“Lỡ tiêu rồi, lấy đâu mà trả”
Cô Tr.T.T., (giáo viên một trường THCS, xã Ea K’pam, huyện Cư M’gar) có gần 20 năm cống hiến cho ngành Giáo dục địa phương không giấu được lo lắng: “Tôi được biết, số tiền bị truy thu đối với nhiều giáo viên lâu năm ở cấp tiểu học từ 60 - 80 triệu đồng. Cấp THCS, trung bình mỗi giáo viên sẽ bị truy thu từ 30 - 50 triệu đồng. Nếu truy thu trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc dạy học của giáo viên. Hiện, chúng tôi rất hoang mang khi vừa đi dạy vừa lo chắt bóp tiền lương để trả nợ”.
Theo đó, cô T. cũng như nhiều giáo viên nằm trong diện bị truy thu tiền phụ cấp ưu đãi do cơ quan chi vượt định mức rất “sốc” khi nhận văn bản của UBND huyện bởi thời gian truy thu 38 tháng (từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2024). Trong đó, giáo viên THCS thu 5% phần chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng; giáo viên tiểu học, mầm non thu 15%.
Điều đáng nói, trước đó, đội ngũ này chưa hề được trường thông báo hay nhận văn bản nào thông tin về việc truy thu.
Nói thêm về điều này, cô T. băn khoăn: “Tiền hưởng không phải lỗi của giáo viên mà do cấp trên nghiên cứu sai. Do đó, chúng tôi cho rằng, ai sai thì người đó chịu. Nếu trước đó có quyết định không được hưởng, thì chúng tôi không nhận số tiền này. Tiền của Nhà nước phát về cho giáo viên trong thời gian gần 4 năm, chúng tôi đã tiêu rồi. Nếu buộc phải truy thu để nhập vào ngân sách Nhà nước thì cấp tỉnh, huyện phải có lộ trình hợp lý để không ảnh hưởng đến đời sống giáo viên”.
Tương tự, cô P.T.T., (giáo viên tiểu học, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) chia sẻ, theo tính toán sơ bộ, bản thân phải trả lại khoảng 40 triệu đồng tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo.
“Văn bản của UBND huyện nêu, việc thu hồi tiền phụ cấp ưu đãi sẽ thực hiện trong thời gian hơn 1 năm. Điều đó đồng nghĩa mỗi tháng, tôi sẽ bị truy thu số tiền hơn 2,6 triệu đồng. Thậm chí có giáo viên bị truy thu khoảng 4 triệu đồng/tháng. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện theo chính sách, quy định của pháp luật, nhưng mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giãn thời gian truy thu bằng thời gian giáo viên đã nhận được khoản tiền phụ cấp ưu đãi trước đó để yên tâm công tác và ổn định cuộc sống”, cô T. nói.
Cũng theo cô T., 2 vợ chồng đều công tác trong ngành Giáo dục gần 20 năm, mức thu nhập sau khi trừ bảo hiểm các loại và chi phí sinh hoạt khác còn chưa đầy 10 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy, để bảo đảm cuộc sống, chăm lo cho 2 con ăn học và hoàn thành nhiệm vụ dạy học, vợ chồng cô T. phải “liệu cơm gắp mắm”, thậm chí tranh thủ ngày nghỉ, buổi tối làm thêm bên ngoài mới đủ trang trải.
“Kể từ khi nhận thông tin huyện thu hồi tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2024, vợ chồng tôi rất hoang mang”, cô T. nghẹn ngào.
Ưu tiên bảo đảm đời sống giáo viên
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, số lượng giáo viên bị ảnh hưởng lớn (UBND tỉnh Đắk Lắk đang thống kê - PV), thời gian bị truy thu dài (gần 4 năm), trong đó có người đã nghỉ hưu, thậm chí mất. Vì vậy, các cấp, ngành của tỉnh Đắk Lắk đang triển khai hết sức thận trọng, trên cơ sở ưu tiên bảo đảm đời sống của giáo viên.
Chiều 25/9, ông Võ Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Chúng tôi đã xin ý kiến các bộ, ngành ở Trung ương và chờ ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau đó mới họp và báo cáo. Về phương án thu hồi, UBND tỉnh sẽ tính toán cẩn thận. Về mặt pháp luật là phải thu, nhưng thu như thế nào thì cần quan tâm đến đời sống của giáo viên. Khi nào có kết luận sẽ thông tin đầy đủ”.
Liên quan đến vấn đề này, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk thông tin, Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II, I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 thì tỉnh Đắk Lắk có 184 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (quyết định này thay thế cho Quyết định 582). Toàn tỉnh chỉ còn 130 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, gồm: 54 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), 71 xã khu vực II và 5 xã khu vực I.
Sở dĩ 54 xã còn lại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi sau khi Quyết định 861 có hiệu lực (từ ngày 4/6/2021) vì chiếu theo Quyết định 33/2020/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ngày 12/11/2020 về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 thì các xã này không đáp ứng tiêu chí tại Điều 2 là có tổng số hộ dân tộc thiểu số sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên.
Sau khi Quyết định 861 có hiệu lực, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành văn bản triển khai từ các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan đến huyện, xã, thôn, buôn.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Tạ Quang Tòng - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk phân tích: “Trường học là đơn vị nhận tiền từ ngân sách về chi lại cho giáo viên. Vì vậy, người phải chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng và kế toán các trường, tiếp đến là phòng Tài chính cấp huyện, thị xã hoặc thành phố. Đơn vị cấp phát tài chính đã không theo dõi sát sao việc chi tiêu khoản tiền đó nên phải chịu trách nhiệm liên đới”.
Trước đó, UBND các huyện, thị xã tại tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản yêu cầu các trường mầm non, tiểu học, THCS tiến hành thu hồi phụ cấp ưu đãi cho giáo viên và nộp vào ngân sách địa phương. Trong đó, giáo viên mầm non, tiểu học, thu hồi 15% phụ cấp ưu đãi do giảm từ 50% xuống còn 35%; giáo viên các trường THCS, thu hồi 5% phụ cấp ưu đãi do giảm từ 35% xuống còn 30%.