Trường vùng cao linh hoạt dạy học trong mùa dịch

GD&TĐ - Hơn 200.000 học sinh tại các cơ sở giáo dục của tỉnh Điện Biên đồng loạt trở lại trường sau đợt nghỉ Tết kéo dài vì dịch bệnh.

Giáo viên các điểm bản vùng cao của huyện Nậm Pồ hướng dẫn học sinh cách phòng dịch.
Giáo viên các điểm bản vùng cao của huyện Nậm Pồ hướng dẫn học sinh cách phòng dịch.

Do địa phương ghi nhận 3 ca dương tính với Covid-19 nên các trường hết sức chú trọng công tác phòng dịch, đặc biệt trường vùng biên giới.

Tách khối khi tan trường

Tại Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ), buổi sáng học sinh bắt đầu vào học lúc 7 giờ 30 phút thay vì 7 giờ 15 phút như trước đây. Giờ tan học cũng được điều chỉnh theo từng khối lớp khác nhau. Khối lớp 1, 2 tan học lúc 10 giờ 20 phút; Khối 3, 4 tan học lúc 10 giờ 30 phút và khối lớp 5 tan học sau đó 10 phút.

Buổi chiều, học sinh sẽ học lúc 14 giờ 15 phút. Giờ tan học cũng chia làm 3 đợt khác nhau theo các khối 1, 2; Khối 3, 4 và Khối 5. Thời gian tan học bắt đầu từ 16 giờ 20 - 16 giờ 40 phút, mỗi đợt cách nhau 10 phút. Việc làm này nhằm hạn chế việc học sinh đồng loạt ra cùng thời điểm, hạn chế việc tiếp xúc đông người như trước đây.

Tại Trường Tiểu học Him Lam, phường Him Lam (TP Điện Biên Phủ), hầu hết HS khi đến trường đều đeo khẩu trang. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng chủ động chuẩn bị bình nước cá nhân cho con em mình. Trước khi vào cổng trường, toàn bộ học sinh được đo thân nhiệt, giãn cách và sát khuẩn tay. 

Cô Đinh Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Him Lam cho biết: Nhà trường không tổ chức các hoạt động ngoài trời và giờ ra chơi chỉ cho học sinh vui chơi tại khuôn viên lớp học để bảo đảm phòng chống dịch bệnh. 

Với cấp học mầm non, các nhà trường trên địa bàn không tổ chức nấu ăn bán trú. Phụ huynh phải đưa, đón con về nhà sau mỗi buổi học. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, sinh hoạt khi họ vẫn phải đi làm. 

“Đến trưa phải đón về, chiều đưa đi, cũng có một số bất tiện nhưng vì đang dịch bệnh nên chúng tôi cũng hiểu và cố gắng sắp xếp để đón con về ăn ở nhà” - chị Nguyễn Thị Thái Hà có con học Trường Mầm non Him Lam, phường Him Lam chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, việc tạm thời chưa tổ chức nấu ăn tại nhiều cơ sở giáo dục được thống nhất giữa ngành với Sở Y tế. Điều này có thể gây khó khăn với một số phụ huynh, song đó là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay. Tới đây, căn cứ vào tình hình thực tiễn, chúng tôi sẽ tham mưu với tỉnh để có những điều chỉnh phù hợp.

Học sinh xếp hàng, giữ khoảng cách, kiểm tra y tế trước khi vào lớp.
Học sinh xếp hàng, giữ khoảng cách, kiểm tra y tế trước khi vào lớp.

Giữ khoảng cách khi ăn

Ông Nguyễn Văn Kiên cho rằng: Khai báo y tế với toàn ngành phải được thực hiện nghiêm túc, trung thực vì đó không chỉ là trách nhiệm với xã hội, mà còn là lương tâm và trách nhiệm của mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động.

“Chúng tôi xác định trước hết là vai trò người đứng đầu tại các cơ sở giáo dục. Từ những chỉ đạo của tỉnh, sở, cán bộ quản lý phải làm tốt công tác tư tưởng để giáo viên khai báo trung thực. Vừa là tốt cho mình, đồng thời cũng là tốt cho cộng đồng. Những trường hợp khai báo sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Nguyễn Văn Kiên nhận định.

Ông Nguyễn Văn Kiên cho biết thêm: Với học sinh liên quan đến các trường hợp dương tính với Covid-19, sở GD&ĐT yêu cầu phòng GD&ĐT thành phố xây dựng phương án và bố trí phù hợp để dạy học bù,  bảo đảm quyền lợi cho các em.

Trở lại trường sau kỳ nghỉ dài, những trường bán trú, trường có học sinh bán trú thuộc diện hưởng chế độ của Nhà nước; trường nội trú, trường có lưu học sinh Lào được tổ chức ăn tại trường. Tuy nhiên, phải đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm. 

Tại huyện Nậm Pồ, hơn 40 đơn vị trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú như thường lệ. Tuy nhiên, giờ ăn của học sinh được chia thành nhiều ca khác nhau để tránh việc tiếp xúc đông người.

“Chúng tôi yêu cầu các trường vẫn tổ chức cho học sinh ăn tại trường theo hướng dẫn của tỉnh. Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí cho các cháu ăn lệch ca giữa các khối, lớp. Để giữ khoảng cách an toàn, các trường bố trí cho học sinh ăn tại nhà ăn, một số được ăn ngay tại lớp học”, ông Nguyễn Văn Tiếp, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ nói.

"Chúng tôi kêu gọi nhân dân hãy chung tay cùng với ngành GD-ĐT tỉnh nhà làm tốt công tác phòng dịch bệnh Covid-19. Mỗi phụ huynh, mỗi cá nhân có một việc làm thiết thực sẽ góp phần cùng toàn ngành, toàn tỉnh làm tốt công tác phòng bệnh. Trường hợp không may xảy ra phải cùng nhau tập trung chống dịch cho hiệu quả, vì sức khỏe của HS, GV và cộng đồng. - Ông Nguyễn Văn Kiên nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.