rệu rã.

Tôi nhìn em. Sớp của tôi, chẳng lẽ em mãi để những giấc mơ của mình ngủ vùi, chẳng bao giờ được đánh thức hay sao?

Ngày tôi rời buôn Hoa, chiều Tây Nguyên mưa đổ. Ba H’ Sa Chi lấy chiếc xe cũ rệp mà ông thường chạy lên rẫy, quanh quẩn trong buôn để đưa tôi ra thị trấn. Ở đó có chuyến xe đò đưa tôi về thành phố, xe chạy thẳng một mạch, trong một đêm là tới.

H’ Sa Chi và Sớp đưa tôi ra đến đầu buôn, qua khỏi rẫy cà phê nơi mà những ngày tôi ở buôn Hoa, tôi thường theo H’ Sa Chi và Sớp lên rẫy chọn hái những quả chín đỏ, thơm nức mũi. Con suối Pơ Lang nằm lại phía xa xôi, cuối rẫy. Tôi vẫn còn nghe đâu đó tiếng suối chảy róc rách qua bao lèn đá mịn. Không biết có thực là tiếng suối, hay là tiếng vọng về trong tâm tưởng của tôi.

- H’ Sa Chi và Sớp ở lại mạnh giỏi! - Tôi nói vậy.

Sớp buồn. H’ Sa Chi cũng buồn. Sớp cứ níu lấy tay tôi trong khi tôi đi bộ ra đầu buôn Hoa, còn H’ Sa Chi lủi thủi đi sau. Thỉnh thoảng, tôi cố tình đi chậm lại để H’ Sa Chi đi ngang với tôi. Nhưng em vẫn lùi lại. Dường như để giấu che cảm xúc.

- Anh Quân về thành phố khi nào trở lại buôn Hoa? - Ksor Sớp hỏi.

Tôi lắc đầu:

- Anh chưa biết. Sắp xếp công việc ổn thoả, anh lại lên chơi.

Sớp hồn nhiên nhìn sang H’ Sa Chi, rồi nhìn tôi:

- Đám cưới chị H’ Sa Chi, anh Quân nhất định lên buôn Hoa nhé!

Tôi nhìn H’ Sa Chi, còn H’ Sa Chi thì nhìn lãng đi. Sớp còn nhỏ quá, em chưa đủ hiểu H’ Sa Chi vẫn chưa muốn lấy chồng, mà cũng không muốn lấy một ai khác cho đúng với phong tục, cho yên bề gia thất, ngoại trừ một người mà cả H’ Sa Chi và họ chưa một lần nói thẳng với nhau những lời cần nói.

truyen-ngan-danh-thuc-giac-mo5-8857.jpg
Ảnh minh họa: INT.

Ba em giục:

- Đi thôi, con! Trễ xe mất.

Tôi xoay sang nhìn H’ Sa Chi. Trong mắt em là một khoảng không thăm thẳm. Dường như em sắp khóc.

- Hai chị em giữ sức khoẻ nhé. Khi nào rảnh rỗi, anh lại lên buôn Hoa. Hai chị em lại dẫn anh Quân đi hái cà phê, nhặt hoa pơ lang, đi hái kơ nia, dạy anh tiếng Jrai nữa nhé!

Tôi trèo lên xe. Ba em đạp mạnh. Chiếc xe nổ máy, một đường khói đen kịn khọt ra sau ống khói. Chiếc xe đưa tôi đi trên con đường đất đỏ, cơn mưa đêm qua làm cho con đường nhão nhoẹt bùn lầy.

Đi một quãng xa, tôi ngoái lại, vẫn còn trông thấy H’ Sa Chi đứng nhìn đăm đăm về phía tôi. Bóng em đổ dài trong bóng chiều. Còn Sớp đang mải mê với vầng mặt trời sắp tắt.

***

Buôn Hoa, H’ Sa Chi, Sớp và những rẫy cà phê chạy dài đến tận con suối Pơ Lang. Tất cả đã trở thành kỷ niệm trong tôi.

“H’ Sa Chi” - Tự dưng tôi lại gọi em. Tôi gọi H’ Sa Chi trong tiềm thức. Khi tên em vang lên, một cảm giác mơn man chạy dọc khắp người tôi, dọc sống lưng, trong từng chân tơ kẽ tóc.

H’ Sa Chi - cô gái người dân tộc Jrai mang trên mình vẻ đẹp phóng khoáng, mạnh mẽ của núi rừng nhưng cũng không kém phần dịu dàng, duyên dáng. Em như bông hoa cà phê chớm nở, hương sắc thơm đầy, khát khao được sống trong bầu ánh sáng trong trẻo và tinh khôi của những sớm mai Tây Nguyên thức giấc. Cũng như Sớp, em có những giấc mơ đẹp đẽ và phập phồng trong lồng ngực, và tất nhiên em không muốn những giấc mơ ấy ngủ vùi.

Tôi nhớ một lần nọ, khi đang đứng dưới những gốc pơ lang già, đếm hoa pơ lang rụng và nhặt những bông hoa đẹp nhất bỏ vào trong gùi. Chỉ còn một ngày nữa là tôi sẽ trở về thành phố. Tôi nói với H’ Sa Chi:

- H’ Sa Chi có quên anh Quân không? Ngày mai anh phải về thành phố!

H’ Sa Chi nhìn tôi. Mắt em mềm và đầy mê hoặc:

- Không đâu, anh! H’ Sa Chi chẳng bao giờ quên anh!

Tim tôi đập mạnh trong lồng ngực. Và hương hoa. Và gió đại ngàn. Và dòng suối reo róc rách. Tôi đưa tay mình lên, chạm ngón tay vào khuôn mặt mịn màng của em, xuống vai trần. Tay tôi nắm bàn tay bé nhỏ của em.

- H’ Sa Chi… - Tôi thều thào.

Có đại ngàn minh chứng cho tình tôi.

Mưa rơi xối xả. Mưa ầm ĩ đổ xuống mái che của nhà xe, khách đang từ từ lên xe, chỉ còn ba mươi phút nữa chiếc xe sẽ khởi hành tiến về thành phố.

Tôi nhìn ra xa. Thị trấn hắt hiu buồn. Tôi thấy đâu đó trong không gian hình ảnh diễm kiều của cô gái Jrai: Ksor H’ Sa Chi. Tôi mải miết ngắm nhìn. Bóng em hiện về trong chiều Tây Nguyên mưa đổ.

- Này, anh kia, có về thành phố không? Xe chạy bây giờ! - Anh lơ xe tỏ vẻ khó chịu.

Tôi giật mình.

Trong vô thức, tôi lắc đầu. Không đợi anh lơ xe nói thêm gì nữa, tôi quảy ba lô rời khỏi nhà xe sau khi cơn mưa chiều vừa dứt. Về buôn Hoa. Về để cùng H’ Sa Chi hái cà phê chín đỏ, để cùng H’ Sa Chi lên suối vớt hoa pơ lang thủng thẳng trôi xuống dòng, để nói với H’ Sa Chi những lời mà tôi chưa kịp nói…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ