Truy tố ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm gây thiệt hại 2.700 tỷ đồng

GD&TĐ - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng, truy tố cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng nhiều đồng phạm, với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong vụ sai phạm liên quan “đất vàng” tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TPHCM).

Vị trí khu “đất vàng” tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TPHCM) liên quan đến vụ án.	 Ảnh: IT
Vị trí khu “đất vàng” tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TPHCM) liên quan đến vụ án. Ảnh: IT

Gây thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng

Ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh: IT
Ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa. Ảnh: IT

Theo cáo trạng, vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công Thương và TPHCM liên quan dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê” trên khu đất có diện tích hơn 6.000 m2 tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TPHCM) là đặc biệt nghiêm trọng.

Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và bị can Phan Chí Dũng (Cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương) cùng bị truy tố tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

“Thủ đoạn các bị can sử dụng trong vụ án là dùng quyền sử dụng đất hoặc các quyền về tài sản khác của Nhà nước để góp vốn, liên doanh sau đó thoái vốn (chuyển nhượng vốn) không minh bạch, vi phạm quy định pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát đặc biệt vốn Nhà nước. Vì vậy, cần phải xét xử nghiêm minh đối với hành vi của các bị can” - cáo trạng nêu.

Theo cáo trạng, bị can Vũ Huy Hoàng là người có trình độ, kiến thức trong công tác quản lý Nhà nước về kinh tế, công nghiệp và thương mại. Tháng 8/2007, ông này được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Ông Hoàng biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TPHCM) đã được sắp xếp giao cho Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương, vốn Nhà nước chiếm 89,59%) và không được thành lập pháp nhân mới.

Tuy nhiên, ông Hoàng vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl để đầu tư dự án.

Mặt khác, từ năm 2011 đến 2012, Chính phủ đã có các nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, tổng công ty Nhà nước không đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhất là lĩnh vực bất động sản, tài chính… Tuy nhiên, khi Sabeco triển khai thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TPHCM), đơn vị này không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển đổi mục đích sử dụng là hơn 1.200 tỷ đồng nhưng bị can Vũ Huy Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án, không chấp hành các nghị quyết của Chính phủ.

Công ty Sabeco Pearl khi được làm chủ đầu tư và được chuyển quyền sử dụng đất (tháng 6/2015), lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ và sau khi nhận được 2 văn bản của nhóm các cổ đông sáng lập của Công ty Sabeco Pearl, đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo Sabeco thoái 26% vốn góp và đề nghị được mua lại phần vốn góp này. Ông Vũ Huy Hoàng đã quyết liệt chỉ đạo Sabeco đẩy nhanh thực hiện thủ tục thoái vốn và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần.

Tại thời điểm phát hiện sai phạm, Công ty CPĐT Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TPHCM). Hậu quả của vụ án xác định gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước hơn 2.713 tỷ đồng.

Nhiều quan chức dính án

Ông Nguyễn Hữu Tín (phải) và ông Đào Anh Kiệt ra tòa trong vụ án khác. Ảnh: Như Ý
Ông Nguyễn Hữu Tín (phải) và ông Đào Anh Kiệt ra tòa trong vụ án khác. Ảnh: Như Ý

Quá trình điều tra, bị can Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu và đổ lỗi cho bị can Hồ Thị Kim Thoa, Phan Chí Dũng. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu thu thập được, xác định ông Vũ Huy Hoàng có hành vi phạm tội với vai trò chính, trực tiếp.

Theo cáo trạng, các bị can Hồ Thị Kim Thoa (từng là Thứ trưởng Bộ Công Thương), Phan Chí Dũng đã thực hiện hành vi đồng phạm giúp sức cho ông Vũ Huy Hoàng. Hai người này trực tiếp ký các văn bản hoặc tham mưu đề xuất ông Hoàng ký văn bản chấp thuận chủ trương cho Sabeco thực hiện các dự án bất động sản, không phải là ngành nghề kinh doanh chính.

Sau đó hai bị can này tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ phần góp vốn tại Sabeco Pearl và phê duyệt giá cổ phần làm giá khởi điểm để đấu giá thấp hơn giá trị thực tế, trái pháp luật.

Bà Thoa và ông Dũng bị Viện KSND tối cao quy kết cùng với ông Hoàng và các bị can khác gây thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng. Do bị can Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ trốn nên Cơ quan điều tra đã ra các quyết định tạm đình chỉ điều tra và ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Theo cáo trạng, ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT Sabeco đã ký Công văn số 374 kèm theo các văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương đề nghị UBND TPHCM chấp thuận cho Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl.

Đồng thời, các sở, ngành thuộc UBND TPHCM đã tham mưu cho ông Nguyễn Hữu Tín (Phó Chủ tịch UBND TPHCM lúc bấy giờ) ký ban hành Quyết định số 3186 QĐ - UBND cho Công ty Sabeco Pearl thuê đất trái các quy định pháp luật.

Ông Vũ Huy Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương, do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng và Ban Bí thư cũng đã thi hành kỷ luật cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2011 - 2016). Ông Hoàng cũng được xác định là thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam; sau đó điều động ông Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng Sabeco để bầu làm thành viên HĐQT, giữ chức Phó Tổng Giám đốc Sabeco; vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều Đảng viên không được làm và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, Chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.