Sáng 26/10, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức đại hội Hội sản xuất và kinh doanh cam Vinh lần 2 và Hội thảo truy xuất nguồn gốc cam Vinh qua tem điện tử.
Từ lâu, cam Vinh đã trở thành một loại quả đặc sản của Nghệ An. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “cam Vinh” bao gồm cam trồng tại 12 xã thuộc 5 huyện: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Hưng Nguyên và Nghi Lộc, với 3 giống cam: Xã Đoài, Vân Du và cam Sông Con, quy mô gần 2.000 hecta. Theo kế hoạch, đến năm 2020 vùng diện tích trồng cam Vinh sẽ được mở rộng lên đến hơn 8.000 hecta.
Mùa cam thường bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau), dù sản lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn nhưng nhu cầu thị trường đối với cam Vinh rất lớn.
Thực tế đã xảy ra tình trạng cam kém chất lượng hoặc cam từ các địa phương khác đưa về trộn lẫn với cam Vinh để bán. Điều này về lâu dài sẽ gây mất niềm tin của người tiêu dùng có mua được cam Vinh thật hay không cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu cam Vinh.
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh là một giải pháp đưa ra nhằm bảo vệ thương hiệu loại quả đặc sản và nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, người kinh doanh
Đây là giải pháp nhằm bảo vệ thương hiệu cam Vinh và nâng cao trách nhiệm nhà vườn |
Theo đó, từ vụ cam năm 2017, thực hiện chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở Khoa học & Công nghệ sẽ tiến hành in 550.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho 5 đơn vị đủ điều kiện được dán tem.
Ngoài ra, Sở sẽ cấp 5 máy in tem cho 5 đơn vị sản xuất cam. Việc in tem do Sở Khoa học & Công nghệ quản lý, các cơ sở đủ điều kiện in tem chỉ được in số lượng theo đăng ký với Sở Khoa học & Công nghệ.
Đơn vị (người trồng cam) được phép dán tem phải dán tem truy xuất nguồn gốc trên từng quả cam và bao bì chứa cam trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Yếu tố này nhằm gắn trách nhiệm của người trực tiếp sản xuất và hạn chế được tình trạng các thương lái tìm cách trà trộn các loại cam khác vào cam Vinh để cung cấp cho thị trường.
Người tiêu dùng sẽ nhận biết được bằng mắt thường hoặc sử dụng thiết bị điện thoại thông minh (Smartphone) có cài đặt ứng dụng phần mềm quét mã QR để đọc các thông tin truy xuất nguồn gốc (được mã hóa dưới dạng QR code) của sản phẩm đó.
Tại hội thảo, nhiều nhà vườn cũng đóng góp ý kiến: Việc quản lý tem tại đơn vị được in tem cần có giải pháp cụ thể, tránh tình trạng in tem nhưng không dán hết tem, để thất thoát tem ra ngoài. Cần thống nhất về mẫu mã tem, chất lượng tem. Việc dán tem cần phải có sự quản lý từ cấp sở đến cấp huyện.
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An chỉ cung cấp tem cho từng giống cam, từng mùa vụ, từng cơ sở sản xuất, kinh doanh cam và có thời hạn sử dụng nhất định. Thời hạn sử dụng tem truy xuất nguồn gốc được tính từ khi bắt đầu thu hoạch cam cho đến hết hạn sử dụng của cam quả.
Bên cạnh việc dán tem đóng dấu thương hiệu cam Vinh, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc quan trọng nhất vẫn là giữ được chất lượng sản phẩm. Bởi vậy, các cơ quan chuyên môn cần có quy trình cụ thể về chăm sóc cam, cung ứng giống cam tốt, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo... để chất lượng cam đồng đều, bền vững.