Truyền năng lượng đến lớp từ cách 'học thông qua chơi'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trẻ học thông qua các hoạt động chơi không chỉ ở nhà mà ở trường sẽ khiến tiết học thú vị hơn, tiếp cận môn học dễ dàng hơn.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) trong ngày hội học thông qua chơi. Ảnh: ITN.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) trong ngày hội học thông qua chơi. Ảnh: ITN.

>>> Cách vừa học vừa chơi với con hiệu quả

Học sinh vui vẻ, thân thiện hơn

Học thông qua chơi được hiểu theo nghĩa rộng là hướng tiếp cận giáo dục. Ở đó học sinh được tương tác, trải nghiệm, khám phá và giải quyết vấn đề trong môi trường học tập vui vẻ.

Giáo viên kết nối mục tiêu học tập với hoạt động chơi nhằm thúc đẩy sự tham gia và tự chủ của học sinh, từ đó góp phần phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

Chơi mang tính giáo dục khi vui vẻ, có ý nghĩa, sự tham gia tích cực, nhiều cơ hội thử nghiệm và có tương tác xã hội.

Các đặc điểm của “học thông qua chơi” có thể được thể hiện ở mức độ khác nhau trong một hoạt động và không nhất thiết hoạt động học nào cũng phải hội tụ đủ những đặc điểm trên.

Tuy nhiên, những đặc điểm này sẽ giúp giáo viên phát triển kế hoạch bài học hướng đến một lớp học vui vẻ, khuyến khích học sinh giao tiếp tích cực, giao nhiệm vụ để học sinh chủ động tham gia và cơ hội trải nghiệm thông qua việc áp dụng các kỹ thuật mang tính sáng tạo.

Với “học thông qua chơi”, giáo viên có thể tạo ra sự vui vẻ bằng các hoạt động tập thể, lồng ghép những bài hát hoặc nhảy để hâm nóng bầu không khí; càng tuyệt vời hơn khi qua việc tạo những thử thách khó để học sinh thể hiện bản thân, giáo viên có thể thúc đẩy sự phấn khích, tự hào và tham gia tích cực của các em.

Đặc biệt, đối với các bé ở độ tuổi mầm non, rất khó để khiến các bé tập trong thời gian dài. Nhưng tùy vào từng sự vật và hoạt động sẽ kích thích sự chú ý đối với bé.

Giáo viên nên dùng những dụng cụ học tập mang nhiều màu sắc, lồng ghép những bài hát vào quá trình giảng dạy. Đồng thời, phụ huynh nên tạo những tình huống để bé được chính mình trải nghiệm và khám phá sẽ khiến những bài học được ghi nhớ lâu và sinh động trong mỗi buổi học.

Cô Hoàng Thị Hương, Trường Tiểu học Đạo Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên, Hà Giang) vui mừng vì kết quả đạt được sau khi áp dụng “học thông qua chơi cho trẻ”. Theo cô Hương, không khí lớp học được cải thiện rõ rệt, học sinh vui vẻ, thân thiện hơn. Đặc biệt là sự thay đổi về phương pháp dạy học của chính cô.

Đơn giản như về phần trang trí lớp học, trước kia, cô Hương chỉ nghĩ làm sao để lớp học đẹp hơn, thẩm mỹ hơn. Nhưng sau khi áp dụng “học thông qua chơi cho trẻ”, cô đã trang trí lớp có chủ đích, theo từng chủ đề mà mình muốn hướng dẫn, giới thiệu cho các em. Để từ đó, sau khi học xong, các con có thể nhìn ngắm xung quanh và áp dụng ngay vào thực tế, đồng thời luôn hứng thú, vui vẻ tham gia các hoạt động.

“Đôi khi trẻ sẽ có phần hồi hộp khi đưa ra đáp án nào đó hoặc mô phỏng một hành động chưa chính xác, nhưng các con luôn nỗ lực tương tác và rất vui khi được cô khen nên tôi rất hạnh phúc”, cô Hương chia sẻ.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Truyền năng lượng đến lớp học

Điều quan trọng hơn nữa là khi đưa “học thông qua chơi” vào lớp, cô Hương đã lan tỏa đến các đồng nghiệp. Các cô giáo khác cảm thấy rất hào hứng và bất ngờ thốt lên: “Ơ, sao lớp cô Hương vui thế!”. Khi các cô đứng ở ngoài xem, ai cũng muốn tham gia dự giờ để có thể học hỏi.

“Ban đầu tôi còn e ngại vì bản thân cũng có tuổi rồi, mà còn phải thay đổi cả kế hoạch dạy học đã nghiên cứu, định hình trong nhiều năm qua, rồi còn phải thay đổi cả suy nghĩ. Bởi vì khi đó mình suy nghĩ là đã học cho ra học, chơi cho ra chơi. Chứ các con lo chơi thì lấy thời gian đâu mà học. Nhưng thực chất, chơi ở đây đã gắn nội dung học tập kèm theo. Phụ huynh cho biết rằng các con về nhà hào hứng kể: Mẹ ơi hôm nay đến lớp con chơi vui lắm” - cô Hương chia sẻ.

Theo cô Hương, một số phụ huynh cũng mong muốn có thể dự giờ các tiết học để xem “học thông qua chơi” được áp dụng ra sao. Sau đó, các cô giáo cũng kết hợp tuyên truyền cho cha mẹ học sinh của lớp mình, đồng thời tổ chức một ngày hội vui chơi vô cùng đáng nhớ. Việc kết nối với cha mẹ cũng dễ dàng hơn.

Ví dụ khi dạy học về bài cánh diều, cô giáo nhắn cho cha mẹ về chuẩn bị nan diều cho các em, cùng những tờ giấy thủ công để học về cánh diều. Sau đó, khi làm xong các con có thể mang cánh diều về nhà chơi.

Cô Hương nhắn nhủ với phụ huynh, việc học và chơi không chỉ được áp dụng tại lớp mà còn có thể mang về nhà. Hầu hết trẻ đều bị thu hút bởi hình ảnh, âm thanh, màu sắc sống động. Chính vì thế, bố mẹ trong quá trình dạy nên đưa ra một số ví dụ về hình ảnh để con có thể nhớ nhanh và lâu hơn.

Hình ảnh có thể là ảnh chụp, tranh vẽ hoặc bất kỳ thứ gì mang ý nghĩa minh hoạ. Những hình ảnh và màu sắc trực quan sẽ thông qua thị giác và truyền đến bộ não tốt hơn.

Thầy Huỳnh Thế Nhã - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chính Nghĩa (TPHCM) cho biết, sau khi áp dụng “học thông qua chơi” vào lớp học đã có rất nhiều lợi ích. Đầu tiên là thay đổi không gian và không khí học tập của các em, đặc biệt là thay đổi thói quen ở mỗi tiết dạy học.

“Học thông qua chơi” đã truyền năng lượng giúp các thầy cô tích cực hơn trong các hoạt động. Đặc biệt, học sinh rất thích thú với những tiết học, lan toả không khí, tinh thần và niềm vui đến với phụ huynh.

Thầy Huỳnh Thế Nhã chia sẻ: “Sau đại dịch kéo dài, học sinh bị hạn chế rất nhiều trong việc giao tiếp với mọi người, từ đó cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Khi quay lại trường học, việc học qua chơi đã giúp các em lấy lại được tinh thần học tập của mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ