Truy xuất nguồn gốc cây đào: Vì sao Lào Cai không thực hiện dán tem như nơi khác?

GD&TĐ - Việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào để xác định nguồn gốc, xuất xứ cây đào, xác định cây đào được trồng trên đất nông nghiệp, không phải là đào rừng tự nhiên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau khi Thủ tướng chỉ đạo "…phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi chơi tết", các địa phương được cho là thủ phủ của cây đào đã có những cách làm khác nhau.

Tại Sơn La, thực hiện chỉ đạo, chiều ngày 13/1, UBND tỉnh Sơn La có văn bản số 14/BC – UBND gửi Thủ tướng Chính Phủ báo cáo tình hình trồng, khai thác và đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ đạo thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tiếp đó, trong ngày 20/1, UBND huyện Vân Hồ (Sơn La) cho biết đã thiết kế 2 mẫu tem (có kích thước dài 15cm và 20cm) và đã được đưa vào sử dụng. Mẫu tem này vừa giúp để quảng bá và xác nhận đào trồng của huyện Vân Hồ.

Chính quyền đã phát hành hơn 10.000 tem, tùy theo nhu cầu có thể sẽ phát hành thêm. Đối với nguồn kinh phí để in tem này sử dụng nguồn xã hội hóa, trị giá mỗi tem khoảng 1.000 đồng/tem.

Để người dân thuận tiện hơn trong việc sử dụng tem này, huyện đã chỉ đạo các xã thành lập Tổ rà soát do Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng cùng với Trưởng công an xã và Trưởng các bản tiến hành rà soát từng hộ, số lượng đào trồng cụ thể, tên, địa chỉ của hộ gia đình trồng đào... để cấp, phát tem.

Bên cạnh đó, ngoài việc cấp tem cho các hộ trồng đào, thì đối với các thương lái khi đến mua đào tập trung thì phải có giấy xác nhận việc mua đào ở đâu, mua với hộ gia đình nào, số lượng bao nhiêu… để chứng minh nguồn gốc đào xuất phát từ địa phương để cho việc lưu thông thuận tiện hơn.

Mẫu tem được phát hành để chứng minh nguồn gốc cho cây đào tại huyện Vân Hồ.
Mẫu tem được phát hành để chứng minh nguồn gốc cho cây đào tại huyện Vân Hồ.

Trong khi đó, tại tỉnh Lào Cai, trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai sẽ không thực hiện việc dán tem, tiến hành truy xuất nguồn gốc cây đào.

Theo vị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết khái niệm “đào rừng” là cách gọi dân gian theo thói quen của người miền xuôi, bởi cây đào xuất thân từ miền rừng núi.

Ô Duy cũng khẳng định, Lào Cai không có đào rừng chỉ có đào trồng ở vườn nhà, bản thân cây đào cũng không phân bố ở trong rừng.

"Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay chúng tôi đã chỉ đạo kiểm lâm ở cơ sở giám sát việc đó", ông Duy nói.

Theo lời vị Giám đốc Sở NNPTNT, việc dán tem truy xuất còn liên quan đến trình tự thủ hồ sơ phức tạp và người dân đi làm thủ tục hồ sơ trong dịp Tết thì không kịp, quan trọng là để người dân khi có sản phẩm và được tiêu thụ thuận lợi.

Còn ở Lai Châu, trao đổi với PV, ông Đặng Văn Châu, Giám đốc NN&PTNT tỉnh cho biết thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng, phía Sở đang cho tiến hành rà soát, vận động người dân để thực hiện việc dán tem cho đào. Theo ông Châu, việc này đang được tiến hành thực hiện và chưa có báo cáo kết quả chi tiết.

Trong khi đó, tỉnh Điện Biên cho biết các cơ quan chức năng đang rà soát diện tích trồng đào, đợi hướng dẫn cụ thể từ Tổng cục Lâm nghiệp.

Trước đó, trao đổi với báo chí về vấn đề trên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sẽ chuyển đề xuất dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào đến Bộ NN&PTNT xem xét, giải đáp cụ thể. Bộ NN&PTNT cần sớm có câu trả lời để thống nhất cách làm giữa các địa phương, tránh ảnh hưởng tới người dân trồng đào – vốn chủ yếu là bà con miền núi cuộc sống còn rất khó khăn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.